Thời gian qua, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đối tượng đặc thù (phụ nữ, học sinh, người lao động trong các doanh nghiệp, người dân vùng biên giới, ven biển, phạm nhân…) theo quy định của Luật PBGDPL được Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp chú trọng thực hiện, thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động, tư vấn pháp luật, cung cấp tài liệu; lồng ghép PBGDPL trong các hoạt động giáo dục, qua các phương tiện thông tin đại chúng, sinh hoạt câu lạc bộ... Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật ở từng đối tượng, thiết thực đưa pháp luật vào cuộc sống.
Ban Tôn giáo chính quyền (Sở Nội vụ) tổ chức hội nghị tuyền truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo tới chức sắc, tín đồ các tôn giáo. |
Để thực hiện tốt công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù, hằng năm, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh chỉ đạo các địa phương, ban, ngành bảo đảm các nội dung PBGDPL được quy định trong Luật PBGDPL, trong đó tập trung tuyên truyền các luật như: Luật Hôn nhân và Gia đình, các quy định của pháp luật về hộ tịch, về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 2013; các quy định của pháp luật về chủ quyền biển, đảo; các quy định liên quan đến việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM của tỉnh giai đoạn 2016-2020; pháp luật về phòng, chống ma túy, ATGT... Các ngành thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện tiếp tục triển khai nhiệm vụ PBGDPL theo kế hoạch của UBND tỉnh. Thực hiện có hiệu quả các Đề án: “Tuyên truyền, PBGDPL cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp”; “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong các nhà trường”; “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2012-2016” đến năm 2021. Phát huy hiệu quả công tác PBGDPL qua hoạt động hòa giải ở cơ sở; tổ chức quán triệt nội dung Luật Hòa giải và các văn bản hướng dẫn thi hành. Là một tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và người lao động, tổ chức Công đoàn luôn đề cao trách nhiệm trong việc tuyên truyền PBGDPL cho công nhân, viên chức, lao động nhằm tích cực góp phần đưa các quy định của pháp luật vào cuộc sống. Hằng năm, LĐLĐ tỉnh và hệ thống tổ chức công đoàn các cấp đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền cho cán bộ, đoàn viên, người lao động về pháp luật lao động, phòng chống ma túy, trật tự an toàn giao thông; trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền về pháp luật lao động và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm cho các đối tượng đoàn viên là công nhân, lao động trẻ đang làm việc tại các khu, CCN. Biên soạn, in ấn, cấp phát hàng vạn tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền pháp luật, hơn 4.000 cuốn Luật BHXH, Luật BHYT, Luật An toàn vệ sinh lao động... cho công nhân, viên chức, người lao động trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh còn chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo 138, Bộ CHQS tỉnh, Sở TN và MT, Ban ATGT tỉnh, Chi cục Dân số và KHHGĐ, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh... tổ chức các hội nghị tuyên truyền về phòng, chống tội phạm và phòng, chống ma túy, về pháp luật đảm bảo ATGT, về Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo vệ môi trường, về tình hình an ninh - quốc phòng trong khu vực, thế giới và Việt Nam, đặc biệt là tình hình biển đảo, biên giới đất liền của đất nước… cho cán bộ, đoàn viên và người lao động. Văn phòng Tư vấn pháp luật (LĐLĐ tỉnh) đã tư vấn tại trụ sở về pháp luật lao động cho hàng nghìn lượt người, đồng thời tổ chức tư vấn lưu động cho công nhân tại các khu, CCN trên địa bàn tỉnh. Với nhóm đối tượng có nguy cơ là nạn nhân của bạo lực gia đình, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh tổ chức tọa đàm: “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình trên cơ sở giới và kỹ năng tư vấn phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em”, phát tờ tin về “16 điều bạn có thể làm để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” và tờ rơi về phòng chống bạo lực gia đình tuyên truyền tới cán bộ, hội viên phụ nữ. Hội LHPN các huyện, thành phố cũng phối hợp với các Phòng Tư pháp đẩy mạnh phổ biến giáo dục và tư vấn pháp luật. Trung tâm Tư vấn pháp luật của Hội LHPN tỉnh cũng thường xuyên thực hiện tư vấn cho các trường hợp là nạn nhân của bạo lực gia đình, hôn nhân gia đình. Với đặc thù là tỉnh ven biển, công tác tuyên truyền PBGDPL cho ngư dân, nhân dân vùng biên giới biển cũng được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh quan tâm. Hình thức tuyên truyền thực hiện trên hệ thống thông tin, truyền thanh của địa phương, cấp phát tài liệu, sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, chiếu phim lưu động. Nội dung tuyên truyền tập trung vào Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam, Hiệp định Phân định Vịnh Bắc bộ, Hiệp định nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc, Nghị định số 71/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa XHCN Việt Nam... Thực hiện quy định của Luật Thi hành án hình sự và Luật PBGDPL, Công an tỉnh đã chỉ đạo cải tiến các nội dung, chương trình PBGDPL cho các đối tượng là người đang bị thi hành án phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Theo đó, 100% số đối tượng đang bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân được phổ biến, học tập nội quy, quy chế giam, giữ, chính sách pháp luật về giáo dục, cải tạo phạm nhân, đảm bảo thời lượng, nội dung quy định; tạo điều kiện cho phạm nhân được tiếp cận với sách, báo, tờ rơi, đề cương tuyên truyền pháp luật; trung bình 2 tháng 1 lần, Trại giam Công an tỉnh tổ chức 1 lớp giáo dục pháp luật, giáo dục công dân cho phạm nhân. Phối hợp với các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp, cơ cở sản xuất giới thiệu việc làm, góp phần giúp phạm nhân tái hòa nhập công đồng hiệu quả. Ngoài ra, các ngành chức năng, chính quyền các xã, phường, thị trấn trong tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền PBGDPL cho những người thuộc nhóm người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo. Một đối tượng đặc thù cũng rất được quan tâm trong công tác PBGDPL là học sinh trong trường học. Hình thức phổ biến tương đối đa dạng như lồng ghép trong các buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt ngoại khóa, tích hợp trong các môn học; xây dựng mô hình “trường học an toàn, cổng trường an toàn, tuyến đường an toàn giao thông”; phát động và triển khai các cuộc thi “Đi đường an toàn - cho bạn cho tôi”, “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”. Tiếp tục thực hiện Đề án Luật An toàn vệ sinh lao động, Hội Luật gia tỉnh và Sở GD và ĐT đã ký kết và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 117-KH/HLG-SGD&ĐT về phối hợp PBGDPL cho học sinh (lớp 11, 12) trong một số trường THPT giai đoạn năm 2017-2020. Nội dung PBGDPL tập trung vào các quy định cơ bản liên quan, cần thiết tới học sinh như: quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp 2013; quy định của pháp luật liên quan đến người chưa thành niên, người đã thành niên như xử phạt vi phạm hành chính, quyền và trách nhiệm dân sự và một số quy định của Bộ luật Hình sự; một số vấn đề mới của Luật Phòng chống ma túy và các tệ nạn mại dâm... Từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, cán bộ, giáo viên tại các cơ sở giáo dục, góp phần làm giảm tình trạng vi phạm pháp luật.
Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 8.424 hội nghị, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề cho 667.447 lượt đối tượng đặc thù; in ấn phát hành 323.695 sách, tài liệu PBGDPL, cấp phát hơn 1.500 đĩa DVD; thực hiện 12.912 lần phát sóng chương trình PBGDPL trên đài truyền thanh xã (hệ thống loa truyền thanh cơ sở) và 1.029 tin bài về pháp luật được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng... Qua đó đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho các đối tượng đặc thù, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng