Trao đổi việc triển khai kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) của ngành năm 2018, đồng chí Hoàng Thị Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở TT và TT cho biết, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, Sở TT và TT chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành trên cơ sở kế hoạch chung phải xây dựng phương án PCTT và TKCN cụ thể của đơn vị, có kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan, đảm bảo mạng lưới hoạt động thông suốt trong mưa, bão, lũ; đặc biệt phải có phương án dự phòng các tình huống mất điện, đổ cột, đứt cáp.
Chi nhánh Viettel Nam Định tu sửa trạm viễn thông Cồn Lu, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt cho vùng biển Giao Thủy. |
Hiện nay các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã chủ động kiện toàn ban chỉ huy PCTT và TKCN của đơn vị, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên; đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa, ngầm hóa mạng lưới; chằng chống lại nhà trạm, phòng máy, gia cố, kê, xếp lại thiết bị tại các trạm có khả năng ngập nước; kiểm tra và gia cố lại mạng ngoại vi, các tuyến cáp treo, triển khai các tuyến viba vu hồi, tuyến cáp quang vu hồi; chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu, tập kết máy nổ và vật tư dự phòng tới các vị trí thuận lợi, sẵn sàng ứng cứu khi có bão. Là đơn vị chiếm thị phần tương đối lớn trên thị trường cung cấp các dịch vụ viễn thông của tỉnh, VNPT Nam Định luôn xác định phải đảm bảo thông tin liên lạc trong mọi tình huống đến trụ sở UBND các xã, trung tâm chỉ huy PCTT và TKCN ở các trạm canh đê, đặc biệt là các khu vực xung yếu, trọng điểm như các tuyến đê sông, đê biển bằng hệ thống viễn thông cố định mặt đất; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ các tuyến truyền dẫn nội tỉnh để đảm bảo yêu cầu thông luồng truyền dẫn... Hiện, VNPT Nam Định đã tập kết nhiên liệu, phương tiện cứu hộ, cứu nạn về các trạm phát sóng, nhất là những nơi có nguy cơ bị cô lập cao để đảm bảo thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Trong tình huống thiên tai, bão lũ tác động tiêu cực, không liên lạc được bằng hệ thống viễn thông di động mặt đất, VNPT Nam Định sẽ sử dụng hệ thống viễn thông vô tuyến điện sóng ngắn phục vụ Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh liên lạc với Ban chỉ đạo PCTT Trung ương bằng 1 máy tại Trung tâm Viễn thông tỉnh hoặc 1 máy dự phòng tại Viễn thông tỉnh. VNPT Nam Định cũng chuẩn bị xe thông tin lưu động và 2 bộ thiết bị viễn thông di động vệ tinh (Immarsat), 1 máy Codan phục vụ việc bảo đảm thông tin liên lạc cho đoàn công tác của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và huyện; chuẩn bị phương án di chuyển trạm BTS lưu động ứng cứu thông tin phục vụ cho công tác PCTT và TKCN của huyện có thiên tai cần ứng cứu khi được điều động. Viettel Nam Định cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa mạng lưới, bao gồm: xây nhà kiên cố, xây nhà vượt lũ cho 20 trạm thu phát sóng ven biển; xây dựng cột tự đứng cho 3 trạm ven biển và 7 trạm trung tâm huyện; bao cột cho 38 trạm, nâng tổng số lên 176/485 trạm được bao cột; bổ sung gá chống xoay, thêm tầng dây co cho 100% số cột BTS; thay dây co trên mái cho 100% cột BTS; kiên cố 40km cáp treo, 120km cáp ngầm, hoàn tất kiên cố 48 tuyến viba; bó 120km cáp tại các thị trấn và Thành phố Nam Định; bổ sung máy phát điện dầu 8kVA, máy nổ ATS, xây thêm nhà, bệ máy nổ để đảm bảo vận hành an toàn trong mưa bão. Trong tình huống xảy ra bão lũ, Viettel Nam Định sẽ triển khai lắp đặt 1 trạm thu phát sóng thông tin di động lưu động tại trụ sở UBND tỉnh, 2 trạm dự phòng phục vụ ứng cứu thông tin cho công tác PCTT và TKCN của huyện có thiên tai theo điều động của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, ngành; sử dụng xe thông tin chuyên dùng và thiết bị đầu cuối phục vụ đoàn công tác của Ban chỉ huy PCTT và TKCN của tỉnh theo yêu cầu. Hiện nay, các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát, đặc biệt là Bưu điện tỉnh, doanh nghiệp bưu chính chủ lực của tỉnh đã chủ động kiểm tra, rà soát lại hệ thống nhà trạm, kho bảo quản, lưu trữ bưu kiện, bưu phẩm; thực hiện việc nâng cấp, sửa chữa, kiên cố hóa cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn tài sản cơ quan và bưu gửi của các tổ chức, cá nhân khi xảy ra thiên tai. Bưu điện tỉnh đã tăng cường các biện pháp bảo đảm lộ trình các chuyến thư, công văn không bị gián đoạn. Trong trường hợp đường thư bị tắc, ngập lụt, sẽ tổ chức các tuyến đường thư vòng, tránh và phương tiện dự phòng để lưu thoát, đảm bảo an toàn về con người, bưu phẩm, không để xảy ra mất mát, ứ đọng. Các đơn vị thuộc Bưu điện tỉnh phối hợp với Bưu chính Viettel Nam Định bố trí lực lượng ứng cứu, sẵn sàng phục vụ theo cấp báo động; thành lập đội xung kích để chuyển công văn, mệnh lệnh hỏa tốc nếu thông tin liên lạc bằng điện thoại không thực hiện được.
Kế hoạch PCTT của ngành TT và TT được ưu tiên thực hiện trong suốt thời gian từ ngày 1-4 đến hết 31-12; ngoài ra khi có lũ, bão xảy ra sớm hơn, muộn hơn hoặc khi công trình PCTT có sự cố sẽ kịp thời tổ chức phục vụ công tác chỉ đạo đối phó như trong mùa lũ, bão. Trong giai đoạn khắc phục hậu quả tại các khu vực thiên tai gây ra thiệt hại ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của mạng bưu chính, viễn thông công cộng, việc bảo đảm thông tin liên lạc sẽ được ngành TT và TT đảm bảo phục vụ như khi có thiên tai, bão, lũ. Đồng thời các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông sẽ khẩn trương khắc phục hậu quả do lụt, bão gây ra đối với đơn vị mình một cách nhanh nhất, khôi phục sớm hoạt động thông tin liên lạc, phục vụ tốt nhất nhu cầu của nhân dân và các đơn vị, tổ chức trên toàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý