Những năm gần đây, sự xuất hiện các cánh đồng cây dược liệu ở một số địa phương trong tỉnh đã giúp cho cuộc sống của người dân được nâng cao. Tuy nhiên, để tạo hướng phát triển ổn định, bền vững các vùng trồng dược liệu sạch, rất cần sự chung tay của bà con nông dân, chính quyền địa phương, các nhà khoa học, các doanh nghiệp thu mua, sản xuất thuốc đông dược để có nguồn dược liệu ổn định.
Về Bãi Quỹ, xã Thành Lợi (Vụ Bản), rất dễ nhận ra những khu vườn trồng dược liệu rộng lớn, xanh tươi. Trên con đường rẽ vào Bãi Quỹ, người dân đang hối hả vào vụ thu hoạch quất dược liệu. Cách đây 6 năm, với sự hợp tác của Cty TNHH Nam Dược, Tổ chức Helvetas (Thụy Sĩ) đã thông qua Dự án Thương mại sinh học Biotrade triển khai vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn hướng dẫn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO) tại Bãi Quỹ. Gia đình ông Đoàn Văn Hoa là hộ đầu tiên trong vùng được chọn tham gia Dự án. “Cái được” lớn nhất khi tham gia Dự án là gia đình ông có đầu ra ổn định, được bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cả hợp lý. Với 2ha quất, mỗi năm gia đình ông Hoa thu hoạch được khoảng 50-60 tấn, doanh thu khoảng 200-300 triệu đồng.
Vùng trồng quất dược liệu tại Bãi Quỹ, xã Thành Lợi là vùng trồng dược liệu đạt GACP-WHO đầu tiên ở huyện Vụ Bản được triển khai theo mô hình liên kết “4 nhà” đã tạo ra nguồn nguyên liệu an toàn, đạt chuẩn để sản xuất siro ho, cảm cúm. Với phương thức canh tác, chăm bón, thu hoạch được giám sát chặt chẽ, quất dược liệu được trồng theo phương pháp tự nhiên nên ra quả quanh năm. Tháng 9-2017, vùng trồng quất này đã được Viện Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế thẩm định đạt tiêu chuẩn GACP-WHO. Hiện vùng trồng này đã được Cty TNHH Nam Dược thu mua với sản lượng 50 tấn dược liệu/năm để sản xuất siro ho cảm Ích nhi. Ông Hoa, chủ vườn quất dược liệu cho biết: Ngoài trồng quất dược liệu, hiện tại nhà vườn đang trồng thực nghiệm các loại cây dược liệu như câu kỳ tử, ích mẫu, hy thiêm, bông mã đề, râu mèo, đỗ tương, mỗi loại từ 1-2ha để tiến tới cung cấp nguồn dược liệu ổn định cho Cty TNHH Nam Dược.
Nông dân xã Trực Hùng (Trực Ninh) chăm sóc cây đinh lăng. |
Những năm gần đây, người dân nhiều địa phương trong tỉnh, ngoài việc phát triển vùng trồng cây dược liệu truyền thống, đã đưa nhiều giống cây dược liệu mới vào trồng, hình thành thêm các vùng trồng cây dược liệu và tổ chức chế biến nguyên liệu sau thu hoạch. Nhiều nhà khoa học, nhiều doanh nghiệp sản xuất dược phẩm trong và ngoài tỉnh như Cty TNHH Nam Dược, Cty CP Dược phẩm Nam Hà, Cty CP Dược phẩm Traphaco, Cty CP Hoa Thiên Phú… đã về nghiên cứu, đánh giá tiềm năng đất đai, khí hậu, trồng khảo nghiệm và liên kết với chính quyền và người dân các địa phương đưa các giống cây dược liệu mới vào canh tác để chủ động xây dựng vùng sản xuất dược liệu hàng hóa. Từ năm 2013, với sự hợp tác và hậu thuẫn của Cty CP Traphaco, Tổ chức Helvetas đã thông qua Dự án Biotrade thực hiện đầu tư cho cộng đồng và địa phương hai huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng triển khai trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO và xây dựng quy hoạch phát triển dược liệu tại huyện Hải Hậu. Từ năm 2013 đến nay, Cty CP Traphaco duy trì và phát triển vùng trồng đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP-WHO lên gấp 3 lần tại hai huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Đây là lợi thế để các huyện bảo tồn, phát triển các vùng trồng dược liệu trên địa bàn. Hiện tại, riêng ở Hải Hậu, tổng diện tích trồng cây dược liệu là 640ha, trong đó, huyện đã xây dựng được vùng trồng đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP-WHO có quy mô 170ha với gần 500 hộ tham gia, tập trung tại các xã Hải Châu, Hải Giang, Hải Toàn, Hải Quang, Hải Lộc… Mỗi năm, huyện Hải Hậu cung cấp khoảng 700 tấn đinh lăng cho Cty CP Traphaco. Từ năm 2013, Cty TNHH Nam Dược cũng phối hợp với xã Hải Lộc (Hải Hậu) trồng cây dây thìa canh để sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng. Đến nay, diện tích trồng dây thìa canh đạt tiêu chuẩn GACP-WHO ở Hải Lộc đạt 15ha. Tham gia liên kết, các hộ trồng dây thìa canh được Cty TNHH Nam Dược cung ứng trước giống cây, phân bón, kinh phí đầu tư làm giàn ban đầu, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Mỗi năm, người dân Hải Lộc nhập cho Cty TNHH Nam Dược khoảng 14 tấn dây thìa canh. Cán bộ kỹ thuật của Cty TNHH Nam Dược đã về tận nơi hướng dẫn cho người dân từ những kỹ thuật đơn giản như trải rơm để giữ độ ẩm cho cây, bón lượng phân hợp lý, tỉa cành… đến việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất để trồng và chăm sóc cây.
Từ nhiều năm nay, Nghĩa Hưng được Cty CP Traphaco và Tổ chức Helvetas chọn thực hiện Dự án Biotrade. Tham gia dự án, các hộ dân được Cty CP Traphaco giúp đỡ về các kỹ thuật trồng, quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản để bảo đảm chất lượng nguyên liệu và bảo đảm đầu ra cho các cánh đồng dược liệu. Hiện tại, toàn huyện duy trì trồng hơn 200ha đinh lăng, trong đó mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ cây đinh lăng theo GACP-WHO đã thu hút 306 hộ nông dân các xã Nghĩa Thắng, Nam Điền tham gia với diện tích 21,382ha. Ngoài ra, nhân dân các xã trong huyện còn mở rộng diện tích trồng đinh lăng lên tới 180ha, cung cấp cho các cơ sở chế biến thuốc đông y. Bên cạnh đó, năm 2015, huyện Nghĩa Hưng đã phối hợp với Cty CP Dược phẩm Hoa Thiên Phú triển khai thực hiện dự án phát triển vùng trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO tại 2 xã Hoàng Nam và Nghĩa Minh. Các HTX trên địa bàn đứng ra làm đầu mối liên kết những hộ trồng dược liệu với Cty. Ngoài chính sách hợp tác và hỗ trợ giúp người nông dân yên tâm tham gia dự án như: bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, cam kết hỗ trợ kỹ thuật canh tác, kỹ thuật trồng, chăm sóc và đặc biệt được hỗ trợ về thu nhập, chia sẻ rủi ro…, Cty còn cung cấp giống, vật tư nông nghiệp chất lượng, đầu tư cơ sở thu mua và chế biến dược liệu tại địa phương. Hiện Cty đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở chế biến dược liệu được thiết kế tiêu chuẩn GMP để đảm bảo cả các tiêu chí trồng sạch, canh tác sạch, sơ chế sạch và bảo quản sạch. Toàn bộ hệ thống sấy theo công nghệ nhiệt sạch với 4 máy sấy, mỗi máy có công suất 4-5 tấn dược liệu/ngày. Sau gần 3 năm triển khai, mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ các cây dược liệu thuộc dự án này đã thu hút 638 hộ dân tham gia với tổng diện tích 27,5ha tại 2 xã Hoàng Nam và Nghĩa Minh với các cây dược liệu trồng là: đương quy, bồ công anh, ích mẫu, nhân trần; đặc biệt hiện nay là ngưu tất - một loại dược liệu quý với nhiều công dụng tốt. Hiện tại, Cty Hoa Thiên Phú đang chuẩn bị giống, vật tư để tiếp tục mở rộng địa bàn, diện tích trồng ra các xã: Nghĩa Đồng, Nghĩa Thái, Nghĩa Sơn, Nghĩa Phong, Nghĩa Phúc với các loại dược liệu: Bạch chỉ, địa hoàng, bạch truật, xuyên cung… và phối hợp với huyện Nghĩa Hưng xây dựng vùng sản xuất dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO 50ha ở bãi bồi và đất canh tác ven sông.
Ngoài 3 vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO tại các huyện: Hải Hậu, Vụ Bản, Nghĩa Hưng, huyện Xuân Trường cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng sản xuất cây dược liệu tập trung; xây dựng dây chuyền chiết xuất, bảo quản dược liệu, liên kết khuyến khích các hộ dân tận dụng đất vườn, đất bãi, đất 2 lúa bỏ hoang, kém hiệu quả để sản xuất dược liệu. Hiện tại Cty CP Sản xuất và Thương mại Hoàng Diệu đang thuê 10ha vùng bãi của xã Xuân Thành và 10ha xã Xuân Tân để sản xuất cây dược liệu như đinh lăng, gấc… Một số huyện trong tỉnh cũng đang hình thành các vùng cây dược liệu như: Đinh lăng trồng ở Giao Thuỷ, Trực Ninh; ngưu tất trồng ở Nam Trực; cát cánh trồng ở các huyện Vụ Bản, Trực Ninh; gấc trồng ở Xuân Trường…
Việc liên kết giữa “4 nhà” (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước) trong phát triển các vùng trồng cây dược liệu đang là hướng đi vững chắc nhằm đa dạng cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác ở các địa phương trong tỉnh. Theo thống kê của các ngành chức năng, các mô hình liên kết trồng cây dược liệu cho thu nhập ổn định và cao gấp 4-6 lần trồng lúa. Đây là tín hiệu vui tạo tiền đề cho nghề trồng cây dược liệu - một ngành “kinh tế xanh” đang ngày càng phát triển, giúp người dân có thể làm giàu ngay trên đồng đất quê hương./.
Bài và ảnh: Minh Thuận