Thành phố Nam Định hiện có 35 trường mầm non (trong đó có 31 trường công lập, 4 trường tư thục) và 22 trường tiểu học. Hầu hết các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố đều tổ chức ăn bán trú cho học sinh. Những năm qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) bếp ăn bán trú các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố đã được ngành GD và ĐT và ngành Y tế thành phố quan tâm thực hiện hiệu quả.
Chuẩn bị bữa ăn bán trú cho các cháu ở Trường Mầm non Thống Nhất (TP Nam Định). |
Đến Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Nam Định) đúng vào lúc học sinh chuẩn bị ăn trưa, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là nhà trường rất quan tâm đến vấn đề ATTP trong chế biến thức ăn cho học sinh. Nhà trường bố trí khu sơ chế thức ăn riêng trước khi đưa vào bếp nấu; các dụng cụ chế biến, đồ dùng đựng thức ăn đều được lau rửa sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng, khô thoáng. Các nhân viên làm ở khu vực nhà bếp đều mặc đồng phục, đeo khẩu trang, găng tay khi thực hiện phân chia khẩu phần thức ăn cho học sinh. Để đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, nhà trường hợp đồng mua rau quả tươi tại các hộ dân có địa chỉ rõ ràng, rõ nguồn gốc. Bếp ăn đều có sổ sách ghi chép theo hướng dẫn và lưu giữ các mẫu thức ăn đề phòng tình trạng ngộ độc thực phẩm (NĐTP). Nguồn nước sử dụng chế biến thức ăn cũng như dùng cho sinh hoạt của cô và trò đều là nước máy, đạt tiêu chuẩn y tế. Thực đơn các bữa ăn được nhà trường xây dựng theo mùa, đảm bảo khẩu phần và lượng dinh dưỡng. Ở Trường Mầm non xã Nam Vân (TP Nam Định), với số lượng trẻ ăn bán trú trên 300 cháu mỗi năm học, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã ký hợp đồng với các cơ sở chuyên cung cấp thực phẩm, có chứng nhận của UBND xã, có hóa đơn giao nhận thực phẩm hằng ngày đúng quy định, lúc giao nhận hóa đơn có sự chứng kiến của người tiếp phẩm, kế toán, thủ quỹ của trường. Trong quá trình chế biến thức ăn, khâu đảm bảo ATTP được nhà trường rất coi trọng. Quá trình sơ chế, chế biến thức ăn, nhà trường yêu cầu giáo viên dinh dưỡng thực hiện đúng các bước trong quy trình chế biến theo quy định của Bộ Y tế. Thực đơn mỗi bữa đảm bảo cân đối, đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ và thay đổi mỗi ngày...
Theo thống kê, hầu hết các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn Thành phố Nam Định có tổ chức cho học sinh ăn bán trú. Nhiều trường tiểu học còn tổ chức cho các cháu ăn bán trú từ lớp 1 đến lớp 5. Trước thực tế nhu cầu học sinh ăn bán trú ở các trường học, Phòng GD và ĐT thành phố chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc các quy định về ATTP, đảm bảo cho học sinh ăn đủ lượng, đủ chất. Vào dịp đầu năm học mới, Phòng GD và ĐT thành phố phối hợp Chi cục ATVSTP tỉnh tổ chức tập huấn kiến thức ATTP cho ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và người trực tiếp phụ trách bếp ăn của các trường có bếp ăn bán trú. Phòng GD và ĐT cũng yêu cầu các trường ký cam kết đảm bảo ATTP ở tất cả các khâu, từ mua, chế biến thực phẩm đến việc kiểm tra, lưu mẫu thức ăn, bảo đảm cung cấp các bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và hợp vệ sinh cho trẻ. Các trường thường xuyên tổ chức cho cán bộ, giáo viên, đội ngũ nhân viên nhà bếp, giáo viên dinh dưỡng của trường được tập huấn, học tập, phổ biến các quy định về ATTP, Luật ATTP… Do có sự quan tâm chỉ đạo các hoạt động nhằm đảm bảo ATTP, nhận thức của các nhà trường về tầm quan trọng của công tác đảm bảo ATTP đã được nâng lên. Nhiều trường còn chủ động đăng ký với Chi cục ATVSTP tỉnh tổ chức tập huấn, khám sức khỏe cho nhân viên phụ trách nhà bếp, đề nghị được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ATTP, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ nhà bếp sạch đẹp. Hầu hết các trường mầm non đều tổ chức cho lớp nhà trẻ ăn 2 bữa chính và 1 bữa phụ, trẻ mẫu giáo ăn 1 bữa chính và 1 bữa phụ, thực hiện nghiêm túc việc lưu mẫu thức ăn 24/24h và đảm bảo ATTP; ký hợp đồng có thời hạn với các nhà cung cấp của từng loại thực phẩm, đảm bảo cho các trường luôn mua được thực phẩm chất lượng tốt với giá cả hợp lý. Đã có nhiều trường mầm non trong nhiều năm học đã xây dựng được “Vườn rau của bé” như các trường Mỹ Xá, Hoa Hồng, Sao Vàng, Nam Vân, Lộc Hòa, Nam Phong. Đặc biệt, nhiều trường đạt chuẩn quốc gia đã có được hệ thống bếp ăn một chiều đạt chuẩn, đáp ứng đủ các tiêu chí về ATTP. Ở hầu hết các trường tiểu học đều có quy mô suất ăn lớn, từ 225-1.298 suất. Phòng GD và ĐT thành phố thường xuyên phối hợp với Chi cục ATVSTP tỉnh tham gia giám sát bếp ăn tập thể các trường tiểu học trên địa bàn. Trong đợt giám sát vào tháng 4-2018 cho thấy trên 90% số bếp các trường tiểu học trên địa bàn thành phố thực hiện theo nguyên tắc 1 chiều. Hầu hết dụng cụ và trang thiết bị trong nhà bếp dùng để chế biến, ăn uống bằng đồ inox không gây thôi nhiễm, các bếp có hệ thống cung cấp nước sạch đảm bảo và thực hiện xét nghiệm định kỳ, thực hiện nghiêm túc kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn. Để tăng cường công tác kiểm soát ATTP, phòng chống NĐTP tại các trường học, Phòng GD và ĐT thành phố tham mưu với chính quyền sở tại kiện toàn, duy trì thường xuyên hoạt động của Ban chỉ đạo công tác y tế học đường trong các trường học, phối hợp với các ngành chức năng có nhiều biện pháp chỉ đạo ATTP và phòng chống NĐTP trong các trường; bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về công tác ATTP cho đội ngũ cán bộ giáo viên; chỉ đạo các trường ổn định đội ngũ giáo viên cấp dưỡng, nếu tuyển mới phải được tập huấn về kỹ thuật nấu ăn và kiến thức dinh dưỡng... Phòng GD và ĐT thường xuyên bồi dưỡng công tác đảm bảo quy chế vệ sinh cho giáo viên đứng lớp và bồi dưỡng kỹ thuật tiếp phẩm, chế biến thực phẩm đảm bảo quy trình ATTP cho đội ngũ giáo viên dinh dưỡng trong các trường; đồng thời xây dựng và chỉ đạo điểm công tác giáo dục dinh dưỡng và ATTP ở một số trường điểm, trên cơ sở đó để các đơn vị học tập, rút kinh nghiệm, chỉ đạo kịp thời các cơ sở giáo dục có tổ chức bán trú trong những thời điểm nóng về dịch bệnh gia cầm, gia súc... để các cơ sở chủ động thay thế thực phẩm, thực hiện nghiêm túc việc ký hợp đồng mua thực phẩm sạch, thực hiện tốt quy chế vệ sinh đối với người chế biến thực phẩm. Phòng GD và ĐT còn phối hợp với các ngành chức năng chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về kiến thức ATTP và các biện pháp phòng chống NĐTP trong các trường học như vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, không mua bán, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm trôi nổi; định kỳ và đột xuất tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở bếp ăn tập thể, căng tin trường học nhằm phát hiện sớm các vi phạm về đảm bảo ATTP, chấn chỉnh và xử lý nghiêm vi phạm. Với những nỗ lực trên, công tác ATTP tại các trường học trên địa bàn Thành phố Nam Định đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều bếp ăn tập thể trường học như: các trường mầm non: Sao Vàng, Thống Nhất; các trường tiểu học: Kim Đồng, Lê Quý Đôn, Chu Văn An, Trần Quốc Toản, Phạm Hồng Thái, Trần Tế Xương… đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, khám sức khỏe định kỳ cho người chế biến thực phẩm, chế độ ăn của học sinh cũng được gia đình và nhà trường quan tâm nhằm đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho các cháu.
Thời gian tới Phòng GD và ĐT Thành phố Nam Định tiếp tục chỉ đạo các trường học duy trì xây dựng bếp ăn đạt chuẩn. Phòng Y tế thành phố phối hợp chặt chẽ với các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức thực hiện ATTP trong các nhà trường, tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các bếp ăn để các trường học thực hiện nghiêm việc đảm bảo ATTP theo quy định. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về ATTP và các biện pháp phòng chống NĐTP trong các trường học như vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, không mua bán, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm trôi nổi; tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP cho người chế biến thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học./.
Bài và ảnh: Minh Thuận