Thực hiện Quyết định số 87/QĐ-TTg, ngày 12-1-2016 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 398/KH-BCĐTƯ ngày 24-1-2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương Tháng hành động về ATVSLĐ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2018.
Cty TNHH Geulim (Vụ Bản) thường xuyên tuyên truyền, đôn đốc người lao động thực hiện các quy định an toàn vệ sinh lao động. |
Tháng hành động ATVSLĐ năm 2018 diễn ra từ ngày 1 đến 31-5-2018, có chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”. Mục tiêu đặt ra là nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân về pháp luật, chính sách ATVSLĐ; về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức và cá nhân trong thực hiện pháp luật, chính sách của Nhà nước về ATVSLĐ. Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc nhằm hạn chế tai nạn lao động, góp phần bảo đảm an toàn và phát triển bền vững. Hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ năm 2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, Ban quản lý các KCN tỉnh, các huyện, thành phố triển khai đồng bộ các hoạt động. Trong đó các ngành chức năng, các địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, treo băng rôn, khẩu hiệu, pa-nô, áp phích, phát tài liệu, tờ rơi, tuyên truyền trực tiếp đến người lao động. Nội dung tuyên truyền gồm: Luật An toàn lao động, công tác ATVSLĐ, mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện ATVSLĐ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ sức khỏe người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động trong công tác bảo đảm ATVSLĐ; các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc nhằm hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tuyên truyền các điển hình tiên tiến trong công tác ATVSLĐ và hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ. Các ngành chức năng, các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, có hại đối với người lao động thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện ATVSLĐ; kiểm tra, đánh giá thực trạng thực hiện quy định của pháp luật đối với người sử dụng lao động. Trên cơ sở đó làm rõ những điểm còn hạn chế, tập trung các biện pháp khắc phục cụ thể, đảm bảo tất cả các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có hoạt động tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động trong công tác bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc. Vận động người lao động xóa bỏ thói quen mất vệ sinh, gây hại, nguy hiểm cho sức khỏe bản thân và cộng đồng trong quá trình lao động, tạo sự chuyển biến tích cực, thể hiện qua các hành động cụ thể thực thi pháp luật ATVSLĐ. Các ngành chức năng, các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát các nội quy, quy trình, quy định bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; đối chiếu với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ; yêu cầu, hướng dẫn sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, tổ chức thực hiện đúng nội quy, quy định, đảm bảo ATVSLĐ của đơn vị, doanh nghiệp. Kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động; công tác quản lý máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Trên cơ sở yêu cầu thực tế, điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tổ chức các hoạt động thúc đẩy sự tham gia đảm bảo ATVSLĐ của người lao động như: Phát động Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2018; tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại chính sách, hội nghị, hội thảo, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm ATVSLĐ; tư vấn, khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, động viên các cá nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra công tác ATVSLĐ kết hợp kiểm tra các hoạt động triển khai thực hiện Tháng hành động về ATVSLĐ tại các địa phương, doanh nghiệp; đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tự kiểm tra công tác ATVSLĐ, kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác ATVSLĐ. Bên cạnh đó, các ngành chức năng, các huyện, thành phố hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động đối với doanh nghiệp có nguy cơ cao mất ATVSLĐ nhằm trang bị, nâng cao kiến thức, kỹ năng và văn hóa về an toàn lao động cho chủ doanh nghiệp và người lao động. BCĐ Tháng hành động ATVSLĐ tỉnh, BCĐ các huyện, thành phố sẽ tổ chức kiểm tra tại một số doanh nghiệp, đơn vị trọng điểm về ATVSLĐ. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc triển khai thực hiện Tháng hành động, việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ như: thành lập bộ máy thực hiện công tác ATVSLĐ, trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân, huấn luyện ATVSLĐ, kiểm định các máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, cải thiện điều kiện lao động. Qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế, thúc đẩy các đơn vị, doanh nghiệp tự kiểm tra, thực hiện tốt công tác ATVSLĐ; đồng thời tuyên truyền, giáo dục người sử dụng lao động và người lao động về ATVSLĐ, chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Với những hoạt động thiết thực, hiệu quả, Tháng hành động ATVSLĐ năm 2018 sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ của người sử dụng lao động, người lao động. Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động, bảo đảm sự phát triển ổn định của doanh nghiệp, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững./.
Bài và ảnh: Minh Tân