Ý Yên quyết tâm xử lý các vi phạm hành lang bảo vệ đê và công trình thủy lợi

08:03, 21/03/2018

Huyện Ý Yên có 40km đê sông Đào và sông Đáy chạy qua 13 xã. Do nhiều nguyên nhân từ buông lỏng quản lý đến khách quan lịch sử để lại, địa phương cũng có số lượng vi phạm đê điều, công trình thủy lợi lớn với các dạng vi phạm: lấn chiếm tận dụng hành lang đê xây dựng lều quán buôn bán, làm đường đi thẳng vào nhà, làm cổng, hàng rào… Các vi phạm tập trung chủ yếu ở các xã Yên Phúc, Yên Lộc, Yên Nhân, Yên Đồng, Yên Phương. Ngoài ra, các trường hợp vi phạm hành lang thoát lũ của huyện chủ yếu là các bãi vật liệu thường xuyên chất tải cao tập trung ở khu vực cầu Non Nước.

Ngày 23-8-2017, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 10/CT-UBND về tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi, đất đai hành lang bảo vệ đê điều, xả thải vào nguồn nước; quản lý khai thác, vận chuyển, bến bãi tập kết, kinh doanh cát sỏi trên các tuyến sông, cửa biển trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của UBND huyện, trước khi triển khai Chỉ thị số 10 của UBND tỉnh, tổng số công trình vi phạm hành lang bảo vệ đê còn tồn tại 637 vụ; trong đó: vi phạm trước năm 2007 là 455 vụ, vi phạm từ sau năm 2007 là 182 vụ. Huyện Ý Yên đã kiện toàn Ban chỉ đạo xử lý vi phạm công trình thủy lợi, đê điều; ban hành kế hoạch tuyên truyền, xử lý và giải tỏa các vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi; đồng thời thành lập 2 Tổ công tác tuyên truyền, xử lý, giải tỏa. Cuối năm 2017, Tổ công tác của huyện đã phối hợp với 10 xã có công trình vi phạm hành lang đê tiến hành thống kê, rà soát, phân loại, lập biên bản các vi phạm, xác định cụ thể mốc giới giải tỏa của từng hộ vi phạm. Sau đó, Ban chỉ đạo giải tỏa, Tổ công tác yêu cầu UBND các xã lập kế hoạch chi tiết cho việc ra quân giải tỏa, ra thông báo gửi tới từng hộ vi phạm yêu cầu giải tỏa. Huyện đã tổ chức kết hợp tuyên truyền lưu động bằng ôtô mang theo pa-nô, áp-phích; phát trên Đài PT-TH huyện và hệ thống đài truyền thanh các địa phương phổ biến, giải thích rõ tầm quan trọng của việc giải tỏa vi phạm đê điều và công trình thủy lợi, nâng cao ý thức chấp hành của người dân. Ngoài việc thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện truyền thanh, các xã còn thành lập Ban vận động với thành phần gồm cán bộ Mặt trận, Quân sự, Phụ nữ… đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động. Sau khi lập biên bản vi phạm, UBND các xã thông báo bằng văn bản cho các hộ chủ động tháo dỡ phần công trình vi phạm đê điều, thời hạn tự giải tỏa là 7 ngày. Tuy nhiên, hết thời hạn, hầu hết các hộ vi phạm đều không chấp hành, UBND các xã đã xây dựng kế hoạch giải tỏa và huy động các lực lượng chức năng; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và chuẩn bị nhân lực, phương tiện để tổ chức giải tỏa. Từ ngày 10-1-2018, UBND huyện Ý Yên ra quân xử lý, giải tỏa vi phạm pháp luật về đê điều; các xã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai thực hiện các kế hoạch xử lý, giải tỏa vi phạm trên đê. Kết quả, đến hết tháng 1-2018, toàn huyện đã giải tỏa được 410 trường hợp vi phạm Luật Đê điều trong phạm vi 5m; tiêu biểu như các xã: Yên Lộc 114 trường hợp, Yên Phúc 72 trường hợp, Yên Nhân 58 trường hợp, Yên Đồng 61 trường hợp… Đặc biệt, 5 trường hợp vi phạm phát sinh năm 2017 ở thôn Cổ Đam, xã Yên Phương đã giải tỏa hết phần vi phạm trong hành lang bảo vệ cách mặt đê 11m. Trên hệ thống công trình thủy lợi của huyện Ý Yên có tới 1.205 vụ vi phạm, tập trung chủ yếu dưới hình thức: làm nhà ở 313 vụ, lều quán 176 vụ, bãi vật liệu 67 vụ, làm cầu 73 vụ, vi phạm khác 145 vụ. Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 25-6-2014 của UBND tỉnh về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, huyện đã giải tỏa được 132 vụ; trong đó có 111 vụ vi phạm cũ, vi phạm phát sinh là 21 vụ (1 vụ tái vi phạm). Trong tháng 4-2018, huyện Ý Yên sẽ tổ chức ra quân thực hiện đợt cao điểm giải tỏa các vi phạm công trình thủy lợi theo tinh thần Chỉ thị số 10/CT-UBND của UBND tỉnh.

Xử lý, giải tỏa công trình vi phạm pháp luật về đê điều tại xã Yên Lộc.  Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Xử lý, giải tỏa công trình vi phạm pháp luật về đê điều tại xã Yên Lộc. 

Đồng chí Trịnh Thị Kim Tình, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Việc triển khai thực hiện các Chỉ thị số 10, số 14 của UBND tỉnh ở Ý Yên đã đạt được những kết quả nhất định, song bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Chính quyền địa phương một số xã, thị trấn ra quân giải tỏa chưa quyết liệt, chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, còn ngại va chạm, đùn đẩy, né tránh. Một số người dân chưa tuân thủ luật pháp, chửi bới, đe dọa, gây khó khăn cho lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ. Ngoài ra, việc xử lý các vi phạm do lịch sử để lại, nhất là từ trước năm 2007 gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp trước đây khi nâng cấp, mở rộng công trình đê điều, thủy lợi đã lấn vào đất thổ cư của người dân mà chưa có bồi thường hỗ trợ di dời nên trở thành công trình vi phạm, trong đó có những công trình được xây dựng kiên cố từ 1 đến 3 tầng. Nhiều công trình xây dựng trên đất thổ cư từ lâu đời mặc dù đất nằm trong hành lang bảo vệ đê điều nhưng đã được cấp sổ đỏ. Các trường hợp này nếu muốn hạn chế quyền sử dụng của chủ sở hữu công trình thì phải có cơ chế hỗ trợ. Đối với một số vi phạm công trình thủy lợi cũng vướng mắc do trước năm 2010 thì các công trình thủy lợi thuộc thẩm quyền quản lý của UBND xã, thị trấn. Do khâu quản lý ở cấp này còn yếu kém, hạn chế nên khi có đơn xin phép xây dựng của các tổ chức, cá nhân thì đều được UBND xã, thị trấn chấp thuận mà không tính trừ phạm vi hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Một số trường hợp vi phạm đối tượng tiến hành xây dựng cấp tập trong thời gian ngắn, vào ngày nghỉ nên khi lực lượng chức năng phát hiện ra thì công trình vi phạm đã hoàn thành làm khó khăn cho công tác xử lý. Trong thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát và phân loại tất cả các trường hợp vi phạm. Xây dựng phương án và tổ chức giải tỏa, cưỡng chế với các trường hợp cố tình không tự giác tháo dỡ, giải tỏa. Giải tỏa tất cả các vụ vi phạm mới phát sinh và vi phạm cũ theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”. Tuyệt đối không để phát sinh thêm vi phạm mới. Huyện cũng chỉ đạo Tổ công tác tuyên truyền, giải tỏa vi phạm công trình đê điều và thủy lợi phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiếp tục lập kế hoạch ra quân giải tỏa vi phạm; xác định ranh giới phạm vi bảo vệ công trình; hằng tuần tổng hợp số liệu báo cáo về UBND huyện. Khi phát hiện các trường hợp vi phạm mới phối hợp với các xã, thị trấn kịp thời lập biên bản vi phạm, chuyển hồ sơ vụ việc đến chủ tịch UBND xã, thị trấn sở tại để quyết định xử lý ngay.

Ý Yên phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành giải tỏa các vi phạm pháp luật về đê điều và công trình thủy lợi. Qua đó, đảm bảo an toàn cho các công trình trong công tác phòng, chống thiên tai, tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát huy tối đa năng lực thiết kế, tăng tuổi thọ của các công trình thủy lợi, đê điều và đảm bảo kỷ cương pháp luật./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com