Những năm trước nguồn nhân lực y tế của tỉnh thiếu về số lượng và chưa đảm bảo về chất lượng, nhất là đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và dược sĩ đại học. Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy ngành Y tế liên tục có sự thay đổi, nhiều đầu mối dẫn đến lực lượng bác sĩ bị phân tán, biến động. Năm 2004, mô hình tổ chức ngành Y tế thực hiện theo Nghị định 171, 172 và đến năm 2008 được thay đổi theo Nghị định 13, 14 của Chính phủ về quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND huyện. Năm 2006, thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BYT-BNV của liên bộ Bộ Y tế - Bộ Nội vụ: Thành lập Phòng Y tế thuộc UBND huyện, thị, thành phố, chia tách Trung tâm Y tế huyện thành Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Y tế dự phòng trực thuộc Sở Y tế. Năm 2008, thực hiện Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 25-4-2008 của liên bộ Bộ Y tế - Bộ Nội vụ: Sáp nhập chức năng dân số về y tế, tiếp nhận quản lý trạm y tế xã, thành lập các Chi cục Dân số - KHHGĐ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện và đơn vị sự nghiệp khác thuộc Sở Y tế. Đến tháng 10-2010, Trung tâm y tế dự phòng các huyện đổi tên thành Trung tâm y tế huyện. Tháng 12-2017, thực hiện Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV của liên bộ Bộ Y tế - Bộ Nội vụ: Thành lập Trung tâm y tế huyện trên cơ sở sáp nhập bệnh viện đa khoa huyện và trung tâm y tế huyện. Trước nhu cầu khám, chữa bệnh chất lượng cao của nhân dân ngày càng tăng, so với quy định và mục tiêu của Bộ Y tế là phấn đấu đến năm 2020 có 9 bác sĩ, 2 dược sĩ đại học/1 vạn dân, thì nguồn nhân lực y tế tỉnh ta thiếu về số lượng ở tất cả các tuyến, nhất là bác sĩ và dược sĩ đại học. Về chất lượng nguồn nhân lực, chưa có nhiều cán bộ giỏi, chuyên gia đầu ngành. Sự phân bố các tuyến đối với bác sĩ và dược sĩ đại học trên địa bàn không đồng đều, tập trung chủ yếu ở tuyến tỉnh và cơ sở điều trị. Tình trạng mất cân đối về nhân lực y tế còn xảy ra giữa các chuyên ngành như truyền nhiễm, tâm thần, xét nghiệm, y tế dự phòng… dẫn đến thực trạng là tại các bệnh viện, các chuyên ngành trên và các trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã thiếu bác sĩ...
Khám bệnh cho bệnh nhân ở Trung tâm Y tế huyện Vụ Bản. |
Từ thực trạng trên, thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực y tế. Được sự quan tâm của tỉnh, Sở Y tế đã tăng cường công tác đào tạo cán bộ y tế như: cử bác sĩ đi đào tạo sau đại học, đào tạo đại học theo địa chỉ sử dụng… từng bước khắc phục khó khăn về nguồn nhân lực cho y tế các tuyến. Từ năm 2013-2016 Sở Y tế đã cử 63 cán bộ đi học và tốt nghiệp bác sĩ. Năm 2017, Sở Y tế đã xây dựng khung năng lực vị trí việc làm theo Quyết định số 2041/QĐ-BNV ngày 31-12-2015 trình UBND tỉnh phê duyệt; hoàn thành việc tuyển dụng 1.355 cán bộ y tế xã, phường, thị trấn đang hợp đồng trong định biên theo Quyết định 58/TTg của Thủ tướng Chính phủ thành viên chức y tế theo Nghị định 117/2014/NĐ-CP ngày 8-12-2014; hoàn thành việc tuyển dụng bác sĩ, dược sĩ đại học theo Văn bản 549/UBND-VP8 ngày 24-11-2016 của UBND tỉnh. Kết quả đã tuyển 7 dược sĩ đại học, 60 bác sĩ, trong đó 34 bác sĩ đa khoa, 15 bác sĩ y học dự phòng, 8 bác sĩ y học cổ truyền, 3 bác sĩ liên thông hệ 4 năm công tác tại trạm y tế xã. Cũng trong năm 2017, Sở Y tế đã xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức về chuyên môn, chính trị, cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch đã được phê duyệt; thực hiện việc đào tạo liên tục cho cán bộ chuyên môn theo Thông tư 22 của Bộ Y tế về Hướng dẫn đào tạo liên tục trong lĩnh vực y tế. Các đơn vị y tế tuyến tỉnh đã được Bộ Y tế cấp mã đào tạo, làm cơ sở để triển khai đào tạo liên tục cho cán bộ y tế các tuyến, bao gồm cả y tế ngoài công lập. Đến nay, ngành Y tế đã có 4.395 cán bộ y tế ở cả 3 tuyến (đạt tỷ lệ 23,74/1 vạn dân), trong đó có 1.290 bác sĩ (đạt tỷ lệ 6,69 bác sĩ/1 vạn dân). 75 người có trình độ dược sĩ đại học, đạt 0,4 dược sĩ/1 vạn dân. Theo Quy hoạch phát triển ngành Y tế đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt, đến năm 2015-2020, phấn đấu 9 bác sĩ/1 vạn dân; 2,5 dược sĩ đại học/1 vạn dân; 100% trạm y tế xã có bác sĩ. Tính đến thời điểm hiện tại tỉnh ta mới có 6,69 bác sĩ/1 vạn dân và 204/229 trạm y tế xã có bác sĩ (đạt tỷ lệ 89%). Như vậy, dự tính đến năm 2020 tỉnh ta cần bổ sung thêm 762 bác sĩ. Tuy nhiên việc tuyển dụng một số vị trí kỹ thuật cao như bác sĩ, dược sĩ đại học, kỹ thuật viên y tế đặc biệt khó khăn do không có nguồn nên tình trạng thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là bác sĩ xảy ra ở hầu hết các đơn vị y tế.
Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, ngành Y tế cần tiếp tục tăng cường đào tạo mới, đào tạo lại cán bộ chuyên khoa, định hướng đào tạo chuyên sâu, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cập nhật kiến thức chuyên môn cho cán bộ, duy trì thường xuyên công tác chỉ đạo tuyến. Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phụ sản tỉnh, Bệnh viện Nhi tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện Xuân Trường, Giao Thuỷ, Ý Yên thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, chuyển giao kỹ thuật của các bệnh viện Trung ương trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới. Bệnh viện Phụ sản tỉnh, Bệnh viện Nội tiết tỉnh, Bệnh viện Nhi tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục triển khai dự án bệnh viện vệ tinh của bệnh viện Trung ương, đảm bảo đủ cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để tiếp nhận việc đào tạo và chuyển giao kỹ thuật. Tiếp tục triển khai Dự án “Giáo dục và Đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế” tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2020 tại Trường Trung cấp Y, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phụ sản tỉnh, Bệnh viện Hải Hậu, Trung tâm y tế các huyện Hải Hậu, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên và 229/229 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh cần tăng cường các chính sách thu hút các bác sĩ, dược sĩ mới ra trường về công tác. Tạo điều kiện cho bác sĩ đi học chuyên khoa cấp I, II, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các trường đại học, không khống chế thời gian. Giành nguồn kinh phí đào tạo thích hợp cho ngành Y tế, nhằm đào tạo đủ nguồn nhân lực chất lượng cao. Chú trọng phát triển hình thức đào tạo theo địa chỉ, đi đôi với việc khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia học tại một số ngành còn thiếu nhân lực như: dược, y tế dự phòng, khám chữa bệnh chuyên khoa HIV/AIDS, nhi… đáp ứng yêu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới./.
Bài và ảnh: Minh Thuận