Những ngày hè nắng nóng như đổ lửa, về các xã vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thuỷ mới thấu hiểu nỗi khổ thiếu nước sạch sinh hoạt hằng ngày trong suốt nhiều năm qua của người dân nơi đây.
Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt hằng ngày, hầu hết người dân xã Giao Thanh (Giao Thuỷ) đều phải xây dựng bể lọc tự chế để có thể sử dụng nguồn nước từ sông CA7. |
Ông Ngô Văn Thắng, 53 tuổi, xóm Thịnh Tân, xã Giao Thanh (Giao Thuỷ) dẫn chúng tôi đến sát bờ sông CA7 tham quan hệ thống lọc nước tự chế của nhiều gia đình để có nguồn nước sinh hoạt hằng ngày. Ông cho biết: “Hầu hết các gia đình dọc con sông này đều phải lắp đặt bể lọc bằng ống bê tông tự chế gồm cát, sỏi, than hoạt tính… đặt chìm dưới lòng sông để lọc nước. Nước từ bể lọc sẽ được trữ trong bể chứa rồi bơm về các gia đình. Tuy nhiên, chất lượng nước vẫn chỉ dừng lại ở mức tạm chấp nhận được bằng mắt thường chứ thực chất vẫn chưa thể đảm bảo an toàn vệ sinh”. Do vậy nước lọc từ sông dẫn về bể chứa 10m3 của gia đình ông chỉ được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, còn nước ăn, uống vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nước mưa là chủ yếu. Hầu hết các đồ gia dụng trong các gia đình trong vùng như sen vòi, bình nóng lạnh, thiết bị nấu nướng đều bị gỉ sét, quần áo đều bị ố vàng do nước nhiễm asen nặng. Đặc biệt, vào mùa đông, nguồn nước sông cạn, người dân trong vùng phải tất tả chạy mua nước sạch với giá 100 nghìn đồng/m3 ở các xã lân cận như Hồng Thuận, Giao Lạc… Mùa hè, bình quân mỗi tháng gia đình ông Thắng phải mua từ 1-3m3 nước sạch để đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt tối thiểu. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Trọng Phẩm, Chủ tịch UBND xã Giao Thanh cho biết: “Toàn xã hiện có 2.232 hộ với 7.726 nhân khẩu. Hiện tại, do xã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi xâm nhập mặn, đồng thời cốt đất cao nên nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của người dân trên địa bàn xã từ các dòng sông dần bị cạn kiệt và ô nhiễm nghiêm trọng. Thực trạng người dân phải đi mua nước sạch từ các xã lân cận trong vài năm trở lại đây ngày càng thường xuyên và cấp bách hơn. Bên cạnh đó, do sử dụng nước sạch không đảm bảo nên nguy cơ mắc một số bệnh liên quan như đường ruột, ngoài da, ung thư trên địa bàn xã đang ở có chiều hướng gia tăng đến mức báo động”. Theo thống kê sơ bộ của Trạm Y tế xã, tỷ lệ người dân trên địa bàn xã mắc các bệnh về da chiếm 30%; các bệnh về đường ruột, tiêu hoá chiếm 20%; trung bình mấy năm gần đây cứ 10 người chết thì có tới 5 người do ung thư. Nhằm từng bước cải thiện chất lượng nước sạch trên địa bàn xã, Đảng uỷ, UBND xã đã phối hợp với các cấp, ngành báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết tình trạng trên. Hiện tại, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng trạm bơm tăng áp và hệ thống cấp nước sạch cho các xã Giao Thanh, Giao Thiện, Giao Hương, Giao An từ Nhà máy nước Giao Thuỷ đặt tại xã (Giao Tiến) do Cty CP Nước sạch và Vệ sinh nông thôn tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư tại Quyết định số 2181/QĐ-UBND ngày 25-9-2017. Tổng mức đầu tư của dự án là 14 tỷ 846 triệu đồng. Đến nay, xã đã phối hợp với UBND huyện, các phòng, ban chuyên môn tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn địa điểm tạo mặt bằng sạch cho chủ đầu tư sớm triển khai thi công trạm bơm tăng áp. Qua khảo sát thực tế, địa điểm đặt trạm bơm tăng áp được xác định tại xóm Thanh Giáo với tổng diện tích 4.500m2. Đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết thêm, thời gian qua, xã đã tập trung phối hợp chuẩn bị mặt bằng để triển khai dự án. Cty cũng đã phối hợp với xã tổ chức triển khai tham vấn cộng đồng, đăng ký sơ bộ số hộ lắp đặt nước sạch và đóng góp tiền đối ứng (88% số hộ đã đồng ý). Đồng chí Vũ Văn Dạn, Giám đốc Cty CP Nước sạch và Vệ sinh nông thôn tỉnh khẳng định: “Cty đang chỉ đạo các bộ phận đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục hồ sơ với các sở, ngành để triển khai thi công sớm nhất trong quý 3 năm 2018. Hiện tại, Cty đang phối hợp với Sở Xây dựng hoàn thiện hồ sơ quy hoạch mặt bằng tổng thể; làm việc với Sở TN và MT chỉnh lý hồ sơ đo đạc bản đồ khớp với thực địa, hoàn thiện sớm để trình UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất công và tiếp nhận biên bản bàn giao đất. Cty cũng chỉ đạo Nhà máy nước Giao Thuỷ chuẩn bị các điều kiện tối ưu nhất cùng thiết bị kỹ thuật, phương án thi công hợp lý để ngay khi xây dựng xong trạm bơm tăng áp ở xã Giao Thanh có thể đấu nối và cấp nước sạch ngay cho người dân xã Giao Thanh trong quý 4 năm 2018, tiến tới hoàn thành cấp nước sạch cho các xã Giao An, Giao Thiện, Giao Hương trong năm 2019”.
Theo thống kê, hiện tại tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch trong sinh hoạt trên địa bàn huyện Giao Thuỷ đạt trên 65%. Toàn huyện vẫn còn 9 xã, thị trấn chưa được sử dụng nước sạch chất lượng, gồm: Bạch Long, Giao Thịnh, Giao Yến, Giao Phong, Giao An, Giao Thanh, Giao Thiện, Giao Hương và Thị trấn Quất Lâm. Nhằm đảm bảo mục tiêu đến năm 2020, toàn huyện có 100% số hộ được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt; ngoài dự án cấp nước sạch cho các đơn vị khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thuỷ như Giao An, Giao Thanh, Giao Thiện, Giao Hương do Cty CP Nước sạch và Vệ sinh nông thôn tỉnh đảm nhận, huyện đang tích cực mời gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy cấp nước sạch cho các xã thuộc khu vực Hà Lạn (Bạch Long, Giao Thịnh, Giao Yến, Giao Phong, Thị trấn Quất Lâm). Hiện, Cty CP Tập đoàn Đầu tư nước sạch và Môi trường Hùng Thành (Hà Nội) đang phối hợp với huyện nghiên cứu dự án đầu tư nhà máy cấp nước sạch với công suất 10 nghìn m3/ngày đêm. Hy vọng dự án sớm được triển khai sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo sức khoẻ an toàn, đồng thời hoàn thiện tiêu chí môi trường, nước sạch NTM của huyện./.
Bài và ảnh: Đức Toàn