Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo

08:06, 25/06/2018

Tỉnh ta có 3 tôn giáo chính là: Phật giáo, Công giáo và Đạo Tin lành, với 1.508 cơ sở thờ tự và hàng chục vạn tín đồ. Những năm qua, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác tôn giáo, hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp. Các cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm xem xét, giải quyết các nhu cầu chính đáng của các tổ chức tôn giáo kịp thời, đúng pháp luật. Các chức sắc, nhà tu hành và đồng bào các tôn giáo ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cùng với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Giáo xứ Tứ Trùng, xã Hải Tân (Hải Hậu).
Giáo xứ Tứ Trùng, xã Hải Tân (Hải Hậu).

Xác định công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo là nhiệm vụ quan trọng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác tôn giáo, tạo thuận lợi cho đồng bào các tôn giáo thực hành tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật. Trong đó, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo; nắm chắc tình hình tôn giáo và giải quyết kịp thời các nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tôn giáo; xây dựng các quy định cụ thể về thủ tục hành chính trong việc giải quyết đề nghị của các tổ chức, cá nhân; thường xuyên kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác tôn giáo và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp nhằm thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo. Thực hiện nhiệm vụ được giao, các ngành chức năng đã có nhiều đổi mới trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, đảm bảo các tôn giáo trong tỉnh hoạt động bình thường theo quy định của pháp luật. Sở Nội vụ đã chủ động phối hợp với với các ngành chức năng kịp thời hướng dẫn các huyện, thành phố, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên các tổ chức giáo hội, các chức sắc tôn giáo nhân dịp lễ trọng. Đồng thời, vận động các chức sắc, tín đồ có đạo thực hiện tốt chủ trương, chính sách, quy định của Trung ương, của tỉnh và quy định của địa phương, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, không ngừng nêu cao tinh thần cảnh giác, phá vỡ âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc nhằm chia rẽ đoàn kết toàn dân. Hằng năm, Sở Nội vụ đều phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tôn giáo cho cán bộ công chức làm công tác tôn giáo thuộc phòng Nội vụ các huyện, thành phố và công chức làm công tác nội vụ thuộc các xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, Sở Nội vụ thường xuyên nắm tình hình sinh hoạt, hoạt động tôn giáo tại các cơ sở thờ tự cũng như các hoạt động có liên quan đến tôn giáo, kịp thời tham mưu với UBND tỉnh giải quyết những vướng mắc đặt ra từ cơ sở. Sở Nội vụ cũng phối hợp với các ngành, các địa phương có liên quan chỉ đạo, xem xét, hướng dẫn, theo dõi việc thành lập tổ chức tôn giáo cơ sở; thuyên chuyển địa bàn hoạt động tôn giáo cho các linh mục; xem xét giải quyết đơn xin xây dựng 6 công trình tôn giáo trên địa bàn các huyện Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Ý Yên và Thành phố Nam Định. Thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ 1-1-2018, Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tôn giáo, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản của HĐND, UBND với các quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Tổ chức các hội nghị quán triệt, triển khai thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ chủ chốt tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan, Ban chỉ đạo công tác tôn giáo của tỉnh và cấp huyện; các tăng ni trong Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Ban Trị sự Phật giáo các huyện, thành phố và các vị mục sư, các vị linh mục; phối hợp với các huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Ý Yên, Nam Trực, Mỹ Lộc, Hải Hậu, Thành phố Nam Định và Hội LHPN tỉnh tuyên truyền Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ chủ chốt huyện, lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể ở huyện; báo cáo viên Hội LHPN tỉnh, cán bộ Hội Phụ nữ các cấp; lãnh đạo các xã, thị trấn và cán bộ công chức làm công tác tôn giáo các xã, phường, thị trấn; tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tới chức sắc, chức việc và đại diện tín đồ các tôn giáo trong toàn tỉnh. Đến nay, đã tổ chức 25 hội nghị với tổng số gần 7.000 lượt người tham dự. Công an tỉnh đã nắm tình hình sinh hoạt, hoạt động của các tôn giáo và làm tốt công tác đảm bảo an ninh tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo gây mất an ninh trật tự. Chính vì vậy, thời gian qua, không có việc phức tạp hoặc điểm nóng về an ninh trật tự có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Thực hiện Thông báo số 150-TB/TW ngày 25-12-2013 của Ban Bí thư “về xây dựng cốt cán phong trào trong tôn giáo”, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh tiếp tục quan tâm, chú trọng xây dựng lực lượng cốt cán phong trào trong tôn giáo, tạo điều kiện để các cốt cán trong tôn giáo tham gia Ban chấp hành các tổ chức thành viên của MTTQ và tham gia ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp... Làm tốt công tác vận động đồng bào có đạo đoàn kết, phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương, sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết của các thế lực thù địch. Nhờ đó, đồng bào các tôn giáo trong tỉnh đã hưởng ứng có hiệu quả các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động và cụ thể hóa cuộc vận động thành nội dung gần gũi với tín đồ các tôn giáo như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” thành phong trào “Xây dựng xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu” và “Xây dựng chùa tinh tiến”. Xây dựng “Xứ, họ không ma túy” của Công giáo; xây dựng “Tâm sáng hướng thiện” của Phật giáo…

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, nhiều năm qua, hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp theo quy định của pháp luật; không xảy ra điểm nóng liên quan đến tôn giáo. Các chức sắc, chức việc các tôn giáo yên tâm hành đạo; tín đồ các tôn giáo tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống bình yên, an lành. Mối liên hệ, tin tưởng giữa các tôn giáo với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, với các cơ quan làm công tác tôn giáo ngày càng được củng cố, tăng cường, góp phần tích cực vào việc giữ vững ANCT, TTATXH, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Thời gian tới UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo nhất là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp, các chức sắc, nhà tu hành, chức việc và tín đồ các tôn giáo. Tăng cường nắm tình hình hoạt động của các tôn giáo; thực hiện quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế của địa phương. Kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác tôn giáo và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, vận động chức sắc, chức việc, người tu hành, tín đồ các tôn giáo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh ngày càng giàu mạnh./.

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com