Đổi thay ở huyện nông thôn mới Nghĩa Hưng

08:04, 13/04/2018

Sau 7 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Nghĩa Hưng đã về đích trọn vẹn. Nhờ có sự chung sức, đồng lòng xây dựng NTM của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong huyện mà bức tranh làng quê Nghĩa Hưng trở nên bừng sáng bởi diện mạo khang trang, sạch đẹp.

Về xã Nghĩa Minh - nơi đầu tiên của tỉnh thực hiện xây dựng NTM theo phương châm “Dân làm - Dân hưởng”, chúng tôi cảm nhận rõ nét những đổi thay ở nơi đây. Không còn những con đường sỏi đá gồ ghề, đường liên thôn, liên xã… ở Nghĩa Minh được mở rộng, bê tông hóa, trải nhựa kiên cố sạch đẹp. Hai bên đường là hàng cây xanh mướt. Chủ tịch UBND xã Trịnh Minh Tuấn cho biết: Khi bắt tay vào thực hiện, Nghĩa Minh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu được rõ mục đích cuối cùng của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho họ. Từ đó đổi mới tư duy, thay đổi nếp nghĩ và cách làm ăn theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn. Xã kiến thiết lại đồng ruộng, thực hiện dồn điền đổi thửa tạo quỹ đất xây dựng cánh đồng mẫu lớn; huy động mọi nguồn lực xã hội để xây dựng các công trình “đường - trường - trạm” phát triển sản xuất và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Sau 3 năm (2011-2013) biết chọn cho mình hướng đi đúng, trúng nên Nghĩa Minh đã là một trong 12 xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn xã NTM. Sau khi được công nhận xã NTM, Nghĩa Minh tiếp tục duy trì và phát triển các tiêu chí NTM. Hiện xã đã xây dựng hoàn thành cụm công nghiệp tập trung, giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động. Nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa với mô hình liên kết sản xuất dược liệu với Cty CP Dược phẩm Hoa Thiên Phú. Cảnh quan, môi trường ngày càng sạch, đẹp. Đời sống nhân dân được nâng cao và ngày càng giảm tỷ lệ kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp… Chúng tôi qua Nam Điền - nơi được ví là xã NTM “xanh” bởi màu xanh của dược liệu, rau màu và những ô thửa nuôi trồng thủy sản vuông vắn, đẹp đẽ… Vốn là xã giáp biển, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, xâm nhập mặn và giao thông khó khăn nên Nam Điền gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ xây dựng NTM, đến nay, toàn bộ 100% đê biển ở Nam Điền đã được bê tông. Xã thực hiện quy hoạch và chuyển đổi đất trồng lúa nhiễm mặn sang nuôi trồng thuỷ sản và trồng rau màu, cây dược liệu hiệu quả gấp 3-5 lần so với trồng lúa. Do sản xuất phát triển, có thu nhập cao nên đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Nam Điền đã đổi thay từng ngày: Nhiều nhà kiên cố được xây mới, đường giao thông nông thôn được đổ bê tông và mở rộng, nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang… Nam Điền trở thành miền quê trù phú đi lên từ sản xuất nông nghiệp.

Diện mạo xã nông thôn mới Nghĩa Trung.
Diện mạo xã nông thôn mới Nghĩa Trung.

Nghĩa Minh và Nam Điền là hai minh chứng tiêu biểu cho sức mạnh vượt lên tất cả trên chặng đường xây dựng NTM đầy khó khăn của huyện Nghĩa Hưng. Còn nhớ, ngày đầu thực hiện xây dựng NTM, Nghĩa Hưng gặp muôn vàn khó khăn, thử thách. Địa hình thấp và ở vị trí ven biển, cùng với tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đã gây tác động xấu đến phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển nông nghiệp của huyện. Trong khi đó, trình độ sản xuất của người dân còn lạc hậu; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, năng suất lao động, thu nhập từ nông nghiệp thấp. Ngành dịch vụ phát triển chậm, chưa khai thác được hết các tiềm năng, nhất là dịch vụ kinh tế biển… Và xây dựng NTM là một cuộc cách mạng đổi mới chưa từng có trên miền quê biển giàu truyền thống cách mạng này. Theo đồng chí Sái Hồng Thanh, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể. Với quyết tâm cao của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo các giải pháp xây dựng NTM, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tạo sự đồng thuận, tham gia tích cực, huy động cao các nguồn lực và đóng góp của nhân dân cả về trí tuệ, công sức và tài chính. Huy động được sự vào cuộc tích cực của những người có uy tín trong cộng đồng, vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và các chức sắc tôn giáo trong vận động xây dựng NTM. Qua đó đã đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại phục vụ có hiệu quả yêu cầu về phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp được quan tâm đổi mới theo hướng tăng cường liên kết sản xuất hàng hoá kết hợp với đẩy mạnh phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; cơ cấu kinh tế của huyện chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản; tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; thu nhập, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường ngày càng được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và ngày càng phát triển; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự xã hội được đảm bảo; hệ thống tổ chức chính trị ngày càng vững mạnh, dân chủ ở cơ sở được phát huy. Sau 7 năm, Nghĩa Hưng đã huy động được trên 2.300 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng NTM; trong đó ngân sách Trung ương gần 420 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 1.200 tỷ đồng, ngân sách huyện 82,819 tỷ đồng, ngân sách xã 255,356 tỷ đồng, doanh nghiệp trên 100 tỷ đồng và nhân dân đóng góp hơn 243 tỷ đồng. Đến tháng 5-2017, Nghĩa Hưng có 22/22 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí theo Quyết định 1980/QĐ-TTg và không còn nợ đọng xây dựng cơ bản. Đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện; đường trục thôn, xóm và đường liên thôn, xóm; đường ngõ được nhựa hóa hoặc bê tông hóa 100%. Đường trục chính nội đồng được bê tông hóa trên 90%, đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của 23/23 trường mầm non, 30/30 trường tiểu học và 22/22 trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện đều đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia là 100%. Tất cả các xã trên địa bàn huyện đều có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của toàn xã; có điểm vui chơi, giải trí, tập luyện thể thao cho trẻ em và người cao tuổi theo quy định. Trong 22 xã có 261 thôn, xóm đều có nhà văn hóa theo quy định. Trên địa bàn huyện không còn nhà tạm, nhà dột nát; tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định đạt 100%. Giá trị thu được bình quân trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 113 triệu đồng/ha năm. Trên địa bàn huyện có 176 doanh nghiệp đang hoạt động đã giải quyết việc làm cho 6.800 lao động. Các địa phương có nghề truyền thống hằng năm giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động. Đến hết năm 2017 tỷ lệ lao động có việc làm đạt trên 95%. Thu nhập bình quân đầu người của các xã trên địa bàn huyện năm 2017 đạt 39,8 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,74%. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 87,22%, 99,6% người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Mỗi xã đều có 1 khu xử lý rác thải…

Đến tháng 6-2017, Nghĩa Hưng đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM. Với những kết quả đã đạt được, ngày 24-11-2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1866/QĐ-TTg công nhận huyện Nghĩa Hưng đạt chuẩn NTM năm 2017. Tới đây, huyện Nghĩa Hưng sẽ long trọng tổ chức Lễ công bố và đón nhận Bằng công nhận Huyện đạt chuẩn NTM. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Nghĩa Hưng. Để duy trì và phát triển kết quả đó, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghĩa Hưng tiếp tục nâng cao chất lượng 19 tiêu chí xã NTM và 9 tiêu chí huyện NTM theo hướng bền vững, tạo đột phá trong phát triển kinh tế; triển khai toàn diện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng NTM. Phát triển kinh tế gắn kết hài hoà với phát triển văn hoá - xã hội và bảo vệ môi trường; chăm lo, nâng cao đời sống của nhân dân; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và đồng thuận xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com