Phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

08:04, 17/04/2018

An toàn thực phẩm (ATTP) không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn liên quan chặt chẽ đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Trong các giải pháp bảo đảm ATTP cho người dân, việc khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng, phát triển các hệ thống chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn được xác định là giải pháp bền vững. 

Các sản phẩm ngô sấy, khoai tây sấy của Cty TNHH Minh Dương (CCN An Xá) đã được công nhận chuỗi thực phẩm an toàn.  Bài và ảnh: Minh Thuận
Các sản phẩm ngô sấy, khoai tây sấy của Cty TNHH Minh Dương (CCN An Xá) đã được công nhận chuỗi thực phẩm an toàn. 

Toàn tỉnh hiện có 20 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn và 10 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã được công nhận. Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được kiểm soát tất cả các khâu, từ sản xuất ban đầu đến tiêu thụ sản phẩm, như: trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt đến thu gom, sơ chế, giết mổ, chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối tiêu thụ sản phẩm. Các công đoạn đều áp dụng quy trình quản lý chất lượng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, có cam kết về ATTP. Điển hình trong chuỗi tiêu thụ thực phẩm an toàn của tỉnh là: Chả cá Hùng Vương của Cty TNHH Hải sản Hùng Vương, xã Giao Nhân (Giao Thủy); Cá bống bớp Nghĩa Hưng của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh giống thủy sản Sơn Nguyệt, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng); Nước mắm Ninh Cơ của Cty CP Chế biến Hải sản Nam Định, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu); Nghêu sạch Lenger, hàu sạch Lenger của Cty Thủy sản Lenger Việt Nam, CCN An Xá (TP Nam Định); Ngao sạch Giao Thủy của doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung, xã Giao Xuân (Giao Thủy); Ngô sấy, khoai tây sấy Minh Dương của Cty TNHH MTV Minh Dương, CCN An Xá (TP Nam Định); Gạo sạch Toản Xuân của Cty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên); Sứa ăn liền Tân Long của Cty TNHH Chế biến hải sản Tân Long, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu); Giò 7 phút Nam Phát của Cty CP Đầu tư Nam Phát, phường Lộc Hạ (TP Nam Định); Các sản phẩm rau, củ, quả của Trung tâm Giống cây trồng Nam Định, xã Liên Bảo (Vụ Bản). Cùng với 10 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã được xây dựng thành công, có 3 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đang trong giai đoạn hoàn thiện như: sản xuất trứng gà sạch Công Phượng (Hải Hậu), sản xuất thịt lợn sạch HTX Yên Lợi (Ý Yên), sản xuất rau an toàn Loan Chinh (Hải Hậu). Ngoài ra, một số mô hình liên kết tiêu thụ thực phẩm an toàn cũng đang hình thành như: rau hữu cơ, rau an toàn của Cty CP Rau, củ, quả Ngọc Anh; mô hình liên kết chăn nuôi, tiêu thụ thịt lợn, thịt gà của HTX CCB Vạn Xuân Trường; su hào, cà rốt, củ cải sấy khô (Hải Hậu); cá nướng, bề bề rang muối, cáy mật Dũng Oanh (Nam Trực)… và hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch cùng với hệ thống siêu thị Big C, Micom, Co.opmart mỗi ngày cung cấp ra thị trường hàng tấn rau, củ, quả, thịt lợn, thịt gà, hải sản... Trong đó, nhiều cửa hàng đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP như: Cửa hàng rau sạch Sunday, cửa hàng thực phẩm sạch Linh Chi, cửa hàng Minh Long, cửa hàng hoa quả sạch nhập khẩu, cửa hàng Hậu Lan… Đến nay, các cửa hàng, các chuỗi thực phẩm an toàn vẫn duy trì, không ngừng phát triển về số lượng tiêu thụ sản phẩm cũng như mở rộng chủng loại hàng hóa.

Từ khi triển khai được các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, đã nhận được tín hiệu tốt từ phía nhà cung ứng nguyên liệu đến người tiêu dùng. Tham gia chuỗi, mô hình sẽ được quản lý chất lượng tất cả các khâu từ nuôi trồng, khai thác, vận chuyển, đánh bắt, sơ chế và chế biến… theo một quy trình khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Lợi ích của việc tham gia mô hình chuỗi là có thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn, truy xuất được nguồn gốc, xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm. Khi chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ hình thành, ngoài người tiêu dùng nhận được lợi ích, thì người sản xuất, kinh doanh cũng được đảm bảo đầu ra, tăng sản lượng và giá trị sản phẩm, ổn định sản xuất, kinh doanh. Anh Trần Đức Tuệ, Giám đốc Cty TNHH Tuệ Hương (TP Nam Định) cho biết: “Tôi thấy việc tham gia mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có những lợi ích rất thiết thực như: Người mua hàng yên tâm và tin tưởng khi tiêu thụ sản phẩm, tạo được đầu ra ổn định, giúp người sản xuất ổn định sản xuất, còn nguồn thức ăn thì ký hợp đồng tiêu thụ trực tiếp với Cty, không phải qua trung gian nên giá thành giảm”.

Hoạt động chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đang hình thành ngày càng nhiều trên địa bàn tỉnh, đã tạo bước đột phá mới, nâng cao trình độ sản xuất và thu nhập cho người sản xuất. Tuy nhiên từ thực tế sản xuất cho thấy khâu kết nối theo chuỗi vẫn còn nhiều hạn chế. Để triển khai hiệu quả mô hình này, cần phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, từ khâu nuôi trồng, canh tác đến thu hoạch và chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Về phía người dân, nếu cứ theo tập quán sản xuất, nuôi trồng nhỏ lẻ thì sẽ không thể kiểm soát được vệ sinh ATTP do vậy cần tổ chức các mô hình và các HTX. Về phía các doanh nghiệp, việc tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn còn thiếu chặt chẽ. Có những chuỗi sản phẩm doanh nghiệp chỉ tham gia ở khâu cung ứng đầu vào, thiếu đơn vị đứng ra bao tiêu, chế biến, bảo quản và vận chuyển, dẫn đến sản phẩm người dân làm ra đảm bảo an toàn, nhưng khâu vận chuyển, tiêu thụ chưa đồng bộ nên sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng chất lượng thấp. Do đó để mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được mở rộng, phải xã hội hóa các “mắt xích” trong chuỗi. Đồng thời việc hình thành mới các chuỗi liên kết cần dựa vào các tiêu chí căn bản, cụ thể của mô hình chuỗi an toàn như: Các đối tác tham gia phải đảm bảo đầy đủ nuôi trồng, thu mua, sơ chế, chế biến, kinh doanh; có sự liên kết ổn định và phải tuân thủ đầy đủ các khâu về ATTP, từ đó mới có khả năng cung ứng ổn định các sản phẩm bảo đảm chất lượng ATTP. Mặt khác, để các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn phát huy hiệu quả từ việc thiết lập, kết nối cung - cầu, đưa thực phẩm an toàn đến tận tay người tiêu dùng, cần tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, xã hội hóa xây dựng chuỗi cung ứng với sự tham gia của các kênh phân phối. Xây dựng mô hình về chợ kinh doanh thực phẩm an toàn. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đồng thời, thực hiện các chương trình tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng thực phẩm bền vững. Đặc biệt, cần khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục áp dụng hệ thống quản lý chất lượng như VietGAP, HACCP, ISO và đăng ký cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trong sản xuất, kinh doanh… Tăng cường tuyên truyền, kết nối, giám sát để có thị trường thực phẩm an toàn. Quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng các chợ truyền thống; tổ chức các vùng sản xuất thực phẩm an toàn cung ứng cho các kênh phân phối trên địa bàn. Sở Y tế, Sở NN và PTNT phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương và các ngành liên quan tổ chức triển khai chương trình kết nối để hỗ trợ tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm thực phẩm an toàn./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com