Hiệu quả từ mô hình lồng ghép quản lý, cung cấp dịch vụ điều trị HIV và lao tại cơ sở

08:07, 02/07/2018

Bệnh lao là bệnh nhiễm trùng cơ hội và là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở người nhiễm HIV trên toàn cầu. Nguy cơ mắc lao ở đối tượng nhiễm HIV cũng cao gấp 19 lần so với người không nhiễm HIV. Người nhiễm lao/HIV cũng là đối tượng nguy cơ cao trong kháng đa thuốc và siêu kháng thuốc. Nhằm tăng cường công tác quản lý và cung cấp dịch vụ toàn diện, thuận lợi cho bệnh nhân đồng mắc lao và HIV ở những địa bàn có tình hình dịch HIV và lao cao, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3957/QĐ-BYT ngày 23-9-2015 về mô hình lồng ghép quản lý và cung cấp dịch vụ HIV và lao tại tuyến huyện và tuyến xã. 

Khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi tỉnh.
Khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi tỉnh.

Triển khai thực hiện mô hình tỉnh ta có thuận lợi là luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như Quỹ Toàn cầu, CDC, LifeGap, URC… trong các hoạt động. Mặt khác tổ chức mạng lưới chống lao được duy trì, hoạt động hiệu quả: Hiện nay chương trình chống lao đã được triển khai trên toàn tỉnh với tổng số 305 giường bệnh, trong đó tuyến tỉnh 160 giường (25 giường bệnh phổi ngoài lao), tuyến huyện 145 giường (mỗi huyện có 15-20 giường); mỗi huyện có 1 tổ chống lao nằm trong khoa Truyền nhiễm của Trung tâm Y tế huyện. Tổng số cán bộ tham gia công tác phòng chống lao toàn tỉnh có 419 người, trong đó tuyến tỉnh có 115 người, tuyến huyện có 75 người, tuyến xã, phường, thị trấn có 229 cán bộ chuyên trách. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về phối hợp phòng chống lao/HIV, tỉnh ta đã thành lập Ban điều phối lao/HIV tuyến tỉnh và tuyến huyện, hằng năm đều xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch phối hợp phòng chống lao/HIV. Tại Bệnh viện Phổi tỉnh và khoa Truyền nhiễm của Trung tâm Y tế các huyện đều thành lập phòng Tư vấn xét nghiệm tự nguyện. Các đơn vị duy trì định kỳ 6 tháng 1 lần tổ chức giao ban giữa hai bên lao và HIV các tuyến để đánh giá kết quả hoạt động và đưa ra giải pháp cho thời gian tới. Bệnh viện Phổi tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, các phòng khám ngoại trú tuyên truyền, làm xét nghiệm HIV cho bệnh nhân lao, khám sàng lọc lao cho người bệnh HIV tại Bệnh viện Phổi tỉnh và các cơ sở chống lao huyện, thành phố; triển khai điều trị dự phòng mắc lao bằng INH cho người nhiễm HIV. Các cơ sở chăm sóc, điều trị HIV/AIDS khám sàng lọc và chuyển những bệnh nhân có dấu hiệu nghi mắc lao sang cơ sở chống lao để chẩn đoán và điều trị. Các cơ sở chống lao tư vấn, xét nghiệm tự nguyện HIV cho bệnh nhân mắc lao để phát hiện bệnh nhân lao nhiễm HIV và chuyển gửi sang cơ sở điều trị HIV/AIDS để bệnh nhân được điều trị ARV. Các cơ sở cập nhật và báo cáo kết quả chuyển gửi trong từng tháng về Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh theo mô hình hỗ trợ chuyển gửi thành công bệnh nhân HIV dương tính đã được tập huấn. Thực hiện kiểm soát lây nhiễm lao tại các cơ sở chăm sóc, điều trị HIV/AIDS, phòng Tư vấn xét nghiệm tự nguyện (VCT). Mỗi năm tỉnh ta có trên 1.800 người mắc lao mới, số bệnh nhân lao/HIV phát hiện trung bình mỗi năm khoảng 30-40 bệnh nhân. Tỷ lệ bệnh nhân lao được xét nghiệm HIV hằng năm đạt trên 95%. Số lượt bệnh nhân HIV được gửi khám sàng lọc lao khi phát hiện đều được thu nhận điều trị lao/HIV. Số bệnh nhân lao/HIV đều được điều trị ARV đạt tỷ lệ trên 91%. 

Sau 3 năm thực hiện mô hình lồng ghép quản lý và cung cấp dịch vụ HIV và lao tại tuyến cơ sở, việc chủ động phát hiện bệnh lao cho người nhiễm HIV được cải thiện rõ rệt. Trước khi thực hiện mô hình, bệnh nhân phải đi lại ít nhất 3 lần thì sau khi lồng ghép chỉ trong một lần người bệnh đã được chẩn đoán; thời gian được chẩn đoán và điều trị lao giảm từ ít nhất một tuần xuống 2-3 ngày. Việc triển khai mô hình lồng ghép còn góp phần làm tăng tỷ lệ người bệnh lao được xét nghiệm HIV; tăng tỷ lệ người bệnh đồng nhiễm lao/HIV được điều trị cả 2 bệnh; giảm tỷ lệ người bệnh bị mất dấu trong quá trình điều trị. Chất lượng dịch vụ cũng được tăng cường. Địa bàn triển khai mô hình cũng giảm được nhân lực, chi phí và cơ sở vật chất đầu tư cho triển khai các dịch vụ lao và HIV so với trước khi lồng ghép. Đặc biệt, mô hình kết hợp này vừa tạo thuận lợi cho người bệnh tiếp cận cả hai loại dịch vụ tại cùng một địa điểm, vừa giảm chi phí gián tiếp trong sử dụng dịch vụ lao/HIV.

Thời gian tới Bệnh viện Phổi tỉnh, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, các Trung tâm Y tế huyện, thành phố tăng cường phối hợp trong quản lý điều trị bệnh nhân lao/HIV và chỉ đạo tuyến. Thực hiện tốt kế hoạch phối hợp lao/HIV tuyến tỉnh do Sở Y tế ban hành giữa Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Bệnh viện Phổi tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố. Tiếp tục triển khai các phòng tư vấn PICT thuộc Quỹ Toàn cầu phòng chống lao, tiến tới mở rộng khắp toàn tỉnh hướng tới các mục tiêu 100% số huyện, thành phố duy trì và tích cực triển khai các hoạt động phối hợp HIV/lao trên địa bàn; 90% số người bệnh lao được tư vấn và xét nghiệm HIV; 90% người nhiễm HIV đang được chăm sóc, quản lý tại các cơ sở chăm sóc điều trị chưa dự phòng được dự phòng mắc lao bằng INH; 90% bệnh nhân đồng nhiễm HIV/lao được điều trị đồng thời lao và ARV; 100% cơ sở chăm sóc, điều trị HIV/AIDS, phòng VCT có thực hiện biện pháp kiểm soát lây nhiễm lao./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com