Những năm qua, phong trào tự làm đồ dùng, thiết bị dạy học trong các trường tiểu học được các nhà trường quan tâm nhằm góp phần đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo cho học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường.
Học sinh Trường Tiểu học Trực Chính (Trực Ninh) tìm hiểu kiến thức từ những đồ dùng dạy học do cô và trò tự làm. |
Hằng năm, Sở GD và ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, trường học phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học. Các đơn vị, trường học đã quán triệt kế hoạch, tổ chức cho giáo viên đăng ký và định hướng những thiết bị có thể cải tiến, cần sửa chữa, cần làm cho từng tổ, nhóm chuyên môn và mỗi giáo viên. Nhiều trường học, tổ chuyên môn đã tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề bàn về việc tự làm thiết bị dạy học và ở các kỳ hội giảng, hội học và thi chọn giáo viên giỏi các cấp học; nhiều thiết bị dạy học tự làm đã thể hiện được tính sư phạm của sản phẩm. Bên cạnh những thiết bị giáo dục được ngành GD và ĐT cung cấp theo chương trình thì sự đa dạng, hấp dẫn về hình thức, chất lượng, có tính thẩm mỹ, giáo dục cao của các đồ dùng dạy học tự làm đã khiến các tiết học trở nên sinh động và hiệu quả. Nhiều đồ dùng đã có sự đầu tư nên có tác dụng rèn luyện kỹ năng, mang tính giáo dục cao, góp phần đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo cho học sinh. Năm học 2017-2018, Sở GD và ĐT đã phát động phong trào tự làm thiết bị dạy học ở bậc tiểu học nhằm khuyến khích, động viên giáo viên tự làm thiết bị dạy học, nâng cao hiệu quả các góc hỗ trợ giáo dục phục vụ công tác dạy và học. Phong trào đã tạo điều kiện cho giáo viên được phát huy tính sáng tạo trong nghiên cứu, cải tiến các đồ dùng, thiết bị dạy học hiện có hoặc tự làm thêm các đồ dùng, thiết bị dạy học cần thiết trong công tác giảng dạy góp phần tạo sự hứng thú học tập cho học sinh. Nhiều đơn vị đã tổ chức triển lãm, giới thiệu sản phẩm nhằm nhân rộng tới tất cả các trường tiểu học. Các bộ đồ dùng đều do các giáo viên tự nghiên cứu, xây dựng ý tưởng, tìm nguyên vật liệu và được làm rất công phu, đẹp, có tính trực quan sinh động cao, đa dạng, phong phú về chủng loại. Đặc biệt nhiều bộ đồ dùng có sự liên kết với nhau áp dụng được nhiều môn học, nhiều đề tài, nhiều chủ điểm và sử dụng được nhiều lần. Tiêu biểu như sản phẩm “Ống nhựa thông minh” của cô giáo Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trường Tiểu học Mỹ Thuận (Mỹ Lộc), “Bàn cờ toán học” của cô giáo Đặng Thị Thơm, Trường Tiểu học Giao Xuân (Giao Thủy), mô hình “Vòng tuần hoàn của nước” của cô giáo Phạm Thị Thu Hương, Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (TP Nam Định)… Đây là 3 trong số 47 sản phẩm dự thi ở cấp tỉnh được làm từ kinh nghiệm thực tiễn của quá trình dạy học có tính sáng tạo, cách sử dụng linh hoạt, dễ dàng nhưng đem lại hiệu quả cao cho tiết dạy, giúp học sinh dễ hiểu và hứng thú khi học tập. Ngoài hình ảnh minh hoạ của thiết bị, cách thức sử dụng ở mỗi thiết bị đã thuyết phục được ban giám khảo về tính thực tế, hiệu quả khi áp dụng vào giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho học sinh. Qua đó, những đồ dùng, thiết bị dạy học có giá trị này sẽ được phổ biến rộng rãi để các trường học tập kinh nghiệm.
Hiện nay, đồ dùng dạy học tự làm không chỉ tập trung tại các trường tiểu học mà đã được các cấp học trong tỉnh triển khai và được các thầy, cô giáo nhiệt tình hưởng ứng. Điều đó đã góp phần khắc phục kịp thời những thiết bị còn thiếu, bổ sung các thiết bị chưa có điều kiện mua sắm, thay thế hoặc cải tiến các thiết bị hư hỏng phù hợp với tình hình, đặc điểm của các nhà trường. Để làm được bộ thiết bị giáo dục đòi hỏi giáo viên phải có lòng ham mê nghiên cứu và có tinh thần trách nhiệm cao đối với môn học. Không chỉ suy nghĩ để làm ra những sản phẩm mới có tính thực tiễn cao mà mỗi giáo viên còn phải biết cải tiến, sửa chữa những thiết bị đã được cung cấp nhưng qua quá trình thực hành đã hỏng hóc hoặc không phù hợp với thực tiễn. Thông qua phong trào tự làm thiết bị dạy học đã khơi dậy sự sáng tạo, lòng yêu nghề, định hướng cho giáo viên truyền thụ kiến thức nghiêng về thực hành, mang lại hiệu quả thiết thực trong đổi mới phương pháp dạy và học. Cũng từ phong trào này, không khí sư phạm sẽ sôi nổi hơn với sự nối kết thân thiện hơn giữa lãnh đạo với giáo viên, giáo viên với giáo viên, giáo viên với học sinh. Nhưng thiết thực hơn, những thiết bị dạy học tự làm đã góp phần nâng cao hiệu quả trong đổi mới phương pháp dạy học, khắc phục phương pháp truyền thụ một chiều, tạo động lực khuyến khích tư duy sáng tạo của đội ngũ giáo viên và học sinh.
Phong trào tự làm đồ dùng dạy học đã tạo ra được một phong trào thiết kế đồ dùng để khắc phục tình trạng dạy “chay” ở các trường, là tiền đề cho việc đổi mới phương pháp dạy học. Đối với mỗi giáo viên, không chỉ dừng lại ở cuộc thi giành thành tích mà còn có ý nghĩa giúp họ phát huy tinh thần sáng tạo, giúp họ mở rộng tầm nhìn không chỉ ở một môn học còn ở những môn học khác. Đây là một sân chơi trí tuệ và bổ ích, khuyến khích đội ngũ giáo viên tích cực sáng tạo ra những đồ dùng có ý nghĩa thiết thực trong công tác giảng dạy./.
Bài và ảnh: Hồng Minh