Năm 2017, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, ngày càng có thêm nhiều gia đình hội viên phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.
Sản xuất chăn ga gối đệm tại làng Sắc, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc). |
Để hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo, phát triển kinh tế, ngay từ đầu năm, Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo Hội Phụ nữ các huyện, thành phố rà soát, nắm chắc số lượng các hộ nghèo, đặc biệt là các đối tượng phụ nữ đơn thân, tàn tật, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ. Trên cơ sở đó hướng dẫn Hội Phụ nữ các xã, phường, thị trấn phân loại hộ nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ và có phương án hỗ trợ phù hợp về vốn, kiến thức, con giống, dạy nghề và tư vấn việc làm... để chị em vươn lên thoát nghèo. Các cấp Hội Phụ nữ cũng tiếp tục phát huy nội lực của các tầng lớp phụ nữ thông qua các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”. Đặc biệt, hoạt động tiết kiệm được duy trì tốt không chỉ giúp chị em có nguồn tiền dự phòng chủ động mà còn tạo thành nguồn vốn nội lực tại chỗ, động viên phụ nữ tự lực vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh còn tiếp tục phối hợp với ngành chức năng thành lập các mô hình tổ phụ nữ liên kết phát triển sản xuất như: Tổ chức lễ ra mắt HTX hoa và rau Long Hải, xã Nam Cường (Nam Trực). Tư vấn, hỗ trợ và thành lập 3 HTX: Tâm Sáng (TP Nam Định); Nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản Hải Đăng, xã Hải Lý (Hải Hậu); Sản xuất, kinh doanh dịch vụ Bình Minh, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng). Hội Phụ nữ các cấp cũng đã chú trọng khai thác các nguồn vốn cho phụ nữ vay để phát triển kinh tế và tạo việc làm cho lao động nữ ở địa phương. Trong năm 2017, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh tiếp tục nhận ủy thác các nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN và PTNT hỗ trợ cho hội viên phụ nữ vay vốn, phát triển sản xuất với tổng dư nợ 1.796,32 tỷ đồng cho 65.973 thành viên vay. 100% hộ gia đình được vay vốn đã sử dụng vốn vay hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo của địa phương. Bên cạnh đó, trong năm 2017, Ban quản lý quỹ quay vòng (Hội LHPN tỉnh) đã tiến hành khảo sát và giải ngân cho 1.098 hộ vay để xây dựng công trình vệ sinh hộ gia đình tại 28 xã của 6 huyện với tổng số tiền gần 6,6 tỷ đồng. Hoạt động quỹ TYM của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh tiếp tục phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 9/10 huyện, thành phố đã triển khai thực hiện tại 71 xã, phường với tổng dư nợ là 175,6 tỷ đồng cho 14.734 thành viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Hội LHPN các huyện, cơ sở và phối hợp, liên kết với các cơ sở dạy nghề trong tỉnh tổ chức dạy nghề cho 2.317 lao động nữ; giới thiệu việc làm sau đào tạo cho 1.969 lao động nữ, đạt 85%; hỗ trợ cho 47 phụ nữ khởi nghiệp. Các đơn vị làm tốt hoạt động này là Hội LHPN huyện Nghĩa Hưng, Thành phố Nam Định, huyện Mỹ Lộc. Các cấp Hội Phụ nữ còn phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT về sản xuất, chăn nuôi, khuyến nông, khuyến ngư, kiến thức về VSATTP, phương pháp trồng rau sạch… cho cán bộ, hội viên phụ nữ. Từ sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ các cấp, chị em phụ nữ đã tích cực tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế của địa phương; mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả; tham gia vào các hoạt động khuyến nông do các cấp Hội Phụ nữ phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức. Các hoạt động của mô hình “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, tham quan mô hình mới, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu cũng đã khuyến khích, thu hút đông đảo chị em tham gia, tạo ra sản phẩm cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
Thời gian tới, để hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động chị em tích cực tham gia đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, chú trọng phát triển HTX kiểu mới gắn với sản xuất sạch, sản xuất an toàn. Đề xuất xây dựng các chương trình, đề án, dự án nhằm phát huy vai trò của lực lượng lao động nữ, tập trung mở các lớp dạy nghề tạo việc làm, khởi sự doanh nghiệp. Hỗ trợ nguồn vốn gắn với giảm nghèo, tập trung giúp đỡ phụ nữ nghèo được vay vốn để phát triển kinh tế. Đẩy mạnh cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” bằng những việc làm cụ thể, phù hợp với nhu cầu của phụ nữ và điều kiện của địa phương./.
Bài và ảnh: Lam Hồng