Nghĩa Hưng tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng dân số

08:05, 30/05/2018

Huyện Nghĩa Hưng có dân số trên 20,8 vạn người; trong đó có 35.300 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Thời gian qua huyện Nghĩa Hưng đã tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dân số; trong đó tiếp tục giảm sinh nhằm đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con); đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số.

Trạm y tế xã Nghĩa Thái được đầu tư hơn 5 tỷ đồng, đi vào hoạt động năm 2017, đáp ứng công tác triển khai Đề án sàng lọc sơ sinh.
Trạm y tế xã Nghĩa Thái được đầu tư hơn 5 tỷ đồng, đi vào hoạt động năm 2017, đáp ứng công tác triển khai Đề án sàng lọc sơ sinh.

Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện đã triển khai các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số. Trong đó, triển khai chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ tới các đối tượng, giáo dục về Dân số - KHHGĐ tại cộng đồng. Đến nay bộ máy làm công tác Dân số - KHHGĐ được củng cố, kiện toàn, hoạt động hiệu quả, cơ sở vật chất, các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác Dân số - KHHGĐ được quan tâm, đầu tư. Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật về dân số được đẩy mạnh. Năm 2017 Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện tổ chức thực hiện chiến dịch truyền thông dân số, tăng cường đưa dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ đến các xã có mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao; đa dạng các hình thức truyền thông các loại hình như: Cấp phát trên 15 nghìn tờ rơi có nội dung về CSSKSS-KHHGĐ, sàng lọc trước sinh, sơ sinh, bình đẳng giới... cho cơ sở. Treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về các chính sách Dân số - KHHGĐ trên các trục đường chính, nơi tập trung đông dân cư, tăng cường các hoạt động truyền thông trong chiến dịch tuyên truyền, vận động, lồng ghép dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ đến vùng đông dân, có mức sinh cao. Phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động công tác Dân số - KHHGĐ; từng đơn vị đều có chương trình, kế hoạch phối hợp cụ thể với Trung tâm Dân số - KHHGĐ, từng bước đẩy mạnh xã hội hoá công tác Dân số - KHHGĐ. Đối với cơ sở xã, thị trấn, tổ chức truyền thông trực tiếp, nói chuyện chuyên đề, tư vấn về KHHGĐ, về chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh thông qua tuyên truyền, vận động, phát hiện can thiệp sớm tật bệnh ở thai nhi và sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tiếp tục duy trì hoạt động của đề án “Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động, phát hiện can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh” cho 25 xã, thị trấn trong toàn huyện. Triển khai Đề án “Kiểm tra sức khoẻ và tư vấn tiền hôn nhân” trên địa bàn 3 xã Nghĩa Trung, Nghĩa Thái, Nghĩa Bình. Tăng cường cung cấp thông tin về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cho người dân, trước hết là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, những người cung cấp dịch vụ siêu âm và dịch vụ nạo phá thai, những người có uy tín trong cộng đồng nhằm hạn chế các hành vi không phù hợp với việc sinh đẻ theo quy luật tự nhiên. Tổ chức 16 hội nghị tuyên truyền Đề án 818/BYT về xã hội hóa các phương tiện tránh thai và hàng hóa SKSS cho trên 1.000 đối tượng, cung cấp trên 900 sản phẩm đến tay người tiêu dùng, góp phần vào việc nâng cao chất lượng CSSKSS-KHHGĐ cho nhân dân trong huyện. Năm 2017 toàn huyện có trên 87,86% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai, số người đặt vòng tránh thai, uống thuốc tránh thai, dùng bao cao su... đạt tỷ lệ cao. Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp, năm 2017, tổng số trẻ sinh ra trong toàn huyện là 2.753 cháu (giảm 31 cháu so với năm 2016), tỷ suất sinh 13,23o/oo (giảm 0,2o/oo so với năm 2016), số sinh con thứ 3 trở lên là 359 cháu (giảm 32 cháu so với năm 2016). Tỷ số giới tính khi sinh là 109 cháu trai/100 cháu gái.

Để góp phần thực hiện tốt Chiến lược Dân số trong tình hình mới, năm 2018 và những năm tiếp theo huyện Nghĩa Hưng xây dựng mục tiêu: Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị; mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn. Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 cháu trai/100 cháu gái; tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%; tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 10,5%; tỷ lệ phụ thuộc chung đạt khoảng 40%. Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; trên 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất. Tuổi thọ bình quân đạt 75,8 tuổi, 100% người cao tuổi có thẻ BHYT, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung. Chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 168,5cm, nữ đạt 157,5cm. Để thực hiện mục tiêu đề ra, huyện đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác Dân số - KHHGĐ đến mọi tầng lớp nhân dân nhằm chuyển đổi hành vi nhận thức của người dân về công tác Dân số - KHHGĐ. Vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại nhằm giảm mức sinh. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao sự hiểu biết của mọi người dân về mất cân bằng giới tính khi sinh và hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh. Đảm bảo hậu cần và cung cấp dịch vụ đầy đủ, kịp thời, an toàn, thuận tiện dịch vụ KHHGĐ và các phương tiện tránh thai, thuốc thiết yếu, vật tư y tế tiêu hao có chất lượng cho đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ. Tập huấn chuyên môn về công tác Dân số - KHHGĐ cho đội ngũ cán bộ làm công tác Dân số - KHHGĐ tại cơ sở. Duy trì và triển khai các hoạt động sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh trên địa bàn huyện. Triển khai các Đề án: “Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân”, “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” trên địa bàn toàn huyện. Tăng cường tuyên truyền, vận động trực tiếp đến các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, đề cao vai trò trách nhiệm của gia đình làm cho mọi người tự nguyện chấp nhận mô hình gia đình ít con./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com