Tỉnh ta hiện là đơn vị dẫn đầu toàn quốc về phong trào xây dựng NTM. Để góp phần cùng với các cấp, các ngành tham gia xây dựng NTM, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã triển khai đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong các hoạt động như: giữ gìn vệ sinh, làm đẹp cảnh quan môi trường; thực hành tiết kiệm mua thẻ BHYT; phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tài chính, tạo nguồn vốn hỗ trợ hội viên, phụ nữ vay phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cơ sở đan cói xuất khẩu của hội viên, phụ nữ xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng). |
Hằng năm, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội triển khai các nhiệm vụ công tác trọng tâm gắn với triển khai thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ Nam Định chung sức xây dựng NTM”, trong đó chú trọng xây dựng các mô hình: phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường; mô hình tiết kiệm mua BHYT; mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết, HTX do phụ nữ quản lý. Các cấp Hội còn tăng cường phối hợp với các ngành chức năng vận động các nguồn lực, kết hợp triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, tham gia chương trình xây dựng NTM tại địa phương với phương châm phát huy nội lực của phụ nữ để chăm lo, giải quyết những vấn đề của phụ nữ, xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ. Nổi bật là hoạt động bảo vệ môi trường, các cấp Hội đã phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia trồng cây xanh, trồng hoa ven đường, duy trì mô hình phụ nữ tự quản, thu gom rác thải bảo vệ môi trường, tham gia xây dựng NTM. Tiêu biểu như các mô hình: “Tuyến phố văn minh đô thị do phụ nữ tự quản”; “Tuyến đường hoa”; “Dòng sông không rác thải”; “Tổ hợp tác thu gom rác thải” xã Nam Hùng (Nam Trực); “Hộ gia đình sản xuất sạch” xã Nam Phong (TP Nam Định); “Gia đình phụ nữ Công giáo gương mẫu” xã Xuân Ngọc (Xuân Trường); “Gia đình NTM ” tại 35/35 xã, thị trấn của huyện Hải Hậu; “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường làng nghề” xã Quang Trung (Vụ Bản); “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường khu vực biển, góp phần xây dựng NTM” xã Giao Long (Giao Thủy)… Bên cạnh phong trào bảo vệ môi trường, các cấp Hội chú trọng tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia phong trào hiến đất, tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế… thu hút sự tham gia tích cực của cán bộ, hội viên phụ nữ, phát huy được sức mạnh từ nội lực, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư. Nhiều gia đình hội viên đã hiến hàng trăm m2 đất; tham gia ngày công lao động để xây dựng các công trình như nhà văn hóa thôn, xóm, đường dong, ngõ xóm, kênh mương nội đồng… Để nâng cao tỷ lệ hội viên, phụ nữ tham gia BHYT, Hội LHPN tỉnh đã thành lập thí điểm 3 mô hình “Nhóm phụ nữ thực hành tiết kiệm mua BHYT - Vì sức khỏe gia đình” ban đầu thu hút 81 hội viên, phụ nữ tham gia. Đến nay, toàn tỉnh có 777 chi hội phụ nữ triển khai thực hiện “Nhóm phụ nữ tiết kiệm mua BHYT - Vì sức khỏe gia đình” với tổng số 1.064 nhóm, thu hút 13.199 hội viên, phụ nữ tham gia. Tổng số tiền tiết kiệm được trên 1 tỷ đồng, mua 15.814 thẻ BHYT cho các thành viên trong nhóm và người thân trong gia đình. Nhờ đó, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân của tỉnh đến hết năm 2017 là 83,5%. Ngoài ra, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã chủ động, tích cực triển khai nhiều biện pháp giúp đỡ tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ nỗ lực, tự tin, mạnh dạn phát triển kinh tế, có việc làm, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo. Cùng với việc hỗ trợ vốn vay cho hội viên phụ nữ, các cấp Hội tập trung xây dựng mô hình tạo việc làm thu hút phụ nữ tham gia. Tiêu biểu như các mô hình: “Tổ phụ nữ sản xuất lúa chất lượng cao” xã Giao Hà (Giao Thủy); “HTX dược liệu xã Hải Lộc”, “Tổ liên kết nuôi giun quế trong trồng trọt và chăn nuôi” xã Hải Sơn, Hải Chính (Hải Hậu); “Tổ phụ nữ làm hoa nhựa” xã Trực Thuận (Trực Ninh); “Tổ phụ nữ liên kết nuôi trồng thủy hải sản” xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng); “Tổ liên kết sản xuất rau an toàn” xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc)… Đến nay, Hội LHPN tỉnh đã thành lập được 12 mô hình tổ hợp tác, tổ phụ nữ liên kết phát triển ngành nghề và HTX, tạo sự gắn kết, nâng cao khả năng cạnh tranh, uy tín, đáp ứng nhu cầu cung ứng hàng hoá theo chuỗi giá trị. Bước đầu hoạt động của các mô hình đã tác động làm thay đổi nhận thức, tư duy, thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, đồng thời thúc đẩy hội viên, phụ nữ tăng cường sự gắn kết để trao đổi kinh nghiệm và hợp tác liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa bảo đảm chất lượng cao, đặc biệt thúc đẩy thành lập các nhóm tự lực của phụ nữ nhằm nâng cao quyền năng, sự đóng góp của phụ nữ trong lĩnh vực phát triển kinh tế.
Để tiếp tục tham gia xây dựng NTM, giai đoạn 2017-2020, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm, chủ động xây dựng kế hoạch và đăng ký với cấp ủy, chính quyền địa phương về các phần việc các cấp Hội Phụ nữ phát huy được tiềm năng, nội lực nhằm không ngừng có thêm nhiều mô hình sáng tạo góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM bền vững và phát triển./.
Bài và ảnh: Lam Hồng