Trên địa bàn tỉnh ta hiện có 100 bến khách ngang sông với lưu lượng người và phương tiện qua lại đông. Do đặc điểm thủy triều khu vực nên đây là các điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT), nhất là trong mùa mưa bão. Mới đây, ngày 2-5-2018, cầu phao Ninh Cường, một trong những điểm vượt sông trọng điểm của tỉnh đã bị một tàu đâm va gây hư hỏng khi mở cầu thông thuyền, tuy không gây tổn thất về người nhưng đã gây hư hỏng cầu, ảnh hưởng việc đi lại của nhân dân. Nhiều nguy cơ mất ATGT tại các bến khách ngang sông đã được chỉ ra và yêu cầu chấn chỉnh khắc phục nhưng qua các đợt kiểm tra, rà soát từ đầu năm 2018 đến nay của ngành GTVT cho thấy hoạt động chở khách ngang sông vẫn tồn tại nhiều bất cập.
Cảnh sát đường thủy kiểm tra, hướng dẫn chủ phương tiện chở khách tại bến đò Cau (Nghĩa Hưng) chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy. |
Tại một số bến khách ngang sông vẫn còn tình trạng vi phạm chở quá số người theo quy định, chở ô tô dù không được phép; giấy phép hoạt động một số bến đã hết hạn hoặc sử dụng phương tiện hết hạn đăng kiểm. Riêng các lỗi vi phạm: hành khách không mặc áo phao hoặc không cầm dụng cụ nổi khi sang sông; chủ phương tiện cất giữ áo phao, dụng cụ nổi ở nơi không thuận tiện, khó lấy trong tình huống cấp bách phổ biến ở hầu hết các phương tiện đò, phà. Theo đánh giá của ngành GTVT, trong các nguyên nhân tồn tại kể trên là do UBND các xã, thị trấn trực tiếp quản lý bến tổ chức đấu thầu phục vụ vận tải khách ngang sông chưa thực hiện hết trách nhiệm quản lý, không nghiêm túc, kiên quyết chấn chỉnh vi phạm. Đồng chí Nguyễn Vũ Tuấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh) khẳng định: Qua các đợt kiểm tra của lực lượng Cảnh sát đường thủy cho thấy tại nhiều địa phương còn có tình trạng khoán trắng cho người nhận thầu khai thác bến đò ngang; hầu hết các bến đò nhỏ chưa được các địa phương quan tâm quản lý, xử lý vi phạm. Cá biệt bến đò Phù Nghĩa (TP Nam Định) hoạt động không phép một thời gian dài trước đây khi cầu Tân Phong chưa đưa vào hoạt động. Hằng ngày đầu bến phía tỉnh Thái Bình duy trì một chuyến khứ hồi chở khách sang Nam Định vào buổi sáng và đón khách về vào buổi trưa để chở những người buôn bán nông sản từ Thái Bình sang Nam Định. Khi Công an đường thủy phát hiện, xử lý vi phạm, chính quyền địa phương sở tại nơi đầu bến phía tỉnh ta lại không hề biết sự tồn tại, hoạt động của bến.
Rõ ràng, khi trách nhiệm quản lý hoạt động của các bến đò ngang chưa được chính quyền cấp xã quan tâm thực hiện thì nguy cơ mất ATGT trong những chuyến đò ngang vẫn còn hiện hữu. Để bảo đảm ATGT trong vận chuyển hành khách và phương tiện qua sông, nhất là trong mùa mưa bão, ngành GTVT đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị quản lý bến khách ngang sông sớm kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện “4 tại chỗ” trong công tác PCTT và vận tải qua sông. Yêu cầu tất cả các bến phải thường xuyên kiểm tra an toàn kỹ thuật và sửa chữa, bảo dưỡng theo định kỳ tất cả các phương tiện; bảo đảm nhân lực tham gia điều khiển phương tiện có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ hành nghề theo quy định, phục vụ tốt việc vận tải khách, phương tiện qua sông và PCTT. Yêu cầu các bến trang bị đầy đủ lượng phao cứu sinh và áo phao trên các phà và ca nô để phục vụ hành khách đi phà; đồng thời chuẩn bị đầy đủ lượng dầu dự trữ và các thiết bị, dụng cụ sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các tình huống bão, lũ. Ban quản lý bến chủ động xây dựng phương án PCTT, khi có bão với gió to trên cấp 6 sẽ dừng hoạt động và sơ tán các phương tiện vào trong âu cất giữ. Lực lượng Thanh tra giao thông và Cảnh sát đường thủy sẽ tăng cường phối hợp kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATGT; tập trung xử lý kiên quyết những hành vi vi phạm, đặc biệt là các bến đò “3 không”, “4 không” (phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không bảo đảm điều kiện an toàn; người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định, phương tiện chở quá tải trọng cho phép). Bên cạnh đó, ngành GTVT và ngành Công an đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành quy định tăng cường trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong quản lý hoạt động bến đò ngang để phòng ngừa TNGT đường thủy. Trong đó, yêu cầu chính quyền địa phương cấp xã cần quan tâm hơn nữa công tác quản lý, giám sát việc chấp hành pháp luật của chủ bến, chủ phương tiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, hướng dẫn thực hiện những quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa; vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình. Đồng thời, tại những bến đông khách có giá trị hợp đồng khai thác cao, UBND xã phải trích từ nguồn kinh phí đấu thầu để đầu tư nâng cấp hạ tầng bến và phương tiện. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm của chủ bến, chủ phương tiện, hành khách, đặc biệt những vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như sử dụng phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật theo quy định, để người không có bằng, chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện, chở quá số người quy định, hoạt động trong điều kiện thời tiết bất lợi có giông, bão, lũ./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý