Tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm

08:03, 20/03/2018

Toàn tỉnh hiện có 11.246 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được quản lý. Do hầu hết các cơ sở thực phẩm đều nhỏ lẻ, sản xuất thời vụ, biến động thường xuyên nên việc quản lý và kiểm soát bảo đảm ATTP gặp nhiều khó khăn. Để đẩy mạnh công tác đảm bảo ATTP, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ATTP. 

Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP tỉnh kiểm tra các mặt hàng bánh mứt kẹo, bia rượu tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm ở Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thuỷ).
Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP tỉnh kiểm tra các mặt hàng bánh mứt kẹo, bia rượu tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm ở Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thuỷ).

Cùng với việc quản lý lĩnh vực chuyên ngành phụ trách, các ngành chức năng đã tăng cường phối hợp, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành các tuyến để kiểm tra công tác ATTP. Quá trình thanh tra, kiểm tra đảm bảo không chồng chéo giữa các ngành, các cấp, thực hiện theo đúng nguyên tắc, nghiệp vụ, chuyên môn trong hoạt động thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật, thực hiện việc chia sẻ thông tin giữa các ngành từ lập kế hoạch đến thực hiện thanh tra, kết quả thanh tra để phối hợp. Trong năm 2017 và 2 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã thành lập trên 750 đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành ATTP từ tuyến tỉnh đến cơ sở với tổng số gần 9.600 lượt cơ sở được kiểm tra. Trong đó, có 2.700 cơ sở vi phạm (chiếm 28%), 629 cơ sở vi phạm bị xử lý (chiếm 23,3% số cơ sở vi phạm), 239 cơ sở bị cảnh cáo (8,8%), 346 cơ sở bị phạt tiền (12,8%) với tổng số tiền phạt gần 650 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: Không thực hiện khám sức khoẻ định kỳ cho đối tượng theo quy định; sử dụng phụ gia thực phẩm hết hạn sử dụng; khu vực chế biến không đảm bảo vệ sinh, có côn trùng, động vật gây hại; sử dụng giấy xác nhận sức khoẻ quá thời hạn; không thực hiện cập nhật kiến thức ATTP cho đối tượng theo quy định; hàng hoá có nhãn ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hoá; bày thực phẩm trên thiết bị không hợp vệ sinh; sử dụng dụng cụ ăn uống không đảm bảo vệ sinh quy định; bán sản phẩm, hàng hoá chất lượng không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Quá trình thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành cũng phát hiện và tịch thu, tiêu hủy nhiều sản phẩm vi phạm như: bơ Tường An, bột Lion, tương Bần, bột chiên xù Panko, rượu, mì chính Trung Quốc, mì chính, hạt nêm giả, mộc nhĩ Trung Quốc, thịt lợn không đảm bảo chất lượng, bánh kẹo hết hạn sử dụng, không nhãn mác, hoa quả tươi không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hoá đơn chứng từ… Trong công tác xử lý vi phạm, ngoài hình thức phạt tiền, một số cơ sở còn bị đóng cửa. Điển hình là các vụ việc như: Phòng PC49 (Công an tỉnh) phạt cơ sở Nguyễn Thị Thanh Bình (khu tập thể Sợi C - Năng Tĩnh) 42,5 triệu đồng về hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hiệu là phụ gia thực phẩm; tịch thu và tiêu huỷ 305,27kg mì chính giả nhãn hiệu Ajinomoto, Miwon, 27kg hạt nêm giả nhãn hiệu Knorr. Phòng PC49 phạt Cty TNHH Sản xuất thương mại và vận tải Minh Hằng 25 triệu đồng về hành vi sản xuất thực phẩm thuộc diện phải công bố hợp quy phù hợp ATTP mà không có công bố quy định hợp quy phù hợp quy định ATTP. Đội Quản lý thị trường số 7, Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với Đội cảnh sát kinh tế (Công an huyện Trực Ninh) kiểm tra, phát hiện xe đang dừng đỗ tại Quốc lộ 21, Thị trấn Cổ Lễ có 21 bao tải mỡ lợn đã qua sơ chế (1.120kg). Chủ hàng không xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng trên. Sau khi xác minh vụ việc, Chi cục Quản lý thị trường ra quyết định xử phạt ông Đoàn Văn Giao tại Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) 20,5 triệu đồng, buộc tiêu huỷ 1.120kg mỡ lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Cùng với việc duy trì thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, các ngành chức năng thường xuyên phối hợp liên ngành thanh tra, kiểm tra ATTP nhằm đánh giá thực trạng việc bảo đảm ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể; đánh giá thực trạng ATTP một số nhóm mặt hàng thực phẩm có nguy cơ cao lưu thông trên thị trường nhằm phát hiện và cảnh báo các mối nguy gây mất ATTP; công tác quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP các cấp trong việc cấp các loại giấy liên quan đến bảo đảm ATTP. Trên cơ sở kết quả thanh tra, đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý về chất lượng ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành tập trung vào các đợt cao điểm trong năm như Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu. 

Kết quả của công tác thanh tra, kiểm tra đã giúp công tác quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh được thực hiện hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác ATTP trong tình hình mới. Cũng qua phối hợp thanh tra, kiểm tra đã chuyển tải được các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về công tác ATTP đến các cơ sở, các cấp, các ngành để triển khai thực hiện theo đúng quy định. Qua phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, đã có nhiều quy định mới về xử lý vi phạm của Chính phủ với mức xử lý vi phạm cao được thực thi có tác dụng răn đe cơ sở, từ đó tạo chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo ATTP, giúp hệ thống quản lý Nhà nước về ATTP được cải thiện, góp phần kiểm soát hiệu quả trong quá trình sản xuất, lưu thông và đảm bảo ATTP./. 

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com