Thực hiện Chương trình phối hợp số 90 ngày 30-3-2016 giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Sở Y tế đã phối hợp với Uỷ ban MTTQ tỉnh xây dựng kế hoạch, hướng dẫn MTTQ các cấp phối hợp với chính quyền, ngành chức năng và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP).
Kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại một doanh nghiệp may ở Nghĩa Hưng. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Sau 2 năm triển khai nhiệm vụ trong Chương trình phối hợp số 90, các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã nghiêm túc thực hiện. MTTQ các cấp trong tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức thành viên tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, vận động và giám sát bảo đảm ATTP. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đảm bảo ATTP được MTTQ các cấp triển khai thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tập huấn, tổ chức các buổi sinh hoạt CLB, họp tổ, nói chuyện chuyên đề, toạ đàm, tuyên truyền trên pa-nô, áp phích, tờ rơi, phát thanh, truyền thanh... nhằm nâng cao ý thức của người dân trong quá trình sản xuất, buôn bán nông sản, thực phẩm, chế biến thức ăn; tổ chức phát động người dân tham gia đăng ký, cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Trong 2 năm qua, Chi cục ATVSTP tỉnh đã cùng với Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức 10 hội nghị tập huấn cho trên 1.200 đại biểu là cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội tuyến cơ sở. Nội dung tập huấn gồm: Công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam các cấp, Luật ATTP, Chương trình phối hợp số 90, Chỉ thị 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý Nhà nước về ATTP và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh về tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh. Các lớp tập huấn còn trang bị những kiến thức cơ bản cho cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là cán bộ làm công tác Mặt trận các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tự giác chấp hành pháp luật, nâng cao ý thức trong công tác đảm bảo ATTP; lựa chọn và sử dụng hợp lý các thực phẩm để đảm bảo an toàn… Năm 2017, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Sở NN và PTNT tổ chức 2 lớp tập huấn cho 350 báo cáo viên, cán bộ Hội các cấp, cung cấp tài liệu về luật pháp, kiến thức ATTP cho báo cáo viên. Sau khi được tập huấn, đội ngũ báo cáo viên đã tuyên truyền thông qua các kỳ sinh hoạt hội viên của 3.576 chi hội và trên 3.000 CLB phụ nữ trong tỉnh, thu hút 306.923 người tham gia. Cũng trong năm 2017, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tổ chức 318 đợt tuyên truyền về ATTP với nhiều nội dung phong phú, sinh động, thu hút 17.215 lượt người tham gia…
Trong công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, 2 năm qua, MTTQ các cấp đã cử cán bộ tham gia 245 đoàn kiểm tra chuyên ngành về ATTP tại 4.208 cơ sở; phát hiện 1.347 cơ sở vi phạm (chiếm 32%); trong đó có 261 trường hợp bị xử lý. Trong số các cơ sở bị xử lý có 155 cơ sở bị phạt cảnh cáo, 98 cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền phạt 157,760 triệu đồng. MTTQ các cấp còn tích cực phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức giám sát ở cơ sở và vận động đoàn viên, hội viên nêu cao ý thức trách nhiệm không sản xuất những thực phẩm không an toàn, tố giác hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn; kiên quyết đấu tranh với các hành vi sử dụng chất cấm, chất kích thích trong sản xuất; tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về sử dụng thuốc BVTV; vận động các cơ sở sản xuất coi việc bảo đảm ATTP vừa là lương tâm vừa là trách nhiệm xã hội, tuân thủ nguyên tắc, chấp hành và thực hiện các điều kiện ATTP theo quy định của pháp luật. Tiêu biểu như, Hội Nông dân các cấp phối hợp với ngành NN và PTNT tổ chức cho 7.800 hộ chăn nuôi, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi ở 212 cơ sở Hội ký cam kết chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, vận động nông dân tích cực phát hiện, đấu tranh, tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất cấm, tiêu thụ, vận chuyển thực phẩm không an toàn với các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý… MTTQ tỉnh còn trực tiếp tham gia các đoàn giám sát ATTP trong thời gian trước và trong các dịp lễ, Tết.
Công tác phối hợp xây dựng một số mô hình, phong trào về ATTP cũng được các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội CCB, LĐLĐ… tích cực tham gia. Tiêu biểu như Hội Phụ nữ các huyện, thành phố đã chỉ đạo triển khai đến các cơ sở Hội việc thực hiện các tiêu chí cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, trong đó có tiêu chí sạch bếp, đảm bảo ATTP. Ngoài ra Hội Phụ nữ các cấp còn phối hợp với các ngành chức năng duy trì và nhân rộng các mô hình: “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất rau an toàn” của Hội Phụ nữ xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), CLB “Sản xuất và tiêu dùng sạch” của Hội Phụ nữ phường Cửa Nam (TP Nam Định), “Dịch vụ nấu cỗ an toàn” của xã Nam Hồng (Nam Trực), “Trồng rau sạch của nữ phật tử Chùa Ỏn” (TP Nam Định); Hội Nông dân với mô hình “Chăn nuôi an toàn và không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”, tích cực xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn ATTP; Hội CCB xây dựng HTX CCB Vạn Xuân Trường, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) với các mô hình trang trại chăn nuôi lợn sạch, gà sạch…
Việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội được triển khai thường xuyên, hiệu quả đã góp phần tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên trong việc thực hiện các nhiệm vụ công tác ATTP, góp phần bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về ATTP cho đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp. Các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động, giám sát về ATTP để nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật về vệ sinh ATTP của các tầng lớp nhân dân. Tăng cường vận động, tổ chức cho đoàn viên, hội viên và người dân ký cam kết tuân thủ quy định về đảm bảo ATTP./.
Minh Thuận