Đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em

08:06, 01/06/2018

Trên địa bàn tỉnh ta hiện có gần 520 nghìn trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 25,9% dân số, trong đó có 232.358 trẻ em dưới 6 tuổi; 4.566 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như: mồ côi cả cha và mẹ, bị bỏ rơi, khuyết tật, trẻ em phải làm việc nặng nhọc, bị xâm hại… Ngoài ra có 20.500 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương triển khai thực hiện đúng, đủ các quyền của trẻ em theo quy định pháp luật; đồng thời huy động sự vào cuộc tích cực của cộng đồng trong việc chăm lo cho thế hệ tương lai.

Các cháu Trường Mầm non Trực Thanh (Trực Ninh) trong giờ tập văn nghệ.
Các cháu Trường Mầm non Trực Thanh (Trực Ninh) trong giờ tập văn nghệ.

Hằng năm, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện, thành phố xây dựng, triển khai kế hoạch tiếp tục thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Nam Định giai đoạn 2013-2020, thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Trong đó UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 15-3-2017 về Thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tỉnh Nam Định giai đoạn 2017-2020; Công văn số 94/UBND-VP7 ngày 14-6-2017 về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em… Sau 5 năm thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Nam Định, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể và cộng đồng xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã đạt kết quả tích cực. Các quyền của trẻ em được thực hiện đúng, đủ theo quy định pháp luật, trong đó đặc biệt quan tâm chăm lo bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đảm bảo cho trẻ em phát triển toàn diện. 100% trẻ sơ sinh được đăng ký khai sinh đúng theo quy định của pháp luật. Công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em được cải thiện, 100% trẻ em dưới 6 tuổi và có 14.789 trẻ em thuộc hộ nghèo được cấp thẻ BHYT. Trẻ em được chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh và 100% trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Quyền học tập của trẻ em được quan tâm thực hiện tốt, trẻ em được đi học đúng độ tuổi. Tỷ lệ trẻ em từ 3-5 tuổi nhập học mẫu giáo đúng độ tuổi đạt 95,5%, tỷ lệ trẻ em nhập học tiểu học đúng độ tuổi đạt 100%, tỷ lệ trẻ em nhập học THCS đúng độ tuổi đạt 99,97%. Trẻ em được quan tâm, chăm sóc về văn hóa, tinh thần với môi trường sống và môi trường giáo dục lành mạnh. Phần lớn gia đình có trẻ em được công nhận là gia đình văn hóa. Hệ thống giáo dục trường mầm non, trường tiểu học, trường THCS được quan tâm đầu tư, cải thiện cơ sở vật chất, tạo điều kiện học tập và vui chơi trong môi trường thân thiện, được học tập và phát triển về trí tuệ, thể chất và tinh thần. Các ngành, đoàn thể thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, bổ ích. Trong Tháng hành động vì trẻ em và dịp Tết Thiếu nhi 1-6, cả 3 cấp đều tổ chức thăm và tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vươn lên học tập tốt; tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em như: cắm trại, liên hoan tiếng hát tuổi thơ, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu truyền thống lịch sử đất nước, biển, đảo, quê hương, cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ vĩ đại, truyền thống vẻ vang của Đảng, của Đoàn và của Đội TNTP Hồ Chí Minh... Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức các hội thi, diễn đàn, nói chuyện truyền thống; tham quan tại bảo tàng, chiếu phim về Đảng, Bác Hồ kính yêu, về truyền thống xây dựng và bảo vệ đất nước, về biển, đảo…

Đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, các ngành chức năng, các địa phương thiết lập hồ sơ trợ cấp thường xuyên theo quy định. Hiện nay, có 96% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc bằng các hình thức khác nhau, được phục hồi chức năng, được chú trọng trong giáo dục hòa nhập cộng đồng; không có trẻ em nghiện ma túy, trẻ em bị bóc lột, trẻ em bị mua bán, trẻ em di cư, lánh nạn, tị nạn, trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; giảm số trẻ em phải bỏ học kiếm sống. Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật và nhóm đối tượng trẻ em khác có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được tư vấn, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, qua đó giúp nhiều trẻ em có điều kiện hoà nhập cộng đồng. Toàn tỉnh có 3.390 trẻ em và gia đình có trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ cấp hằng tháng; 154 trẻ mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi không nơi nương tựa và trẻ khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, Trung tâm Dạy nghề trẻ khuyết tật. Cùng với việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Nhà nước dành cho trẻ em, những năm qua, tỉnh ta đã thành lập Quỹ Bảo trợ trẻ em ở cả ba cấp: tỉnh, huyện và xã để huy động cả cộng đồng tham gia đóng góp, tạo nguồn lực vật chất chăm lo đời sống cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên hòa nhập cộng đồng. Trong năm 2017, Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp đã vận động được gần 3 tỷ 800 triệu đồng, trong đó: cấp tỉnh 1 tỷ 719 triệu đồng, cấp huyện 1 tỷ 075 triệu đồng, cấp xã 1 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em, tỉnh đã cấp 272 suất học bổng, tặng 100 xe đạp cho 296 trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt khó vươn lên học tốt. Hội đồng bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nam Định khám sàng lọc và phẫu thuật vận động cho 40 trẻ em do Quỹ “Góp một bàn tay” của Ốt-xtrây-li-a tài trợ; tổ chức khám sàng lọc cho 29 trẻ em bị khuyết tật môi, vòm miệng, trong đó có 6 trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch tại Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba; phối hợp với Quỹ “Hiểu về trái tim” hỗ trợ kinh phí phẫu thuật tim cho 2 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh đi thăm, tặng quà trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và những trường mầm non khó khăn nhân dịp Tết Thiếu nhi 1-6, trao tặng 58 thùng sơn nước cho Trường Dạy nghề trẻ em khuyết tật Giao Thủy và Cô nhi viện Thánh An (Xuân Trường); hỗ trợ thiết bị đồ chơi, thiết bị thể thao ngoài trời cho Trường Mầm non xã Giao Nhân (Giao Thủy), Trung tâm Dạy nghề trẻ khuyết tật tỉnh Nam Định. Quỹ Bảo trợ trẻ em các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn cũng tăng cường công tác vận động, đóng góp xây dựng quỹ, tạo thêm nguồn lực chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 do UBND tỉnh phát động từ 1 đến 30-6, với chủ đề: “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”, các cấp, các ngành tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo chuyển biến nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đảm bảo thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, đặc biệt là quyền tham gia vào các vấn đề về trẻ em và quyền được bảo vệ, không bị xâm hại trong thế giới công nghệ số. Thúc đẩy việc phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số an toàn, lành mạnh; kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ, phát huy tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của thế giới công nghệ số đến sự phát triển toàn diện của trẻ em./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com