Ngày 30-6-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 939/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, giao cho Hội LHPN Việt Nam chủ trì thực hiện. Với mục tiêu: Nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, các cấp Hội Phụ nữ luôn xác định “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” là một nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động Hội.
Chị Phạm Thị Hoa, Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh hoa cây cảnh Nam Phong (TP Nam Định) bên vườn hoa của HTX. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Thực hiện Đề án, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã cụ thể hóa các mục tiêu nhiệm vụ của Đề án, định hướng cho các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh tập trung tổ chức triển khai các hoạt động nhằm tiếp sức cho các mô hình kinh tế do phụ nữ thực hiện, ưu tiên hỗ trợ cho nhóm phụ nữ yếu thế vươn lên làm chủ, phát huy lợi thế và tiềm năng phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho phụ nữ đóng góp nhiều hơn cho kinh tế địa phương. Nhiều mô hình đã được đông đảo hội viên phụ nữ tham gia hưởng ứng như: tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế; tặng vật tư, con giống... Đến nay tổng số tiền vận động tiết kiệm từ các loại hình là trên 64 tỷ đồng, thu hút 136.079 hội viên, phụ nữ tham gia tiết kiệm. Từ nguồn tiết kiệm, các cấp Hội đã hỗ trợ cho 47.079 phụ nữ vay phát triển kinh tế với tổng số tiền trên 51 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất của Ngân hàng CSXH cùng thời điểm. Đặc biệt với mong muốn mang nhiều nguồn vốn đến cho chị em, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã đứng ra tín chấp, nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH; Ngân hàng NN và PTNT; Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương (TYM)... 1.796,32 tỷ đồng, hỗ trợ 65.973 hộ vay tại 2.064 tổ vay vốn và tiết kiệm/nhóm tín dụng tiết kiệm để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được vay 43.856 hộ với số tiền vay là 1.052 tỷ đồng. Bên cạnh việc khai thác các nguồn vốn, Hội đã lồng ghép hoạt động khởi sự kinh doanh, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp vào chương trình hoạt động của Hội, tổ chức các khóa đào tạo, các lớp tập huấn về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tới đội ngũ cán bộ Hội, hội viên phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý điều hành cho các thành viên của Ban quản trị các HTX, Ban quản lý các tổ hợp tác do phụ nữ quản lý. Đặc biệt quan tâm tới lồng ghép giới trong tuyên truyền cho nhóm phụ nữ mới khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tăng cường năng lực tài chính và nâng cao kiến thức quản lý kinh doanh, hỗ trợ nâng cao quyền năng, sự tham gia của phụ nữ trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, góp phần tạo dựng, phát triển kinh tế gia đình và địa phương. Đồng thời tăng cường phối hợp, hỗ trợ thành lập các mô hình tổ liên kết, tổ hợp tác, HTX do phụ nữ quản lý. Tập trung kết nối, hỗ trợ câu lạc bộ doanh nhân nữ tổ chức gặp mặt, chia sẻ, trao đổi và liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) hằng năm.
Với mục tiêu mỗi năm tổ chức Hội hỗ trợ, giúp đỡ được ít nhất 40 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và phối hợp đào tạo nghề cho ít nhất 2.000 lao động nông thôn, trong định hướng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, Hội khuyến khích phụ nữ phát triển nghề truyền thống, thực hiện các ý tưởng kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế. Với trên 70% phụ nữ lao động nông nghiệp, các cấp Hội vận động, hỗ trợ chị em tham gia phát triển kinh tế từ sản xuất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi, trồng trọt theo hướng liên kết để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, khai thác thế mạnh của từng địa phương để phát triển kinh tế. Từ năm 2016 đến nay, Hội đã phối hợp với Liên minh các HTX hỗ trợ thành lập được 11 tổ liên kết, tổ hợp tác; 5 HTX do phụ nữ làm chủ. Với những kết quả bước đầu còn khiêm tốn nhưng đó là sự cố gắng đáng trân trọng của các cấp Hội, của đội ngũ cán bộ Hội và hội viên phụ nữ trong tỉnh. Nhiều đơn vị đã có những cách làm sáng tạo như tổ chức các hội chợ, phiên chợ nông sản của Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường… thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia được người tiêu dùng quan tâm, qua đó tạo sự kết nối phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng niềm tin, địa chỉ tin cậy cung cấp sản phẩm hàng hóa tới người tiêu dùng ngay tại địa bàn, giải quyết được vấn đề khó khăn đầu ra cho các sản phẩm nông sản ở nông thôn.
Bên cạnh đóng góp của hội viên, các nhà hảo tâm, nhiều doanh nghiệp nữ, cơ sở sản xuất do nữ làm chủ, câu lạc bộ doanh nghiệp nữ đã có sự ủng hộ tích cực để nâng cao đời sống, giải quyết việc làm cho phụ nữ khó khăn trên địa bàn tỉnh. Qua phong trào phụ nữ khởi nghiệp đã xuất hiện nhiều điển hình phụ nữ phấn đấu vươn lên, đóng góp cho phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần xây dựng NTM. Tiêu biểu như chị Phạm Thị Hoa, Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh hoa cây cảnh Nam Phong (TP Nam Định) tạo việc làm cho 30 đến 40 lao động; chị Vũ Thị Kim Tho, cơ sở sản xuất băng gạc y tế xã Phương Định (Trực Ninh) tạo việc làm cho 110 lao động; cơ sở may của chị Vũ Phương Thúy, xã Nam Hoa (Nam Trực) tạo việc làm thường xuyên cho 17 lao động. Chị Phạm Thị Thắm, Cty TNHH Cơ khí Quyết Tiến (Giao Thủy) tạo ra sản phẩm máy cấy nâng cao năng suất lao động tăng tới 300% so với năng suất cấy truyền thống. Cơ sở ép dầu ăn công nghiệp của chị Trịnh Thị Hường, xã Yên Cường (Ý Yên) sản xuất ra sản phẩm dầu lạc đảm bảo ATTP, tạo việc làm cho hội viên phụ nữ địa phương. Chị Nguyễn Thị Thanh, Cty TNHH Mai Thanh, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) sản xuất sản phẩm nước sạch đạt tiểu chuẩn ISO được các cấp có thẩm quyền chứng nhận quy chuẩn về ATTP, cung cấp cho nhân dân xã Nghĩa Sơn và các xã lân cận...
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện Đề án vẫn còn một số khó khăn, như chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ, thường xuyên giữa tổ chức Hội với câu lạc bộ doanh nhân nữ ở địa phương trong việc hỗ trợ phụ nữ có ý tưởng kinh doanh khởi nghiệp. Việc khảo sát nắm bắt các ý tưởng, sản phẩm sáng tạo của phụ nữ và hỗ trợ tư vấn thành lập các mô hình phát triển kinh tế tập thể của phụ nữ ở một số đơn vị còn hạn chế, chưa thành lập được các mô hình tổ liên kết, tổ hợp tác, HTX. Nguồn lực để triển khai các hoạt động của Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” ở các cấp Hội còn khó khăn, do vậy hoạt động chưa rõ nét, chưa có chiều sâu. Thực tế trên địa bàn tỉnh số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ còn thấp, quy mô sản xuất chủ yếu nhỏ và cực nhỏ, tập trung ở các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm, dệt may, may gia công, sản xuất tiểu thủ công… Việc đầu tư cho sản phẩm mang thương hiệu, có chất lượng; nhất là các sản phẩm nông sản thực phẩm chưa có thương hiệu và chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Với tinh thần và quyết tâm của các cấp Hội, Ngày Phụ nữ khởi nghiệp năm 2018 với chủ đề “Phụ nữ Nam Định sáng tạo, khởi nghiệp xây dựng NTM” sẽ thúc đẩy tinh thần, khả năng sáng tạo, tạo động lực, khí thế cho chị em phụ nữ nỗ lực hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh, góp phần làm giàu chính đáng cho gia đình và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Nguyễn Thị Hà
TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh