Giao Thủy đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới

08:01, 15/01/2018

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất đã chỉ rõ phát triển kinh tế hợp tác được xác định là một nội dung hết sức quan trọng. Bởi đây là mô hình hỗ trợ đắc lực cho người dân phát triển sản xuất hiệu quả và bền vững nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Thực hiện Luật HTX năm 2012, đến nay, UBND huyện Giao Thủy đã chỉ đạo các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp tổ chức chuyển đổi theo Luật và đại hội HTX nhiệm kỳ mới nhằm phát triển kinh tế tập thể, tạo điều kiện cho các HTX thay đổi phương thức, hình thức phục vụ đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ thiết yếu và thỏa thuận của các thành viên.

Dịch vụ cung ứng giống, vật tư nông nghiệp của HTX SXKD DVNN Giao Hà, xã Giao Hà đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân.
Dịch vụ cung ứng giống, vật tư nông nghiệp của HTX SXKD DVNN Giao Hà, xã Giao Hà đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân.

Thăm HTX sản xuất nấm và mộc nhĩ Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận, tìm hiểu hoạt động của HTX, chúng tôi mới hiểu vì sao HTX đang được coi là “bà đỡ” về nguyên vật liệu cũng như bao tiêu sản phẩm cho các thành viên trong vùng. Đây là HTX sản xuất nấm và mộc nhĩ đầu tiên của huyện Giao Thủy được thành lập theo Luật HTX 2012. Hiện nay, ngoài thời gian làm nông nghiệp, các thành viên trong HTX lại cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm. Tuy là nghề phụ nhưng giờ đây nấm đã được xem như nguồn thu chính của các hộ thành viên HTX. Còn ở HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Giao Hà (xã Giao Hà), việc chuyển đổi HTX theo Luật đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về dịch vụ thiết yếu và thỏa thuận của các thành viên. Sau khi đại hội HTX và thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, sản xuất nông nghiệp ở Giao Hà đang tiến những bước tiến vững chắc, khâu làm đất, khâu thu hoạch đã cơ bản được cơ giới hoá. Cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, năng suất và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp đang chuyển đổi rõ rệt theo từng vụ, từng năm. HTX đã đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật gieo sạ trong vụ xuân, cấy bằng máy trong vụ mùa để giảm cơ bản lao động nặng nhọc và bảo đảm thời vụ với luân canh 3 vụ trong năm. Đặc biệt là liên doanh, liên kết với các địa phương và các doanh nghiệp tìm đầu ra cho cây vụ đông để mở rộng diện tích gieo trồng, đưa vụ đông thành vụ sản xuất hàng hoá, tạo thu nhập chính trong năm cho nông dân và sản xuất nông nghiệp của địa phương… Với việc tích cực đổi mới sản xuất cùng với thiết chế kinh tế nông nghiệp mới, HTX đang góp phần xây dựng NTM bằng chính nội lực và phát triển sản xuất một cách sáng tạo.

Hiện nay Giao Thủy có 37 HTX sản xuất, kinh doanh DVNN và 5 HTX diêm nghiệp. Đến nay, các HTX trên địa bàn huyện đã chuyển đổi tổ chức và hoạt động theo đúng Luật HTX năm 2012. Các HTX đều cân đối được thu chi và có lãi, doanh thu bình quân 1 HTX là 773,571 triệu đồng/năm. Nhìn chung, các HTX bước đầu hoạt động có hiệu quả, phát huy được vai trò trong tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Theo đánh giá của UBND huyện, việc thực hiện chuyển đổi sang hoạt động theo luật HTX năm 2012 đã tạo ra bước chuyển mới cho các HTX. Sau chuyển đổi, huyện đã chỉ đạo các địa phương mở rộng diện tích gieo sạ, triển khai thực hiện xây dựng cánh đồng mẫu lớn với mục tiêu: Khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất; đẩy mạnh các tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hoá đồng bộ các khâu sản xuất, giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, làm tiền đề cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, bền vững. Đến hết năm 2016, toàn huyện xây dựng được 21 mô hình cánh đồng mẫu lớn (vụ xuân 7 mô hình, vụ mùa 14 mô hình), diện tích 737ha (6,5% diện tích); sử dụng các giống BT7, BC15. Năm 2017, toàn huyện tiếp tục xây dựng được 15 mô hình cánh đồng mẫu lớn (vụ xuân 8 mô hình, vụ mùa 7 mô hình) với diện tích 562ha (chiếm 4,5% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn huyện). Đặc biệt trong năm 2017, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND 3 xã: Giao Tiến, Giao Thịnh, Giao Xuân  xây dựng 3 mô hình cánh đồng mẫu lớn, diện tích 157ha (Giao Tiến 50,4ha; Giao Thịnh 56,5ha; Giao Xuân 50,0ha) sử dụng giống lúa thuần chất lượng cao (vụ xuân sử dụng giống BT7; vụ mùa sử dụng giống BC15) và áp dụng quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh hướng dẫn. Có 1.088 hộ dân tham gia vào 3 mô hình, trước khi thực hiện, các hộ dân được các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với các HTX nông nghiệp tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất đảm bảo an toàn. Do áp dụng nghiêm túc quy trình hướng dẫn, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu làm đất, gieo cấy và thu hoạch đã giảm tối đa các chi phí sản xuất đầu vào nên hiệu quả kinh tế của các mô hình đều tăng thêm từ 7-9 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa đại trà. Ngoài ra do áp dụng quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên chất lượng thóc gạo đảm bảo, ngoài việc sử dụng làm thực phẩm cho gia đình, các hộ nông dân có sản lượng dư thừa đã được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường từ 300-500 đồng/kg. Bên cạnh đó, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 của huyện và thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện về chỉ đạo xây dựng cánh đồng lớn với diện tích từ 30 đến 150ha, các xã đều tổ chức triển khai xây dựng các mô hình liên kết bền vững về sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực, chủ yếu sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao BT7. Một số HTX đã năng động hơn trong việc ký kết hợp đồng để tiêu thụ sản phẩm. Kết quả đánh giá tiêu chí số 13 (về hình thức tổ chức sản xuất) theo Quyết định 1980/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, huyện Giao Thủy đã có 20/20 xã đạt chuẩn 100% tiêu chí số 13.

Tuy nhiên một vài HTX chuyển đổi chậm so với kế hoạch nguyên nhân chủ yếu là do lãnh đạo địa phương chưa thực sự quan tâm đến hoạt động của HTX, chưa sát sao trong việc chỉ đạo, giám sát, trong khi phần lớn cán bộ làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về HTX chủ yếu kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi nên công tác theo dõi, đôn đốc, tư vấn, hỗ trợ chưa chặt chẽ và kịp thời. Ở một số địa phương, cán bộ cấp xã can thiệp quá sâu vào hoạt động của HTX (yêu cầu HTX phải xin ý kiến chỉ đạo khi làm thủ tục chuyển đổi, đại hội thành viên, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh...). Bản thân các HTX cũng chưa nhận thấy hiệu quả, lợi ích của việc chuyển đổi theo quy định mới, còn lúng túng trong việc chuyển đổi bởi đây là quá trình chuyển đổi sang mô hình mới, thay đổi căn bản về quan hệ sở hữu, quan hệ kinh tế, quan hệ phân phối và mức vốn góp tối đa khi tham gia HTX. Đồng chí Vũ Thanh Tình, Phó Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy cho biết: Để tiếp tục thực hiện tiêu chí số 13 đưa xã đạt NTM theo đúng lộ trình, các xã, thị trấn trong huyện cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến những mô hình HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả cao để tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, người dân về vai trò, vị trí, tổ chức hoạt động của HTX. Từng địa phương phải khẩn trương triển khai đề án phát triển HTX nông nghiệp gắn với đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng NTM. Đồng thời mở thêm các loại hình dịch vụ liên quan đến việc giải quyết đầu ra ổn định cho những mặt hàng nông sản chủ lực của thành viên HTX và người dân địa phương./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com