Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dân số

08:06, 13/06/2018

Thực hiện Nghị quyết số 21, Hội nghị lần thứ 6, BCH Trung ương Đảng lần thứ 6 (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới, tỉnh ta đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể về công tác Dân số - KHHGĐ năm 2018 và những năm tiếp theo là: Nâng cao chất lượng dân số; cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản; duy trì mức sinh hợp lý; giải quyết tốt các vấn đề về cơ cấu dân số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Chị Vũ Thị Lụ, xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng) có chồng mắc bệnh tâm thần phân liệt được nhận quà từ Đề án “Chăm sóc người tâm thần dựa vào cộng đồng”.
Chị Vũ Thị Lụ, xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng) có chồng mắc bệnh tâm thần phân liệt được nhận quà từ Đề án “Chăm sóc người tâm thần dựa vào cộng đồng”.

Theo số liệu của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, năm 2017, công tác dân số tỉnh ta cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra: Tỷ suất sinh giảm 0,1o/oo­ so với năm 2016; tỷ số giới tính khi sinh là 114,5 bé trai/100 bé gái, giảm 0,5 điểm phần trăm so với năm 2016. Tuy nhiên mức sinh có xu hướng tăng trong những năm gần đây và cao hơn mức sinh thay thế (mức sinh thay thế là 2,1 con). Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, công tác nâng cao chất lượng dân số còn nhiều thách thức. Về quy mô dân số, toàn tỉnh hiện có 2.008.241 người, là tỉnh có quy mô dân số lớn thứ 7 so với toàn quốc, mật độ dân cư đông (1.204 người/km2); mức sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn cao, mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức nghiêm trọng. Tư tưởng trọng nam còn khá nặng nề ở một bộ phận nhân dân; mặt khác số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cao. Chất l­ượng dân số chưa đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc lồng ghép công tác dân số - KHHGĐ với các nhiệm vụ khác mới chỉ dừng lại ở hình thức; việc xử lý vi phạm chính sách dân số - KHHGĐ ở một số địa phương, đơn vị chưa nghiêm túc, chưa kịp thời. Tổng tỷ suất sinh tỉnh là 2,5 con (trung bình mỗi người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,5 con), là tỉnh có mức sinh cao, trong khi vẫn còn nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sinh con thứ 3 trở lên. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho các chương trình còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra; kinh phí địa phương chưa được hỗ trợ nhiều cho công tác dân số - KHHGĐ; kinh phí hằng năm từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia dân số bị cắt giảm mạnh, vì vậy chưa đáp ứng nhu cầu triển khai thực hiện cho công tác dân số - KHHGĐ. Hệ thống tổ chức làm công tác dân số - KHHGĐ trên địa bàn các huyện, thành phố trong thời gian qua chưa ổn định, tạo nên khó khăn, vướng mắc khi chỉ đạo, triển khai thực hiện. Hiện nay, 229 cán bộ chuyên trách xã đều chưa được tuyển dụng thành viên chức. Số cộng tác viên dân số là 3.707 người (đã thay đổi 308 người), trong đó chi hội trưởng phụ nữ kiêm nhiệm có 2.194 người (59,2%); y tế thôn kiêm nhiệm có 738 người (19,9%); cán bộ ngành khác kiêm nhiệm có 293 người (7,9%); còn lại là không kiêm nhiệm có 482 người (13%). Mặt khác, dân số bước sang giai đoạn “già hóa” có sự chuyển đổi nhanh chóng. Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và công tác dân số - KHHGĐ. Toàn tỉnh hiện có 243.700 người cao tuổi (NCT), chiếm khoảng 12,1% dân số; có 80% NCT sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Hiện tại tuổi thọ trung bình của người dân trong tỉnh tuy tăng (73,5 tuổi) nhưng chất lượng dân số chưa cao (tuổi thọ bình quân khỏe mạnh chỉ đạt 66 tuổi). Việc chăm sóc người già và vấn đề trợ cấp xã hội, an sinh xã hội... là thách thức lớn đặt ra từ thực tiễn. Theo khảo sát của Chi cục Dân số - KHHGĐ, tại các địa phương trong tỉnh, công tác khám, chữa bệnh cho NCT với chi phí khám, chữa bệnh đang là gánh nặng cho NCT và gia đình. Bên cạnh đó, việc già hóa dân số nhanh sẽ tác động tới nhiều lĩnh vực như hệ thống an sinh xã hội, việc làm, tuổi về hưu, quan hệ gia đình, tâm lý, lối sống và hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, khoảng 70% số NCT ở tỉnh ta sống ở nông thôn là nông dân và làm nông nghiệp; hơn 70% số NCT không có tích lũy vật chất và chỉ có dưới 30% số NCT sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội, khiến cơ hội điều trị bệnh tật càng khó khăn. Điều kiện tiếp cận nhanh chóng của NCT với các cơ sở khám, chữa bệnh còn nhiều hạn chế; theo thống kê, ở tỉnh ta còn 49,7% NCT vẫn phải lao động để kiếm sống, trong đó, 27% NCT đang tham gia trực tiếp sản xuất, kinh doanh; 38% NCT tham gia các công việc gia đình phụ giúp con cháu làm kinh tế; 6,7% NCT làm người giúp việc và chăm sóc người ốm; 28,3% NCT làm nội trợ và các công việc gia đình khác. Điều này tạo ra những thách thức cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Thực hiện Nghị quyết số 21, Hội nghị lần thứ sáu, BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược Dân số trong tình hình mới, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 14-12-2017; UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch 48 về truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển tỉnh Nam Định giai đoạn 2017-2020; Kế hoạch 47 về thực hiện Đề án chăm sóc sức khỏe NCT tỉnh Nam Định giai đoạn 2017-2025. Trong đó xác định rõ công tác dân số ở tỉnh ta trong giai đoạn tới phải chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang giải quyết toàn diện các vấn đề dân số theo định hướng giải quyết tốt quan hệ dân số và phát triển. Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, liên quan đến các khía cạnh như: chuyển đổi chính sách dân số từ việc điều chỉnh số lượng dân số sang chú trọng nâng cao chất lượng dân số; từ việc tập trung chủ yếu vào KHHGĐ hướng đến mục tiêu giảm sinh sang giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số... Các mục tiêu cụ thể về công tác dân số - KHHGĐ ở tỉnh ta đến năm 2020 là: Duy trì tốc độ giảm sinh trung bình mỗi năm là 0,1%; giảm tỷ suất tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi còn 6,5%, dưới 5 tuổi còn 10%; tăng tỷ lệ sản phụ được cán bộ y tế chăm sóc lên 100%, giảm tỷ suất tử vong mẹ xuống dưới 40 ca/100 ca đẻ sống; tỷ lệ người dân sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 78%; cải thiện sức khỏe sinh sản vị thành niên; tăng cường chăm sóc sức khỏe NCT; tăng cường lồng ghép các yếu tố về dân số vào việc triển khai chính sách xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc thực hiện công tác dân số - KHHGĐ. Hoàn thiện, kiện toàn bộ máy tổ chức làm công tác dân số - KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số bằng việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm đủ số lượng, mạnh về chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới. Triển khai hiệu quả các hoạt động truyền thông giáo dục với những nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng; đặc biệt chú trọng tới khu vực khó khăn, khu vực chưa đạt các chỉ tiêu về dân số, đối tượng khó tiếp cận nhằm nâng cao nhận thức, thái độ thực hành dân số, sức khỏe sinh sản. Đa dạng hóa các nguồn lực tài chính nhằm đảm bảo nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, điều kiện trang thiết bị và phương tiện phục vụ công tác dân số - KHHGĐ. Tiếp tục mở rộng việc triển khai các đề án, mô hình nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng dân số như: Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, Đề án sàng lọc trước sinh, sơ sinh, Đề án “kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển tỉnh Nam Định”, Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, Mô hình chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng, Mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái… Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm tại các cơ sở siêu âm, cơ sở sử dụng kỹ thuật cao hướng dẫn sinh con theo ý muốn, cơ sở nạo phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính thai nhi. Tiếp tục phát huy sự phối hợp hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong công tác truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số, sức khỏe sinh sản/KHHGĐ để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của chương trình./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com