Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, năm 2017, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, tạo đà cho du lịch phát triển, thu hút ngày càng nhiều khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng.
|
Lễ hội Chùa Bi, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) ngày càng thu hút khách du lịch. |
Theo số liệu của Sở VH, TT và DL, năm 2017, tổng lượng khách tới các điểm tham quan du lịch của tỉnh đạt 2 triệu 419 nghìn lượt người, tăng 5,4% so với năm 2016. Trong đó, khách do các cơ sở lưu trú và ăn uống phục vụ đạt 1.283 nghìn lượt người, chiếm 53,1% tổng lượng khách. Khách tham dự lễ hội và tham quan di tích chiếm tỷ lệ cao, đạt 1 triệu 655 nghìn lượt người (chiếm 68,4% tổng lượng khách). Khách du lịch đến các khu du lịch sinh thái, biển đạt 470 nghìn (chiếm 19,4% tổng lượng khách). Khách công vụ, thăm thân kết hợp du lịch đạt 294 nghìn lượt người (chiếm 12,2% tổng lượng khách). Theo đó, thu nhập du lịch ước đạt 657 tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2016. Trong đó, doanh thu từ ăn uống và lưu trú đạt 481 tỷ đồng (chiếm 73,2% tổng doanh thu); doanh thu từ khách lễ hội và mua sắm đạt 115 tỷ đồng, doanh thu lữ hành, vận chuyển đạt 61 tỷ đồng. Đạt được kết quả trên, Sở VH, TT và DL đã phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh của các cơ sở lưu trú, lữ hành, khu, điểm du lịch; qua đó chấn chỉnh, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ cơ sở kinh doanh du lịch, nhất là tại 2 khu du lịch biển Quất Lâm (Giao Thuỷ) và Thịnh Long (Hải Hậu). Cụ thể, năm 2017 Sở VH, TT và DL đã tổ chức kiểm tra, thẩm định lại 13 khách sạn và 1 nhà nghỉ; trong đó có 2 khách sạn 3 sao, 6 khách sạn 2 sao, 5 khách sạn 1 sao, 1 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn; qua đó thu hồi quyết định hạng sao đối với 3 khách sạn không đạt tiêu chuẩn gồm 2 khách sạn 2 sao, 1 khách sạn 1 sao. Đến nay, toàn tỉnh có 564 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, trong đó có 320 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch với 4.762 buồng phòng; 27 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với 1 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 3 văn phòng đại diện và 23 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đều chấp hành và chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, làm tốt công tác phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán và tham dự các lễ hội đầu xuân. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã đầu tư cải tạo, nâng cấp các nhà hàng, khách sạn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Tiêu biểu như nhà hàng Cánh diều vàng (Mỹ Trung) đã được vinh danh là 1 trong 10 nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch hàng đầu Việt Nam năm 2017. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn cho lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch được quan tâm. Qua việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước về du lịch cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác du lịch và các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ lao động trong ngành du lịch của tỉnh, đã cấp và đổi thẻ đối với 41 hướng dẫn viên du lịch; trong đó có 29 thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa, 12 thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Các đơn vị chức năng của Sở VH, TT và DL đã phối hợp với Phòng VH-TT các huyện Giao Thủy, Hải Hậu tổ chức 2 lớp bồi dưỡng quản lý kinh doanh dịch vụ du lịch cho chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại khu du lịch biển Quất Lâm (Giao Thủy) và Thịnh Long (Hải Hậu). Phối hợp với CLB Lữ hành du lịch tâm linh khảo sát, đánh giá chất lượng và năng lực đáp ứng nhu cầu khai thác, phát triển du lịch của các tuyến, điểm du lịch tâm linh tại Nam Định. Tổ chức khai trương mùa du lịch biển năm 2017 tại khu du lịch biển Thịnh Long và Quất Lâm. Phối hợp với Hiệp hội Du lịch tổ chức hội thảo “Xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Nam Định” và Hội chợ Du lịch Thương mại năm 2017 để trưng cầu ý kiến giải quyết những khó khăn vướng mắc, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, chưa phát huy vai trò ngành kinh tế “mũi nhọn”. Tỷ trọng GDP toàn ngành du lịch trong tổng sản phẩm xã hội còn khiêm tốn. Đầu tư du lịch tuy ngày càng được đẩy mạnh, nhưng quy mô còn manh mún, dàn trải, tự phát và thiếu tính liên hoàn. Kết cấu hạ tầng du lịch bao gồm: giao thông nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, điện, bưu chính viễn thông... chưa đồng bộ. Sản phẩm du lịch có đổi mới, đa dạng hơn nhưng vẫn thiếu tính độc đáo, đặc sắc; sản phẩm dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí tại các khu, điểm du lịch vẫn chưa tạo dựng được thương hiệu nổi bật. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch qua đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu về tính chuyên nghiệp, kỹ năng quản lý, giao tiếp và chất lượng phục vụ. Công tác quản lý quy hoạch phát triển du lịch tổng thể của ngành và các quy hoạch cụ thể tại các địa phương còn có hạn chế.
Trên cơ sở định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành du lịch tỉnh tiếp tục phát huy lợi thế tiềm năng các nguồn lực, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên du lịch triển khai xây dựng kế hoạch khai thác phát triển du lịch. Mục tiêu cụ thể trong phát triển du lịch của tỉnh năm 2018 là đón 2.550 nghìn lượt khách, tăng 5,4% so với năm 2017; doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch dịch vụ đạt 740 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2017. Để đạt mục tiêu đề ra, Sở VH, TT và DL cần tăng cường quảng bá các hoạt động du lịch; tuyên truyền, phổ biến Luật Du lịch 2017. Phối hợp với UBND các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu tăng cường công tác quản lý, triển khai thực hiện nhiệm vụ, khai trương mùa du lịch biển năm 2018, trong đó chú trọng đảm bảo an ninh, vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm, đề cao công tác cứu nạn cứu hộ đảm bảo an toàn cho khách du lịch./.
Bài và ảnh: Hoàng Anh