Thời gian qua, giao thông nông thôn (GTNT) ở nhiều địa phương được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo. Tuy nhiên bên cạnh kết quả tích cực, vẫn có những tuyến đường GTNT chưa bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Hạ tầng giao thông huyện Nam Trực từng bước được cải tạo, nâng cấp góp phần phát triển kinh tế - xã hội. |
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo ngành GTVT đánh giá: nhằm phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua các địa phương đều nỗ lực huy động các nguồn kinh phí để đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống các đường trục xã, liên xã, trục thôn, đường ngõ xóm và đường trục chính nội đồng. Đặc biệt, trong chương trình xây dựng NTM, các huyện, xã đã huy động đóng góp của người dân để thực hiện cải tạo, nâng cấp các tuyến đường. Tuy nhiên việc huy động sức dân xây dựng đường nội đồng, đường thôn, xóm thuận lợi hơn; đối với hệ thống đường trục xã, liên xã mức độ đóng góp kinh phí của người dân còn thấp nên rất khó khăn. Bên cạnh đó, các tuyến đường chủ yếu nâng cấp trên tuyến đã có sẵn, nên các tiêu chuẩn kỹ thuật phần lớn chưa đạt về bề rộng nền và mặt đường, đặc biệt không có lề đường, móng đường, rãnh thoát nước dọc; không có hệ thống cọc tiêu, biển báo. Hệ thống đường nội đồng ở nhiều nơi mới được cứng hóa bằng cấp phối, chỉ đáp ứng phát triển kinh tế và dân sinh trước mắt nhưng về lâu dài phải được tiếp tục nâng cấp...
Để tháo gỡ những bất cập kể trên, Sở GTVT tăng cường hướng dẫn các địa phương thực hiện đầy đủ các quy chuẩn kỹ thuật trong quá trình đầu tư phát triển GTNT; thực hiện nghiêm túc hoạt động giám sát thi công, bảo đảm chất lượng công trình. Theo quy định của UBND tỉnh, tiêu chí giao thông trong chương trình xây dựng NTM phải bảo đảm các chỉ tiêu: 100% nền đường trục xã, liên xã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá đạt cấp A (nền đường từ 6,5m trở lên). 85% trở lên số km mặt đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT (mặt đường rộng từ 3,5m trở lên); 100% nền đường trục thôn, xóm được cứng hoá đạt từ cấp C trở lên. 75% trở lên số km mặt đường trục chính được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT (mặt đường rộng tối thiểu 3m); 100% đường ngõ, xóm được cứng hóa sạch sẽ và không lầy lội vào mùa mưa; 100% nền đường trục chính nội đồng được quy hoạch đạt từ cấp C trở lên của Bộ GTVT (nền đường từ 4m trở lên). 50% trở lên số km mặt đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT (mặt đường từ 3m trở lên). Đảm bảo ATGT và vệ sinh môi trường; lòng đường không bị lấn chiếm; lề đường, vỉa hè không bị che khuất tầm nhìn; thực hiện tốt công tác duy tu, bảo trì thường xuyên, giữ mặt đường sạch, cắt cỏ ở lề đường. Đặc biệt để có nguồn vốn cải tạo, nâng cấp đồng bộ, đạt quy chuẩn các tuyến đường GTNT, các địa phương đã đẩy mạnh thực hiện phương thức: đường huyện, đường liên xã được đầu tư bằng nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh theo chương trình mục tiêu và ngân sách huyện để xây dựng phần nền đường, mặt đường, các công trình ngang tuyến; các xã, thị trấn chịu trách nhiệm công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư hệ thống rãnh thoát nước dọc theo cơ chế xây dựng NTM. Đường trục xã, đường liên thôn được đầu tư bằng nguồn vốn từ chương trình - mục tiêu của ngân sách cấp trên (nếu có), ngân sách xã và huy động đóng góp của nhân dân để xây dựng. Tùy theo tình hình và yêu cầu cụ thể về nguồn vốn, các huyện sẽ hỗ trợ đối với từng dự án và công tác duy tu các tuyến đường nối 2 xã có kết nối với quốc lộ, tỉnh lộ. Đường giao thông các khu dân cư, đường nội đồng do các thôn, xóm huy động các nguồn đóng góp, xã hội hoá theo quy chế dân chủ cơ sở là chủ yếu. Ngân sách xã có thể hỗ trợ theo yêu cầu, khả năng thực tế, vốn chương trình xây dựng NTM... Cấp tỉnh ưu tiên bố trí nguồn vốn để sớm nâng cấp, cải tạo, bảo đảm đồng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cho các tuyến đường đi qua địa bàn nông thôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT hơn. Điển hình như đoạn Quốc lộ 21B qua địa bàn huyện Nam Trực dài 13,47km đã được tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí để cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới và đặc biệt chú trọng đầu tư đầy đủ rãnh thoát nước, đảm bảo ATGT toàn tuyến. Trong đó, 2,1km qua xã Nam Mỹ (Nam Trực) đã được đầu tư xây dựng mới đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng và có đầy đủ rãnh dọc thoát nước, đảm bảo ATGT cho các đoạn tuyến qua khu dân cư. Đoạn 11,37km từ cầu Vòi đến hết xã Nam Hải (Nam Trực), năm 2017 đã tiến hành nâng cấp cải tạo đạt quy mô đường cấp IV đồng bằng, mặt đường thảm nhựa; từ ngày 14-5-2018 đã được bàn giao đưa vào khai thác sử dụng. Đoạn tỉnh lộ 490C thuộc địa phận huyện Nam Trực dài 15,6km cơ bản đã được đầu tư xây dựng rãnh dọc thoát nước hai bên đường, đặc biệt là những đoạn qua khu dân cư. Hiện nay còn khoảng 30m đoạn qua Thị trấn Nam Giang còn đọng nước khi trời mưa to. Năm 2016-2017, Sở GTVT đã có kế hoạch xây dựng rãnh thoát nước dọc để khắc phục, tuy nhiên, còn vướng giải phóng mặt bằng nên chưa thực hiện được. UBND huyện Nam Trực và Thị trấn Nam Giang đang tiếp tục vận động nhân dân GPMB để xây dựng rãnh thoát nước, đảm bảo thoát nước và ATGT.
Thời gian tới, trong việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình GTNT, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, các địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thực hiện tốt nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Sở GTVT và các địa phương sẽ tiếp tục phối hợp rà soát, phát hiện và khẩn trương khắc phục các điểm bất cập, mất an toàn và chưa bảo đảm kỹ thuật để tất cả các công trình giao thông đưa vào sử dụng phát huy tốt hiệu quả đầu tư./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy