Theo khảo sát của Hội KHHGĐ tỉnh, trong 3 năm trở lại đây, tại tỉnh ta, trong tổng số phụ nữ mang thai ngoài ý muốn có khoảng 20 đến 25% trẻ em gái ở tuổi vị thành niên (VTN). Con số này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, bởi gần đây các đối tượng thanh niên chưa kết hôn, VTN mang thai ngoài ý muốn khi muốn thực hiện nạo hút thai đều tìm đến các phòng khám ngoài công lập để được giữ bí mật cá nhân. Việc trẻ VTN mang thai ngoài ý muốn kéo theo những hệ lụy không nhỏ về sau.
Bác sĩ Trần Văn Đường, Giám đốc Trung tâm CSSKSS tỉnh cho biết: Nguyên nhân cơ bản dẫn đến trẻ VTN mang thai ngoài ý muốn là thiếu hiểu biết về chu kỳ kinh nguyệt, cơ chế thụ thai, các biện pháp tránh thai…; thiếu tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS, quan hệ tình dục không chuẩn bị, không mong muốn. Tình trạng nam nữ thanh niên quan hệ tình dục trước hôn nhân, sống thử trước hôn nhân ngày càng tăng. Mang thai ở tuổi VTN ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, nguy cơ tử vong mẹ cao so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Do cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh, tâm lý lại lo sợ nên thủ thuật phá thai ở VTN thường xảy ra nhiều tai biến hơn ở người trưởng thành. Để nâng cao kiến thức, kỹ năng và hành vi của VTN, thanh niên (TN) trong việc tự bảo vệ nâng cao sức khoẻ bản thân, thời gian qua, Sở Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều đề án, mô hình với mục tiêu nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi cho các nhóm đối tượng, nhất là VTN-TN về Luật Hôn nhân và gia đình, tầm quan trọng của CSSKSS... Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh và các huyện, thành phố đã phối hợp với các trường THPT, THCN, THCS tổ chức các buổi truyền thông về CSSKSS. Các buổi sinh hoạt đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của học sinh, sinh viên. Tháng 1-2018, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tổ chức nói chuyện chuyên đề về CSSKSS cho trẻ VTN tại Trường THCS Lê Đức Thọ, xã Nam Vân (TP Nam Định). Các em học sinh đã được cung cấp kiến thức cơ bản liên quan đến các lĩnh vực: Tình bạn khác giới và tình yêu; SKSS và tình dục an toàn; Mang thai ở tuổi VTN và biện pháp phòng chống; SKSS tuổi VTN. Là người trực tiếp “phổ cập” kiến thức trong buổi nói chuyện chuyên đề, đồng chí Vũ Xuân Bình, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: CSSK cho trẻ VTN là việc làm rất cần thiết và mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Các nhà trường nên tăng cường hơn nữa việc tổ chức các hoạt động để định hướng cho học sinh những quan niệm về một lối sống lành mạnh, khoa học… đồng thời, phối hợp với phụ huynh có hướng giáo dục phù hợp và giúp trẻ nhận thức đúng đắn hơn về lĩnh vực này. Thời gian qua, tiếp nhận dự án Choices do Chính phủ Hà Lan tài trợ thông qua IPPF, Hội KHHGĐ tỉnh đã triển khai ở các trường THPT: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Khuyến, Ngô Quyền (TP Nam Định); thành lập các CLB “Giáo dục tình dục toàn diện” (CSE). Thông qua Dự án và các buổi sinh hoạt CLB, CSE giúp học sinh có những kiến thức, hiểu biết về CSSKSS, sức khỏe tình dục, có hành vi đúng về các mối quan hệ cá nhân, giới và giới tính, về tình bạn khác giới trong sáng và tình yêu tuổi học trò trong sáng lành mạnh; đưa chương trình giáo dục giới tính vào giảng tích hợp trong các môn học như: Văn, Sinh vật, Giáo dục công dân ở các khối lớp. Ở các trường THPT, THCS tại 10 huyện, thành phố trong tỉnh đã tích hợp nội dung tuyên truyền kiến thức về SKSS VTN, tìm hiểu về HIV/AIDS, KHHGĐ trong từng tiết học, trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, dàn dựng tiểu phẩm, tổ chức hội thi,... để trang bị cho các em kỹ năng tự bảo vệ bản thân, tránh được những nguy cơ quan hệ tình dục sớm dẫn đến mang thai ngoài ý muốn, nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục hoặc viêm nhiễm phụ khoa do thiếu hiểu biết.
“Nâng cao kiến thức, kỹ năng, góp phần giảm tình trạng mang thai, phá thai ngoài ý muốn và nâng cao chất lượng dân số” là mục tiêu của Kế hoạch số 118/KH-UBND ngày 12-12-2017 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ cho VTN-TN giai đoạn 2017-2020 của tỉnh”. Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, năm 2018 và những năm tiếp theo, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, SKSS trong và ngoài nhà trường nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng về dân số, SKSS cho thế hệ trẻ. Tăng cường sự gắn kết giữa nhà trường, gia đình, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong các hoạt động giáo dục về dân số, SKSS, bình đẳng giới cho nhóm VTN-TN. Tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ, phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra SKSS trước hôn nhân. Tăng cường tiếp thị xã hội, xã hội hóa phương tiện tránh thai, hàng hóa SKSS. Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng thực hành cho nhân viên cung cấp dịch vụ dân số, SKSS theo phân cấp và phân tuyến kỹ thuật. Tăng cường cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho VTN-TN. Tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ truyền thông trong hệ thống dân số - KHHGĐ các cấp về kiến thức đặc điểm phát triển tâm, sinh lý VTN-TN; phối hợp mở các hội thảo, đánh giá về thực trạng và các giải pháp, cơ chế xã hội hóa công tác truyền thông, cung cấp dịch vụ và trợ giúp VTN-TN chủ động thực hiện các hành vi có lợi về CSSKSS-KHHGĐ./.
Việt Thắng