Trên địa bàn huyện Trực Ninh hiện có 26 trường THCS, 5 trường THPT, 21 trung tâm học tập cộng đồng, 1 trung tâm GDTX và hướng nghiệp. Những năm qua, công tác phân luồng học sinh sau THCS ở huyện đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, hướng nghiệp gắn với dạy nghề cho học sinh.
Học sinh Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định trong giờ học nghề may. |
Trước năm 2010 việc cân đối giữa các luồng và hiệu quả xã hội trong việc phân luồng học sinh chưa cao, cơ cấu chưa hợp lý. Hằng năm số lượng học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT của huyện đạt 88,3%, vào học GDTX đạt 9,9%, trung cấp chuyên nghiệp đạt 0,9%, dạy nghề 0,9%. Việc phân bố tỷ lệ học sinh vào THPT cao đã vô tình đẩy một bộ phận học sinh học lực trung bình vào học THPT và một bộ phận học sinh học lực yếu vào học GDTX. Hơn nữa, học sinh sau khi tốt nghiệp THPT hoặc bổ túc THPT không thi đỗ vào đại học muốn có nghề nghiệp lại phải tiếp tục học trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề. Trong khi đó nếu làm tốt công tác phân luồng ngay từ bậc THCS, số lượng khá lớn học sinh này đã trở thành nguồn nhân lực cho xã hội sớm được 3 năm, đỡ tốn phí công sức và chi phí của gia đình và học sinh, đồng thời ngành GD và ĐT cũng có điều kiện tập trung hơn vào chất lượng cả ở THPT và ở dạy nghề, cao đẳng, đại học. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công tác hướng nghiệp cho học sinh THCS chưa được thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó còn một số nguyên nhân khách quan như: Tuổi học sinh tốt nghiệp lớp 9 (15 tuổi) chưa phù hợp với việc đi học xa nhà hoặc trực tiếp đi làm theo Bộ luật Lao động; cá nhân, đơn vị sử dụng lao động chưa đánh giá đúng vai trò của từng trình độ đào tạo và chưa thật sự đãi ngộ theo chất lượng công việc; các trường đào tạo TCCN và trung cấp nghề chưa quan tâm đúng mức đến nguồn tuyển sinh từ học sinh tốt nghiệp THCS do thời gian đào tạo dài… Ngoài ra, do tâm lý xã hội coi nhẹ vai trò của lao động kỹ thuật nên các gia đình và học sinh muốn có cơ hội được nhận tấm bằng đại học. Trước thực trạng đó, được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, Phòng GD và ĐT huyện đã đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS. Đến nay đã có nhiều học sinh tại địa phương được đào tạo tại Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định trên địa bàn huyện. Năm học 2017-2018, nhà trường đào tạo 450 học sinh THPT vừa học văn hóa vừa học các nghề: hàn, cắt gọt kim loại, công nghệ ô tô, công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy, điện công nghiệp, điện tử dân dụng, may và thiết kế thời trang, kỹ thuật điêu khắc gỗ, kế toán doanh nghiệp. Để ổn định công tác tuyển sinh sau THCS vào học, hằng năm Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định đều tổ chức tư vấn học văn hóa THPT và học nghề cho học sinh các trường THCS trên địa bàn. Bên cạnh đó, nhà trường đã phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền về chủ trương của trường trong công tác tuyển sinh. Trong đó tuyên truyền về chế độ, chính sách của người học thực hiện theo Nghị định 86 của Thủ tướng Chính phủ về việc học sinh học trình độ trung cấp được Nhà nước hỗ trợ 100% học phí; đặc biệt ưu tiên đối với học sinh lớp 9 vừa học văn hóa vừa học nghề nhằm mục tiêu phân luồng và giảm chi phí học tập, nhất là đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Từ hiệu quả của công tác hướng nghiệp, dạy văn hóa gắn với dạy nghề nên trong những năm qua, tỷ lệ học sinh có việc làm sau tốt nghiệp của nhà trường luôn đạt từ 95-100%. Nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp, có việc làm ổn định với mức thu nhập mỗi tháng từ 5-8 triệu đồng/người.
Do làm tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS, đến nay, tỷ lệ học sinh vào THPT đạt khoảng 68%, GDTX, giáo dục nghề đạt 32% góp phần giải quyết tốt tình trạng khó khăn về hướng nghiệp, dạy nghề, tạo phương thức, cơ hội học tập phù hợp, hiệu quả theo nguyện vọng, nhu cầu của học sinh. /.
Bài và ảnh: Hồng Minh