Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 Bảo tàng gồm: Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng đồng quê và 4 Bảo tàng ở các huyện Hải Hậu, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh, hơn 50 nhà truyền thống của các địa phương, cơ quan, trường học. Các bảo tàng, nhà truyền thống là nơi lưu giữ nhiều hiện vật là minh chứng cụ thể về lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân tỉnh ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Cán bộ Bảo tàng tỉnh giới thiệu các hiện vật thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ. |
Trong dịp kỷ niệm 43 năm Chiến thắng 30-4, nhiều đoàn khách là CCB, học sinh, sinh viên đã đến tham quan, tìm hiểu các hiện vật thời kỳ chống Mỹ cứu nước ở Bảo tàng tỉnh. Trong gần 20 nghìn tài liệu, hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, có trên 600 hiện vật liên quan tới thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của quân và dân Nam Định (1954-1975). Các hiện vật thời kỳ kháng chiến chống Mỹ sắp xếp khoa học theo nhóm được lưu trữ trong kho hiện vật khối, kho phim ảnh, kho tư liệu giấy sau đó được nghiên cứu, lựa chọn phục vụ công tác trưng bày. Trong số các nhóm hiện vật, nhóm hiện vật minh chứng tội ác của đế quốc Mỹ trên quê hương Nam Định có giá trị lịch sử sâu sắc. Ở đó có các cơ sở sản xuất công nghiệp bị đánh phá ác liệt, khu dân cư nhiều nơi bị thiêu cháy; có những gia đình chưa kịp sơ tán bị bom Mỹ sát hại... Tiêu biểu là bức ảnh số hiệu 6573 chụp cảnh nhà ông Mỹ Hòa số 26 đường Lê Hồng Phong (TP Nam Định) bị bom Mỹ hủy diệt trong trận đánh bom ngày 26-9-1972 làm 6 người chết là một trong những bằng chứng tố cáo tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ. Nhóm hiện vật phản ánh cảnh người dân gián tiếp tham gia chiến đấu góp phần làm nên thắng lợi vang dội của quân và dân Nam Định trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ đã khẳng định tình quân dân một lòng quyết tâm đánh đuổi quân thù. Đó là bộ quang gánh của mẹ Mít dùng để gánh nước và hoa quả ra trận địa phục vụ bộ đội trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ 1965-1969; chông quay tự tạo để bố phòng bờ biển; chiếc gầu dây dùng để tát nước, xây dựng trận địa phòng không bảo vệ Thành phố Nam Định đầu năm 1965; những chiếc bát sử dụng để đựng nước uống hay đựng cơm, cháo phục vụ bộ đội những năm 1967-1968; chiếc liềm của dân quân xã Hải Thịnh (Hải Hậu) dùng để cắt cỏ, ngụy trang địch trong trận địa chiến đấu bắn máy bay Mỹ... Vừa qua, Bảo tàng tỉnh đã tiếp nhận 1.400 hiện vật của Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh, trong đó có nhiều hiện vật về thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tiêu biểu như những lá thư của chiến sĩ, các vũ khí, các trang phục của bộ đội ta, các đồ vật như hũ sành, bồ, khay, những tấm hình chụp những chiến sĩ trẻ ra trận và hy sinh khi vừa mười tám, đôi mươi, những cuốn nhật ký, sổ tay, sáng tác thơ... Trong đó, chiếc hũ sành số hiệu 388 là kỷ vật của Bà mẹ VNAH Tạ Thị Uôn ở xã Trung Thành (Vụ Bản) gắn với câu chuyện cảm động. Mẹ VNAH Tạ Thị Uôn có 3 người con trai, sau khi 2 người anh hy sinh, người con trai út của mẹ đã xung phong lên đường để trả nợ nước, thù nhà. Từ ngày anh lên đường, mỗi ngày mẹ bỏ vào hũ sành 1 hạt đậu xanh để vơi đi niềm thương nhớ con và cầu mong con chiến thắng trở về. Nhưng khi chiến tranh kết thúc cũng là lúc mẹ nhận được tờ giấy báo tử thứ 3. Thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức các hoạt động tham quan, tìm hiểu lịch sử quê hương. Đặc biệt vào dịp kỷ niệm Chiến thắng 30-4, nhiều cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh tham quan Bảo tàng tỉnh và sau đó học sinh làm bài thu hoạch, trình bày trước lớp những bài tiêu biểu qua đó giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương cho thế hệ trẻ.
Cùng với Bảo tàng tỉnh, ở các Bảo tàng huyện, nhà truyền thống, các hiện vật liên quan đến thời kỳ kháng chiến luôn được quan tâm, phát huy giá trị. Được xây dựng từ năm 2008, Bảo tàng huyện Nam Trực là nơi lưu giữ những tài liệu, hình ảnh, hiện vật gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của các bậc danh nhân, các vị anh hùng dân tộc, các chiến sĩ cách mạng đã có công trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Không gian trưng bày của Bảo tàng được chia làm 5 phần, trong đó phần 2 trưng bày hiện vật 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của Đảng bộ và nhân dân trong huyện. Đến nay, Bảo tàng huyện đã có trên 300 tài liệu, hiện vật, hình ảnh có giá trị về lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, trong đó phần lớn các hiện vật ở thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Bảo tàng huyện Nam Trực thường xuyên phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức cho học sinh đến tham quan, tìm hiểu các giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống, cách mạng của quê hương.
Bảo tàng huyện Hải Hậu lưu giữ, trưng bày gần 4.000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh có giá trị về lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, trong đó có nhiều hiện vật liên quan đến cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tiêu biểu như: Túi thuốc phòng không dùng trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; sách của học sinh bị máy bay Mỹ bắn cháy ở thôn An Nghĩa (1972); thóc cháy do máy bay Mỹ ném bom phá hoại khu An Nghĩa (1972); dây treo kẻng xã Hải Lý báo động trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ... Đặc biệt, hiện vật Sa bàn Hải Thịnh đất lửa anh hùng tái hiện lại chiến công của 13 dân quân xã Hải Thịnh giương buồm ra khơi ứng cứu kịp thời 2 tàu chiến hải quân trên vùng biển Hải Thịnh đang bị tốp máy bay Mỹ F4 điên cuồng bắn phá vào ngày 22-5-1965. Sau hơn 1 tiếng vật lộn với sóng gió và bom đạn, các chiến sĩ dân quân Hải Thịnh đã cứu được 32 thủy thủ trở về đất liền. Đây là chiến công đầu tiên của quân dân Hải Thịnh và cũng là chiến thắng mở đầu trên địa bàn huyện Hải Hậu. Để phát huy giá trị lịch sử các hiện vật ở bảo tàng, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng VH-TT, Trung tâm VH-TT huyện phối hợp với Phòng GD và ĐT tổ chức cho học sinh tham quan, nghiên cứu, học tập.
Các hiện vật thời kỳ cách mạng được các bảo tàng trên địa bàn tỉnh sưu tầm, phát huy giá trị đã góp phần bổ sung kiến thức lịch sử cho nhân dân. Đặc biệt thông qua các hoạt động trải nghiệm tham quan của các trường học tại các bảo tàng, những hiện vật tố cáo tội ác của giặc và gắn với chiến công của ta đã góp phần tuyên truyền lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống cho học sinh./.
Bài và ảnh: Viết Dư