Huyện Trực Ninh hiện có 59.760 trẻ em, chiếm 22% dân số, trong đó có trên 700 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn thương cho trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, từ năm 2016, Sở LĐ-TB và XH đã phối hợp với huyện Trực Ninh triển khai dự án xây dựng mô hình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.
Các cháu Trường Mầm non Hoa Hồng, Thị trấn Cổ Lễ trong giờ hoạt động ngoài trời. |
UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện mô hình gồm lãnh đạo các ngành: Y tế, GD và ĐT, LĐ-TB và XH. Huyện chọn Thị trấn Cổ Lễ và xã Việt Hùng là các địa phương có nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây thương tích trẻ em để xây dựng điểm mô hình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Ở Thị trấn Cổ Lễ và xã Việt Hùng đều thành lập BCĐ thực hiện mô hình; xây dựng kế hoạch, triển khai hiệu quả các hoạt động nhằm ngăn ngừa trẻ em bị tai nạn thương tích. Phòng LĐ-TB và XH huyện phối hợp với Phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB và XH) tổ chức tập huấn cho các thành viên BCĐ, đội ngũ cộng tác viên tham gia mô hình, cán bộ các ban, ngành, đoàn thể ở Thị trấn Cổ Lễ và xã Việt Hùng về nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; nội dung hoạt động của mô hình: các kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, hướng dẫn mô hình “gia đình an toàn”, “cộng đồng an toàn”, phân loại theo dõi, đánh giá tình hình tai nạn thương tích trẻ em; cấp phát 50 cuốn tài liệu về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; 2.000 cuốn sách hướng dẫn bơi lội và cấp cứu người bị đuối nước. Thị trấn Cổ Lễ và xã Việt Hùng đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; tầm quan trọng của công tác phòng chống tai nạn thương tích nói chung và tai nạn đuối nước nói riêng; hướng dẫn cách phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em trên đài truyền thanh, lồng ghép nội dung bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong các cuộc họp của xã, các ngành, đoàn thể và các xóm. Đội ngũ cộng tác viên đến từng gia đình có trẻ em phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; sách hướng dẫn bơi lội và cấp cứu người bị đuối nước. Ngoài ra các địa phương tổ chức hoạt động tư vấn, nói chuyện chuyên đề cho hơn 500 trẻ em, cha, mẹ và người chăm sóc trẻ về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em… Thông qua các hoạt động tuyên truyền, đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân trên địa bàn về công tác phòng, chống tai nạn thương tích, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh để mọi trẻ em được phát triển toàn diện.
Cùng với tuyên truyền, Thị trấn Cổ Lễ và xã Việt Hùng tổ chức cho các gia đình có trẻ em tự nguyện ký cam kết xây dựng “ngôi nhà an toàn” không có con em bị đuối nước; đại diện cộng đồng cam kết giảm tai nạn thương tích trẻ em không có trẻ em bị đuối nước và đã có 3.000 gia đình có trẻ em và đại diện các thôn, xóm ký và thực hiện cam kết. Hằng tháng, đội ngũ cộng tác viên mô hình rà soát tại cộng đồng, phát hiện các gia đình, các điểm có nguy cơ cao gây tai nạn thương tích cho trẻ em, kịp thời đề nghị các ngành chức năng, các gia đình lắp đặt biển báo, rào chắn. Thị trấn Cổ Lễ và xã Việt Hùng đã lắp đặt 40 biển báo nguy hiểm tại các chỗ nước sâu; xây dựng 20 rào chắn tại các hồ ao, khu vực nguy hiểm; cấp 100 áo phao, 100 mũ bảo hiểm cho 100 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Đội ngũ cộng tác viên theo dõi các trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, đồng thời tư vấn giúp trẻ em và người chăm sóc trẻ có biện pháp chăm sóc, phục hồi cho trẻ bị tổn thương, tạo cơ hội cho trẻ được tái hòa nhập cộng đồng. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên đã tư vấn cho gần 1.000 lượt gia đình có trẻ em dưới 16 tuổi về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em; tư vấn cho trên 1.300 trẻ em về cách phòng, chống tai nạn đâm, cắt; tai nạn do ngộ độc các loại; tai nạn do súc vật cắn; tai nạn do điện giật; tai nạn bạo lực; tai nạn do bom mìn, vật liệu nổ; tai nạn đuối nước và các loại tai nạn thương tích trẻ em khác. Các gia đình đã đầu tư sửa chữa, lắp đặt rào chắn đảm bảo an toàn xung quanh nhà; an toàn các phòng trong nhà; đảm bảo an toàn về điện; đường đi vào nhà và sân quanh nhà phải phù hợp, không trơn trượt và an toàn cho trẻ em; xung quanh ao, hố chứa nước, hố vôi, cống thoát nước trong khu vực nhà ở phải có hàng rào chắc chắn; giếng nước, bể nước hoặc các đồ dùng chứa nước khác phải có nắp đậy an toàn. Xung quanh ngôi nhà được phát quang; những dụng cụ, đồ dùng nguy hiểm hoặc vật chứa chất độc hại nguy hiểm phải để trong kho chứa đồ an toàn; cửa sổ có chấn song, các thanh dọc chắc chắn và khoảng cách đảm bảo trẻ không chui qua được. Các công tắc điều khiển, cầu chì, ổ cắm điện được lắp đặt ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi, phải có hộp, lưới bảo vệ hoặc có nắp đậy an toàn. Các loại thuốc được để trong tủ đựng thuốc và ở ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi… Bên cạnh đó, các trường tiểu học, THCS tuyên truyền cho học sinh những nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; các quyền cơ bản của trẻ em cũng như nghĩa vụ của trẻ em trong gia đình và xã hội; tổ chức cho các em vui chơi giải trí, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ; trang bị cho các em kỹ năng sống, giáo dục giới tính, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước.
Với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể, sự tham gia tích cực của nhân dân, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng như mô hình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tại Thị trấn Cổ Lễ và xã Việt Hùng đã được triển khai hiệu quả. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn Thị trấn Cổ Lễ và xã Việt Hùng không để xảy ra các vụ tai nạn thương tích trẻ em. Đây là mô hình đem lại hiệu quả thiết thực đã được huyện Trực Ninh nhân rộng trên địa bàn, góp phần xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, phù hợp với trẻ em, giảm thiểu nguy cơ tai nạn thương tích cho trẻ em./.
Bài và ảnh: Minh Tân