Một giám đốc trẻ năng động

06:07, 20/07/2018

Sinh năm 1987, mới ngoài 30 tuổi, anh Trần Văn Trường xóm 12, xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) đã là giám đốc của một Cty chuyên sản xuất máy xây dựng, nông nghiệp có quy mô khá lớn, xuất đi nhiều tỉnh, thành phố và cả thị trường quốc tế. Thời điểm hiện tại, anh Trường còn đầu tư sang lĩnh vực môi trường. Khởi nghiệp từ thất bại của những lần kinh doanh trước, Giám đốc Cty TNHH một thành viên Kinh doanh thương mại tổng hợp Vĩnh Phát chia sẻ: “Cũng như nhiều thanh niên mới lập nghiệp, tôi cũng có những năm tháng làm ăn thua lỗ, phải chạy vạy nhiều nơi. Tuy nhiên, tôi xác định đó chỉ là những khó khăn tạm thời. Quan trọng là mình phải có chiến lược kinh doanh hợp lý cộng với quyết tâm làm giàu”.

Anh Trần Văn Trường, Giám đốc Cty TNHH một thành viên Kinh doanh thương mại tổng hợp Vĩnh Phát, xóm 12, xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) nhận Huy hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ V. Ảnh: Do nhân vật cung cấp
Anh Trần Văn Trường, Giám đốc Cty TNHH một thành viên Kinh doanh thương mại tổng hợp Vĩnh Phát, xóm 12, xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) nhận Huy hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ V. Ảnh: Do nhân vật cung cấp

Trước khi trở về quê, gắn bó với nghề cơ khí, cựu sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Ðại học Quản trị kinh doanh Hà Nội, từng có thời gian lăn lộn 2 năm ở nước bạn Lào làm miến, khai thác vàng. Khoảng thời gian ở Lào cũng chính là thời điểm công việc làm ăn của anh Trường gặp khó khăn, “bết bát” nhất. “Nhưng cũng chính vì những thời điểm như thế mà tôi có thêm kinh nghiệm sống, trưởng thành hơn. Tôi luôn tự động viên bản thân phải nỗ lực hơn nữa sau những vấp ngã, thất bại”, Trường nói. Kinh doanh không thành công ở Lào, Trường xác định, muốn làm giàu, gây dựng sự nghiệp phải trở về quê hương. Về quê, nếu có hướng đi đúng, cơ hội thành công vẫn sẽ đến. Nghĩ là làm, năm 2012, Trường về nhà và bắt đầu lại từ con số không. Anh chọn nghề cơ khí để khởi nghiệp... lần hai. Quyết tâm là thế nhưng khi bắt tay vào thực hiện Trường mới thấy khó khăn hơn gấp bội. Khó nhất vẫn là tìm vốn để kinh doanh. Ðể có tiền xây dựng nhà xưởng, mua thiết bị, thuê nhân công anh phải chạy vạy, vay mượn từ rất nhiều nguồn. Từ vay ngân hàng đến vay anh em, bạn bè, người thân... Vay được tiền, anh mở một xưởng cơ khí nhỏ, đặt cơ sở ở cầu Lạc Quần, nhận gia công các loại máy bào, máy tuốt lúa, trộn bê tông... Không có kinh nghiệm cũng chưa từng làm cơ khí trước đây, Trường vừa làm vừa mò mẫm học hỏi, quan sát thị trường. Nhẫn nại, anh đã đến nhiều xưởng cơ khí học nghề, lắng nghe ý kiến phản hồi của khách hàng về những sản phẩm đầu tiên để rút kinh nghiệm. Vừa làm vừa tự học, đọc thêm các tài liệu hướng dẫn, dần dần Trường nâng cao được tay nghề, gây dựng niềm tin cho khách hàng, thị trường. Sản phẩm của xưởng nhanh chóng có mặt trên nhiều tỉnh, thành phố cả nước. Năm 2013, để thuận tiện cho công việc kinh doanh, sản xuất, Trường chuyển nhà xưởng về Cụm công nghiệp làng nghề Xuân Tiến, mở rộng diện tích hơn 1.000m2, thuê 7 thợ làm công nhật. Ðến năm 2014, anh tiếp tục mở rộng quy mô nhà xưởng, thành lập Cty TNHH một thành viên Kinh doanh thương mại tổng hợp Vĩnh Phát với 2 cơ sở đặt tại Cụm công nghiệp làng nghề Xuân Tiến và xã Thọ Nghiệp. Thời điểm này, anh có 10 lao động làm việc thường xuyên với mức lương khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra anh còn tạo việc làm cho nhiều hộ gia đình nhận làm vệ tinh theo hình thức khoán sản phẩm. Năm 2017, ngoài thị trường trong nước, Cty của anh Trường còn xuất bán được nhiều sản phẩm ra thị trường nước ngoài như châu Phi, các nước lân cận như: Lào, Căm-pu-chia; giải quyết việc làm thường xuyên cho 36 lao động, chủ yếu trong độ tuổi thanh niên với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng, sau khi trừ chi phí, Cty thu về trên 500 triệu đồng tiền lãi.

Không chỉ quan tâm đến lĩnh vực cơ khí, từ đầu năm 2017, anh còn mở rộng đầu tư kinh doanh một số lĩnh vực khác như sơn tĩnh điện, đặc biệt là đầu tư vào môi trường. Theo đó, anh dồn nhiều tâm huyết, kinh phí để xây dựng, cải tạo bãi rác xã Thọ Nghiệp. Chia sẻ về lý do xây dựng khu xử lý rác thải, anh Trường cho biết: “Từ hồi sinh viên tôi đã rất tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện do nhà trường tổ chức. Tôi cùng những người bạn của mình đã nhiều lần đi dọn vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, mương máng... Chúng tôi trực tiếp lội xuống các kênh rạch, chui xuống cống để vớt bèo, rác thải. Từ những hoạt động như vậy, tôi nhận thấy việc cải thiện môi trường sống là rất quan trọng. Tôi muốn góp sức mình vào những công việc ý nghĩa để cải thiện môi trường. Ðó cũng là lý do tôi quyết định phát triển dự án”. Theo đó, nhận thấy tình trạng ô nhiễm môi trường của bãi chôn lấp rác thải xã Thọ Nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước và không khí của các khu dân cư gần đó, anh Trần Văn Trường đã quyết tâm đầu tư công nghệ xử lý rác, cải tạo bãi rác của xã trên diện tích 8.000m2. Ðược sự nhất trí của UBND huyện Xuân Trường, UBND xã Thọ Nghiệp, anh nhanh chóng bắt tay vào cải tạo khuôn viên bãi. Quá trình cải tạo, anh Trường sử dụng hàng chục tấn vôi bột, hàng trăm lít hóa chất vi sinh, hàng trăm ca máy nhằm xử lý toàn bộ mặt bằng bãi. Những ngày đầu tiến hành cải tạo, anh và công nhân gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều công nhân, thậm chí không chịu đựng được mùi hôi thối đã xin nghỉ việc giữa chừng. Không nản lòng, hằng ngày, giám đốc trẻ trực tiếp ra hiện trường bắt tay làm cùng công nhân, động viên từng người cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Sau 8 tháng với sự lỗ lực của 60 công nhân, anh Trường đã hoàn thành quá trình cải tạo bãi xử lý rác thải với tổng kinh phí đầu tư cho dự án lên đến 6 tỷ đồng. Từ một nơi ô nhiễm, rác chất cao hơn đầu người, bãi rác xã Thọ Nghiệp giờ đây có một diện mạo mới. Trên nền bãi rác cũ, anh Trường cho đào ao nuôi cá và trồng thêm 220 cây xanh khắp khuôn viên. Anh còn đầu tư xây dựng lò đốt hiện đại để xử lý rác thải hằng ngày. Ðến nay, khu xử lý rác thải đã đi vào hoạt động ổn định và có 15 công nhân làm việc trực tiếp với mức lương từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Hằng ngày, anh Trường tổ chức cho công nhân đi thu gom rác tại 100% các xóm trong xã đưa về bãi. Rác về đến đâu được phân loại, xử lý gọn gàng đến đó, không có tình trạng tồn ứ, gây ô nhiễm. Với mong muốn giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dự án cải tạo bãi rác xã Thọ Nghiệp cũng chính là tâm huyết, quyết tâm của anh Trường cùng với quê hương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, mang ý nghĩa xã hội hóa cao.

Từ một thanh niên khởi nghiệp thất bại, hiện Trần Văn Trường đã là một giám đốc trẻ thành công. Tuy nhiên, điều nhiều người khâm phục ở anh không chỉ là đầu óc nhạy bén trong kinh doanh mà còn là cái tâm đối với các hoạt động an sinh xã hội mà anh hướng tới. Với những việc làm ý nghĩa, năm 2018, anh vinh dự được Tỉnh Ðoàn tặng Bằng khen “Ðã có thành tích trong học tập và làm theo lời Bác”; được lựa chọn là 1 trong 6 thanh niên của tỉnh dự Ðại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ V, được Trung ương Ðoàn trao Huy hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác./.

Hoa Xuân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com