Ngày 5-6 hằng năm là Ngày Môi trường thế giới, một sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng mà Việt Nam hưởng ứng từ năm 1982 với nhiều hoạt động rộng khắp trên cả nước, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường (BVMT), phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Những năm gần đây chất thải nhựa trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng và xã hội. Theo báo cáo của Liên hợp quốc ước tính mỗi năm con người thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh bề mặt trái đất bốn lần nhưng phần lớn lượng rác thải nhựa không được xử lý mà bị xả vào lòng đại dương. Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi ni lông, hộp đựng đồ ăn, cốc…) cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế - xã hội và sức khỏe con người. Vì vậy, Liên hợp quốc lựa chọn chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay là “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông” nhằm tuyên truyền, kêu gọi mọi người cùng nhau thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày để giảm gánh nặng ô nhiễm chất thải nhựa tới môi trường tự nhiên và sức khoẻ con người.
Cán bộ, công chức Sở TN và MT thu gom rác thải nhựa ven sông Đào, góp phần giảm ô nhiễm chất thải nhựa. |
Để hành động đạt kết quả thiết thực, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương cần xác định nhiệm vụ trọng tâm nhằm giải quyết tốt các vấn đề môi trường trọng điểm về quản lý chất thải, chất thải nguy hại và phế liệu nhựa. Theo đó, các huyện tập trung rà soát thực trạng để đưa ra các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý rác chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa vào môi trường tự nhiên. Từ kết quả rà soát thực trạng, hiện nay các huyện, thành phố đã chủ động hoàn tất việc xây dựng, triển khai thực hiện đề án quản lý chất thải rắn trên địa bàn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và vận hành khu xử lý rác thải bằng lò đốt. Chỉ đạo các xã thành lập tổ thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã; đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu xử lý rác thải bằng lò đốt; trong trường hợp không xây dựng lò đốt phải ký hợp đồng xử lý rác thải với các doanh nghiệp xử lý môi trường; yêu cầu vận hành khu vực xử lý rác thải theo đúng hướng dẫn của Sở TN và MT. Các địa phương chỉ đạo UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện thu gom, bố trí nơi lưu giữ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng theo hướng dẫn của Sở TN và MT, ban hành quy chế thu gom, vận chuyển, xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng, xây dựng các bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV tại các cánh đồng, bố trí khu vực tập kết, lưu giữ vỏ tạm thời; hợp đồng với các đơn vị chức năng xử lý theo quy định. Theo đồng chí Phạm Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở TN và MT, để nâng cao khả năng thu gom, xử lý rác thải nhựa theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh đã tạo điều kiện về cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút, huy động nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế rác thải, trong đó có rác thải nhựa theo công nghệ tiên tiến, hiện đại. Thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc đã tích cực phối hợp, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo sẵn sàng về quỹ đất, thu hút các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường về nghiên cứu, khảo sát, đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung tại xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) liền kề với Khu Liên hợp xử lý rác thải hiện tại của thành phố. Ngày 22-5-2018, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho phép Cty TNHH một thành viên Môi trường xanh Nam Trực thực hiện thủ tục đầu tư dự án xây dựng “Nhà máy xử lý chất thải, tái chế phế liệu Nam Giang” với diện tích 3,2ha tại Thị trấn Nam Giang (Nam Trực); đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ mọi điều kiện trong khuôn khổ pháp luật giúp nhà đầu tư tiến hành các thủ tục thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa công trình vào khai thác. Bên cạnh đó, nhằm tăng cường tái chế giúp làm giảm lượng chất thải nhựa, những năm qua, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện về thủ tục hành chính, cơ chế chính sách ưu đãi hỗ trợ về mặt bằng, nguồn vốn giúp các doanh nghiệp chế biến nhựa triển khai sản xuất mạnh 2 dòng sản phẩm chính là đồ nhựa gia dụng và nhựa cao su công nghiệp. Tuy nhiên hầu hết thiết bị, công nghệ ngành nhựa trên địa bàn đều lạc hậu, đầu tư không đồng bộ và chủ yếu tái chế nhựa phế phẩm để sản xuất nên mức độ ô nhiễm môi trường lớn do khí thải phát sinh chứa nhiều khí độc như CO, SO2, Vinylclorua... Để khắc phục giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất nhựa, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở KH và CN) đã nghiên cứu mô hình xử lý khí thải độc hại trong sản xuất nhựa bằng công nghệ thu gom, hấp thụ khí thải. Thời gian qua, mô hình đã được chuyển giao ứng dụng hiệu quả tại nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn Thành phố Nam Định, huyện Nghĩa Hưng, một số hộ sản xuất, tái chế nhựa tại làng nghề Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực) và các tỉnh lân cận như Hà Nội, Hải Dương…
Từ nay đến hết tháng 7 năm 2018, các sở, ngành, địa phương tiếp tục tập trung huy động nguồn lực cộng đồng, lồng ghép hoạt động BVMT vào các chương trình, kế hoạch hoạt động của cơ quan, đơn vị để tổ chức các hoạt động thiết thực, phù hợp với điều kiện cụ thể hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường”. Trong đó, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động phân loại rác ngay tại các hộ gia đình theo hướng tái sử dụng rác thải phục vụ cho công tác tái chế để giảm thiểu lượng rác thải nhựa phát sinh. Đồng thời, tổ chức các hoạt động như: Chiến dịch “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”; Chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước; tổ chức các lớp học giáo dục môi trường, thực hiện các hoạt động thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi ni lông tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư. Chú trọng rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật BVMT của các cơ sở sản xuất trên địa bàn; yêu cầu các cơ sở sản xuất thực hiện nghiêm quy định về quản lý chất thải, chất thải nguy hại và phế liệu nhựa./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy