Tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

08:04, 27/04/2018

Giáo dục kỹ năng sống là dạy cho người học những kỹ năng cơ bản, cần thiết, hướng tới hình thành những thói quen tốt như tự tin, chủ động xử lý linh hoạt các tình huống trong cuộc sống. Kỹ năng sống có ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của mỗi học sinh nên những năm qua, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo, lồng ghép, tích hợp vào các hoạt động, chương trình giảng dạy ở các nhà trường. Theo đó, bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy và học các cơ sở giáo dục đã quan tâm rèn luyện kỹ năng sống, ý thức trách nhiệm cho học sinh.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Giao Thủy vừa phối hợp với Trung tâm DS-KHHGĐ huyện tổ chức hoạt động ngoại khóa: “Tìm hiểu kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) cho vị thành niên” đã thu hút học sinh tham gia. Những kiến thức cần thiết về CSSKSS cho vị thành niên, hướng dẫn các em tự vệ sinh thân thể, chăm sóc sức khỏe bản thân, đặc biệt là CSSKSS đã truyền tải tới học sinh trong trường. Bên cạnh đó, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện cũng hướng dẫn các em nữ cách xử lý các tình huống để tự bảo vệ mình trong những tình huống có thể bị xâm hại, lợi dụng; tổ chức cho các em tham gia trò chơi với các câu hỏi về giới tính, CSSKSS và tham gia phần thi “Tập làm người tư vấn”. Với vai trò là một người tư vấn kiến thức cho các bạn cùng trang lứa, các em đã thể hiện sự hiểu biết, cung cấp cho các bạn những thắc mắc về giới tính và sức khỏe. Tuy những kiến thức tư vấn của các em chưa thật đầy đủ, chi tiết nhưng đã tạo không khí vui vẻ, sôi nổi cho buổi hoạt động ngoại khóa, đồng thời truyền tải những kiến thức về CSSKSS, nhất là đối với nữ sinh không chỉ biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân mà còn có thể tự bảo vệ mình trong các tình huống nguy hiểm… 

Cô và trò Trường Mầm non Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng) trong một giờ ngoại khóa.
Cô và trò Trường Mầm non Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng) trong một giờ ngoại khóa.

Đến Trường Tiểu học Nam Đồng (Nam Trực) qua cách giao tiếp, trò chuyện giữa người lớn với học sinh cho thấy nhiều em khá bạo dạn, tự tin, biết cách chào hỏi, xưng hô, trả lời rành mạch, rõ ràng những câu hỏi… Cô giáo Lê Thị Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Cùng với công tác giáo dục về văn hóa, đạo đức, nhà trường đã quan tâm thực hiện công tác giáo dục kỹ năng sống vì nhận thấy đây là hoạt động cần thiết nhằm hình thành cho học sinh kỹ năng giao tiếp cơ bản với cha mẹ, thầy cô, bạn bè; kỹ năng xây dựng tình bạn đẹp, kỹ năng kiên trì trong học tập; kỹ năng đúng giờ và làm việc theo yêu cầu, kỹ năng đồng cảm,... tạo tiền đề cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất, học vấn và năng lực của học sinh. Nhà trường đã có nhiều hình thức để tiến hành hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học phù hợp với điều kiện. Vào các giờ lên lớp, nội dung giáo dục kỹ năng sống được lồng ghép trong các môn học. Mỗi giáo viên đều biết ứng dụng những bài học thực tế, những câu chuyện… để làm sinh động nội dung bài giảng. Đặc biệt, nhà trường đã duy trì hiệu quả các tiết dạy của môn thể dục nội khóa, thể dục giữa giờ, múa hát tập thể ở sân trường, chơi các trò chơi dân gian… để gắn kết các em với các hoạt động tập thể. Từ công tác xã hội hóa, nhà trường đã xây dựng được 10 thư viện lớp học để học sinh được tiếp cận với các nguồn sách, báo, truyện, nâng cao kiến thức, hiểu biết về các lĩnh vực xã hội. Qua kết quả đánh giá học sinh theo Thông tư 30, năm học vừa qua, 100% học sinh hoàn thành về kỹ năng, kiến thức, năng lực, phẩm chất.

Cùng với công tác giáo dục về văn hóa, đạo đức, những năm qua các trường học trong tỉnh luôn quan tâm thực hiện công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Đối với các trường mầm non, giáo dục kỹ năng sống được thực hiện thiết thực như tập trung hình thành cho học sinh kỹ năng giao tiếp cơ bản như: kỹ năng giao tiếp với cha mẹ, thầy cô, bạn bè; kỹ năng xây dựng tình bạn đẹp, kỹ năng kiên trì trong học tập; kỹ năng đúng giờ và làm việc theo yêu cầu, kỹ năng đồng cảm,... tạo tiền đề cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất, học vấn và năng lực của học sinh. Ở các trường tiểu học, THCS, THPT và các trung tâm GDTX, bên cạnh các hoạt động ngoại khóa, việc rèn luyện các kỹ năng sống cho học sinh đã được lồng ghép, tích hợp trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp và ở một số môn học theo hướng dẫn của Bộ GD và ĐT. Khi học môn Vật lý, Sinh học, Địa lý, học sinh sẽ có thêm kỹ năng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Hay như với môn Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân, học sinh được giáo dục sâu sắc về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Các nhà trường còn tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy và học theo hướng tăng cường hoạt động học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong và ngoài nhà trường, tập trung vào việc giáo dục những kỹ năng sống cơ bản, qua đó hình thành cho học sinh các giá trị sống, kỹ năng sống tích cực. Bên cạnh đó, giáo dục kỹ năng sống còn được các nhà trường gắn với các hoạt động cụ thể như: xây dựng các hoạt động ngoại khóa thông qua các cuộc thi văn nghệ gắn với giáo dục giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc, của quê hương... Đồng thời tăng cường các trò chơi vận động ngoài trời, giúp các em tìm ra khái niệm bài học dựa trên cảm nhận các bài hát, các câu truyện cười, các bài học đạo đức, các tác phẩm văn học nghệ thuật… để các em suy ngẫm rút ra ý nghĩa bài học. Các em sẽ được học các giá trị cơ bản trước và học các kỹ năng dựa trên các giá trị này, nhằm hình thành cách tư duy linh hoạt, phong thái tự tin khi hòa nhập với cộng đồng, đồng thời giúp các em sống nhân văn, biết yêu thương và có trách nhiệm hơn với những người xung quanh và chính bản thân mình.

Việc rèn luyện kỹ năng sống dù ở hình thức nào cũng trang bị cho học sinh những kiến thức cần thiết về cuộc sống. Bên cạnh sự “vào cuộc” của ngành GD và ĐT thì gia đình là một môi trường rèn luyện tốt nhất để các em có thể phát triển kỹ năng sống đầy đủ, trưởng thành về mọi mặt. Khi được trang bị các kỹ năng sống cần thiết cùng ý thức vươn lên trong học tập, chắc chắn các em sẽ trở thành người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội./. 

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com