Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng

08:03, 09/03/2018

Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh đã có nhiều hoạt động triển khai giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ. Qua đó đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử; góp phần tạo động lực cho kinh tế - xã hội phát triển.

Học sinh Trường THCS Lê Đức Thọ, xã Nam Vân (TP Nam Định) trong giờ học lịch sử Đảng bộ địa phương.
Học sinh Trường THCS Lê Đức Thọ, xã Nam Vân (TP Nam Định) trong giờ học lịch sử Đảng bộ địa phương.

Từ năm 2002 đến nay, ở cấp tỉnh đã biên soạn xuất bản được 8 công trình, ấn phẩm lịch sử về những người cộng sản ưu tú, lịch sử Đảng bộ tỉnh và lịch sử các ngành. Ở cấp huyện, 16/16 Đảng bộ huyện, thành và trực thuộc đã xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử ngành, các ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể có 15 đơn vị đã biên soạn, xuất bản lịch sử. Cấp cơ sở có 225/229 xã, phường, thị trấn đã xuất bản lịch sử Đảng bộ, đạt 98,3%. 100% đơn vị LLVT và 80% Công an của các huyện, thành phố trong tỉnh đều đã triển khai tổ chức nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử truyền thống. Xác định việc giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao ý thức, lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, Tỉnh uỷ đã quan tâm chỉ đạo các ngành, các địa phương tích cực tuyên truyền lịch sử, truyền thống cách mạng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Hình thức triển khai tuyên truyền giáo dục của các Đảng bộ khá đa dạng, phong phú. Sau mỗi cuốn sách được xuất bản đều có các hình thức giới thiệu, tuyên truyền tới các đối tượng và từng bước giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh, Bản tin Thông tin nội bộ, thông tin của các ngành, đoàn thể. Cùng với đó, các ngành, đoàn thể còn tổ chức các buổi hội thảo, toạ đàm, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, xây dựng nhà lưu niệm truyền thống, tổ chức các cuộc mít tinh nhân các ngày kỷ niệm lớn, kể chuyện lịch sử trong các trường phổ thông. Ngay sau khi cuốn lịch sử Đảng bộ tỉnh Nam Định được xuất bản, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo đưa nội dung lịch sử Đảng bộ tỉnh vào giảng dạy trong các Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố, các trường phổ thông trong tỉnh. Bắt đầu từ năm 2002, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã chính thức chỉ đạo đưa lịch sử Đảng bộ tỉnh vào giảng dạy trong các Trung tâm tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố. Năm 2014, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở GD và ĐT xây dựng đề cương tuyên truyền lịch sử Đảng bộ tỉnh cho đối tượng học sinh khối THPT. Các Đảng bộ huyện, thành phố cũng chỉ đạo Ban Tuyên giáo phối hợp với phòng GD và ĐT xây dựng đề cương để tuyên truyền về lịch sử Đảng bộ huyện, thành phố trong ngành GD và ĐT ở địa phương. Tại huyện Nghĩa Hưng việc tuyên truyền lịch sử Đảng bộ địa phương được thực hiện nghiêm túc. Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi lịch sử Đảng bộ huyện và lịch sử Đảng bộ các xã, thị trấn đến cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức như: Đưa nội dung lịch sử địa phương vào tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chi bộ cơ sở; làm tài liệu giảng dạy ở các lớp bồi dưỡng đảng viên mới; phát trên hệ thống đài truyền thanh… Đặc biệt, trong nhiều năm qua, huyện Nghĩa Hưng đã thực hiện tốt việc đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy trong các nhà trường một cách có hệ thống như: Đưa việc giảng dạy lịch sử Đảng bộ tỉnh Nam Định trong các trường THPT, Trung tâm GDTX, Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện; giảng dạy lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Hưng, lịch sử Đảng bộ các xã, thị trấn trong các trường THCS. Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với Phòng GD và ĐT huyện xây dựng tập bài giảng về lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Hưng (1930-2015) vào giảng dạy trong các trường THCS trên phạm vi toàn huyện. Ở các xã, phường, thị trấn việc tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng chủ yếu bằng các hình thức như: nói chuyện thời sự, kể chuyện truyền thống, mít tinh kỷ niệm các ngày lễ lớn, xây dựng nhà lưu niệm, đền thờ liệt sĩ… tổ chức toạ đàm, ghi băng phát trên đài truyền thanh, sinh hoạt chi bộ, câu lạc bộ của các đoàn thể nhân dân. Ở xã Yên Dương (Ý Yên), thời gian qua, công tác giáo dục truyền thống cách mạng đã trở thành hoạt động thường xuyên của Đảng ủy, chính quyền, các ngành, Mặt trận và các đoàn thể trong xã. Nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, thiết thực. Cụ thể, Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã phối hợp Ban Văn hóa xã tổ chức tuyên truyền về lịch sử văn hóa, truyền thống của xã, huyện trên Đài truyền thanh; trên pa-nô, khẩu hiệu tại các trục đường chính của xã trong dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm; Hội CCB phối hợp với Đoàn Thanh niên xã tổ chức các buổi nói chuyện truyền thống cho đoàn viên, thanh niên; Đảng ủy, HĐND, UBND xã tổ chức dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ, đến thăm và tặng quà các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương được Đảng ủy xã gắn với việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, từ đó làm chuyển biến về nhận thức, hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, có tác dụng kịp thời cổ vũ tinh thần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, thúc đẩy phong trào thi đua học tập, lao động, sản xuất, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Với các hình thức tuyên truyền giáo dục đa dạng, phong phú đã góp phần tích cực nâng cao sự hiểu biết của cán bộ, đảng viên và nhân dân về lịch sử truyền thống cách mạng vẻ vang, hào hùng về mảnh đất và con người quê hương Nam Định. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo không khí thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đảng bộ tỉnh đề ra. Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng của Đảng bộ, từ nay đến năm 2020, tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng địa phương. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phối hợp với các ngành có liên quan thống nhất giáo trình, đề cương bài giảng môn lịch sử Đảng bộ tỉnh trong các trường phổ thông, chuyên nghiệp, dạy nghề và các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cho phù hợp với các đối tượng. Nghiên cứu để tuyên truyền lịch sử Đảng bộ tỉnh cho các đối tượng cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ một cách phù hợp. Các huyện, thành, Đảng ủy trực thuộc; các hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử của Đảng bộ tỉnh và lịch sử cách mạng của các tổ chức trong đoàn viên, hội viên, cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân ở địa phương, đơn vị mình. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề xuất, kiến nghị với Viện Lịch sử Đảng Trung ương phối hợp với Bộ GD và ĐT cần có quy định cụ thể về chương trình, kế hoạch, thời gian, nội dung phù hợp để đưa lịch sử Đảng bộ địa phương vào giảng dạy trong hệ thống các trường học, tạo điều kiện để các địa phương triển khai thực hiện một cách đồng bộ./.

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com