Khi cơn mưa xuân gọi mùa đang về cũng là lúc những gốc đào rừng ở xóm 7, xã Nam Mỹ, Nam Trực đến ngày khoe sắc. Trên những gốc cây khỏe mạnh thẫm màu, sắc xanh của lá được mưa xuân tưới tắm cứ vậy mà mơn mởn phát lộ. Thấp thoáng giữa màu xanh là những nụ hồng đang chum chúm nở. Rồi đến một ngày, người đi đường chưa kịp để ý, cả trăm gốc đào bung sắc hồng rực rỡ báo ngày xuân ấm. Người trồng đào lặng lẽ ngắm nhìn thành quả của mình suốt một năm trời lòng bỗng nao nao tự nhủ, mùa năm nay thế là thành công. Mang sắc xuân của núi rừng về phố, những người nông dân ở Nam Mỹ vài năm trở lại đây đã “thuần hóa” được giống đào rừng quen sống chon von trên những vách núi cho hợp với thổ nhưỡng đồng bằng. Để mỗi mùa xuân, sắc hồng đỏ kịp tràn về phố.
“Thuần hóa” đào rừng
Anh Trần Phát Ý, xóm 7, xã Nam Mỹ là một trong những người tiên phong đưa cây đào rừng về đất làng. Anh còn là người đầu tiên mang kỹ thuật cắt ghép đào mới về “phổ biến” cho những người trồng đào quê anh. Theo anh Ý, dân làng anh trồng đào tính đến nay đã ngót nghét 30 năm mà chú anh chính là người khởi xướng. Khi ấy, ông được em trai mang giống từ Đại học Lâm nghiệp về cho, từ đó cây đào lan ra cả xã. Đến nay, khắp đồng đất Nam Mỹ đi đâu người ta cũng có thể gặp những ruộng đào bát ngát xanh và thắm hồng mỗi độ xuân về. Chục năm trước, khi cây đào truyền thống vẫn đang rất “được lòng” người chơi đào, anh Ý đã nghĩ đến chuyện trồng đào rừng vì anh nhận thấy nhu cầu chơi đào rừng của người dân thành phố rất lớn trong khi nguồn “cung” đào rừng tự nhiên từ miền núi phía Bắc ngày càng cạn kiệt do khai thác quá nhiều. “Họ cần mua thì chúng tôi sẵn sàng trồng bán”, anh Ý chia sẻ. Tuy nhiên, để cây đào rừng “chịu” ở trên đất Nam Mỹ là việc không đơn giản. Anh Ý cũng như nhiều người trồng khác luôn chấp nhận tỷ lệ 7/3, thậm chí là 5/5, nghĩa là trồng 10 cây thì may mắn mới có 5 đến 7 cây sống. Bởi trồng đào rừng ở miền xuôi rất khó, khó hơn nhiều lần trồng đào truyền thống. Men theo triền núi ẩm ướt, tháng 11, 12 dương lịch hằng năm, những thợ trồng đào vùng xuôi theo chân dân bản địa lên vùng được phép khai thác để chọn mua gốc đào. Để trồng đào rừng, người trồng đào cần có “nguyên liệu” là những gốc đào rừng lâu năm. Thông thường, họ chọn mua các gốc đào Tây Bắc vùng Mộc Châu, Sơn La về ghép. Giá của một gốc đào rừng về đến Nam Mỹ vào khoảng 3-5 triệu đồng. Để trồng 1 gốc đào rừng, người trồng cần 2 khối đất màu tốt, sau đó họ tưới đẫm nước cho đất bám chặt gốc. 1 tuần sau khi trồng, thợ đào bắt đầu tiến hành cắt ghép. Nếu như trước đây chưa có kỹ thuật ghép mới thì hầu hết phải 1 năm sau khi trồng, thợ trồng đào rừng mới tiến hành ghép cây. Khi tiết trời chuyển hẳn sang đông chí chính là thời điểm thích hợp để bắt tay vào ghép đào. Theo đó, anh Ý chọn những cành đào có mày, da nhẵn nhụi, không sâu, nấm để ghép. Khi ghép, anh sử dụng bộ dao chuyên nghiệp giúp mối cắt khít hơn so với dụng cụ ghép truyền thống là kéo. “Ghép cây, mặt ghép phải khít như mặt kính không có khe hở. Như vậy, cây với cành ghép sẽ tiếp xúc tốt hơn, từ đó giúp cây dễ dàng vận chuyển chất dinh dưỡng để nuôi cành”, anh Ý cho biết. Cắt ghép xong cành, anh dùng túi ni lông buộc chặt chỗ ghép. 20 ngày sau, anh tháo túi bóng buộc quanh mối ghép. Theo anh Ý, công đoạn ghép là khó nhất trong quá trình “thuần hóa” đào rừng, thử thách tay nghề của những người thợ có kinh nghiệm. Với những cây đào to, anh Ý thậm chí phải mất 1 ngày mới ghép được 1 cây. Tùy vào từng thế cây, anh lựa uốn các thế khác nhau. Có dáng lão mai cho những người hoài cổ, có thế trực, thế hoành, long giáng… cho những người có nhu cầu, thẩm mỹ phóng khoáng hơn lựa chọn. Tháng 3, tháng 4 khi mùa sâu bệnh, nấm mốc phát triển mạnh, anh cũng như những người trồng đào rừng tiến hành phun thuốc cho cây. Thời điểm này họ có thể phun 2 lần/tháng. 2-3 tháng thợ đào lại bón phân, bổ sung dinh dưỡng cho cây. Loại phân mà họ dùng là phân tổng hợp NPK, mỗi lần bón, thợ trồng đào chỉ bón lượng phân vừa đủ, không quá nhiều, tránh làm cây có thể nứt vỏ, chảy nhựa. Heo may tháng 8, người thợ tiến hành “hoạn đào”, khoanh vỏ trên những cành cây có mày hoa. Mục đích là để cây tập trung nuôi mày hoa, không phát triển cành, lá. Tháng 11 âm lịch hằng năm họ tuốt lá đào giúp cây nuôi hoa, chờ những bông đào đầu tiên nở cho mùa xuân mới.
Gia đình anh Trần Phát Ý, xóm 7, xã Nam Mỹ (Nam Trực) chăm sóc vườn đào Tết. |
Lộc rừng
Giữa tháng 12, tại vườn nhà anh Ý, trên một số gốc đào rừng, đặc biệt là giống Thất Thốn, những nụ đào đã chơm chớm hồng rồi nở bung lớp cánh dầy. Từ gốc đến cành, màu hồng đỏ cứ thế làm “ấm” lòng người đến thăm vườn ngày đông giá. Anh Ý hiện có 5 sào đào, trong đó có khoảng 40 gốc đào rừng có tuổi đời 30 năm. Anh Ý còn có 20 gốc đào Thất Thốn và khoảng 200 cây đào cành. Theo ước tính của anh Trần Phát Ý, xóm Tân Dân hiện có khoảng 500 cây đào rừng. Một số hộ trồng nhiều có thể kể đến như các anh Huân, anh Tứ, anh Thu… Ngoài trồng, ghép đào rừng, hầu hết trong những vườn đào tại xóm 7, nhà nào ít cũng có vài gốc đào Thất Thốn. Đây là giống đào quý của dân tộc Mèo với những đặc điểm: hoa đỏ thắm, nhụy vàng nổi bật, hoa kép, số lượng cánh trên một bông có thể nhiều gấp đôi ba lần các loại đào thường. Nếu cây ra ít hoa thì bền kỳ lạ, còn hoa nở nhiều thì chóng tàn hơn đào thường. Hương thơm của đào Thất Thốn thoang thoảng kiểu “đãi” mùi rất sang chứ không thơm ngào ngạt như hoa đào thường. Vì là giống đào “sang” nên giá của một cây đào Thất Thốn không hề rẻ. Tại vườn nhà anh Ý, 1 cây Thất Thốn nhỏ, rẻ nhất cũng có giá từ 4-5 triệu đồng. Có một số cây thậm chí được khách trả tới 30 triệu đồng. Đây là nguồn thu lớn của gia đình anh mỗi độ xuân về. Với giống đào rừng khác, giá cũng không hề rẻ, dao động từ 7 đến trên 10 triệu đồng/cây. Anh Ý đã từng bán được cây đào rừng với mức giá 35 triệu đồng. Hằng năm, trừ chi phí, anh Ý thu về khoảng 150 triệu đồng. Cũng đã nhiều năm nay, người trồng đào rừng ở Nam Mỹ ngoài hình thức “bán phứt” cây đào còn có thể cho khách thuê đào chơi Tết. Theo đó, khách hàng xuống vườn lựa chọn những cây đào ưng ý rồi thuê người trồng chở về nhà, các cơ quan, công sở để chơi Tết. Khách hàng lựa chọn hình thức thuê đào thường muốn chơi sớm, vì vậy trước Tết khoảng vài chục ngày, họ đã xuống vườn để chọn cây. Giá thuê đào thường dao động từ 3-4 triệu đồng/cây tùy kích thước to nhỏ, hoa trên cây nở nhiều hay ít. Cũng có gia đình đã chọn mua cây nhưng do không có thời gian chăm sóc nên sau khi chơi Tết xong lại gửi chủ vườn chăm hộ. Tết sang năm, họ xuống chở cây về, trả công đầy đủ cho chủ vườn. Trên chục năm gắn bó với cây đào rừng, anh Trần Phát Ý cũng như nhiều hộ trồng đào khác ở đất Nam Mỹ đều có lượng khách quen nhất định. Thậm chí, anh Ý bảo, khách hàng không cần đến vườn mà nhờ chủ vườn chụp ảnh gửi hình qua cho họ xem trước. Khách hàng ưng, nhờ chủ vườn đánh dấu là Tết cứ thế xuống vườn mang về nhà. Người trồng đào rừng ở Nam Mỹ bây giờ còn biết quảng bá, bán cây theo nhiều kiểu “tân tiến” khác như đưa lên facebook, giới thiệu cây hoặc quảng bá về nhà vườn trên mạng. Bỏ nhiều công phu để ghép cây, tạo tác dáng, chấp nhận xác suất cây có thể chết nhiều nhưng những hộ gia đình trồng đào rừng lâu năm ở Nam Mỹ vẫn kiên định với nghề. Bởi, “tính ra trồng đào rừng vẫn lãi hơn trồng đào truyền thống. Lộc rừng vẫn giúp chúng tôi nuôi được gia đình, lo cho con cái học hành. Thường chúng tôi kết hợp cả trồng đào rừng và đào truyền thống cho “chắc ăn”, anh Ý cười vui vẻ nói.
Vườn đào rừng nhà anh Ý cũng như nhiều hộ gia đình khác ở xóm 7 giữa tháng 12 dương lịch đã có người đến xem, đặt mua. Sau Nô-en, khách hàng đến vườn ngày một nhiều. Vài cây đào được anh đánh dấu chứng tỏ đã có khách đặt. Anh Ý còn hào hứng dẫn chúng tôi đi xem mấy gốc “đào thửa” được những vị khách tiếng tăm đặt mua từ nhiều năm trước. Đào truyền thống năm nay ở Nam Mỹ nhiều nhà thất thu do ảnh hưởng của đợt lũ lụt lịch sử hồi tháng 10. Tuy nhiên, với những người trồng đào rừng, họ không bị ảnh hưởng nhiều. Vì thế, một mùa vụ bội thu là điều người trồng đào rừng cầm chắc. Anh Ý hào hứng mời chúng tôi, khoảng 23 tháng Chạp sau Tết ông Công, ông Táo, các cô về xóm chơi để thấy không khí như “hội vườn đào”. Để từ đồng đất này, cây đào Nam Mỹ có cơ hội đến nhiều miền đất nước, để sắc thắm của một vùng trồng đào truyền thống ở Nam Định tỏa đi muôn nơi, làm đẹp thêm cho mùa xuân đất nước./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân