Bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán

08:01, 30/01/2018

Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm “nóng” về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, bởi lợi dụng sức mua tăng, các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được đưa vào thị trường lưu thông. Thực tế tại một số chợ đầu mối trên địa bàn thành phố và các chợ nông thôn phần lớn các cơ sở giết mổ, kinh doanh gia súc gia cầm chưa qua kiểm dịch được bày bán tràn lan. Một số chợ đầu mối cung ứng các mặt hàng bánh kẹo, các loại hạt dưa, hạt bí, đồ khô… không rõ nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây nhiều bất ổn cho thị trường thực phẩm.

Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP tỉnh kiểm tra các mặt hàng rượu nhập khẩu tại Siêu thị Big C (TP Nam Định).
Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP tỉnh kiểm tra các mặt hàng rượu nhập khẩu tại Siêu thị Big C (TP Nam Định).

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về tăng cường bảo đảm công tác an toàn thực phẩm (ATTP) Tết Nguyên đán Mậu Tuất và lễ hội xuân 2018, Sở Y tế phối hợp với các ngành chức năng tích cực triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ATTP. Ban Chỉ đạo (BCĐ) liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh đã chỉ đạo thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ 1-1-2018 đến hết ngày 2-4-2018. Theo Chi cục ATVSTP tỉnh, các đoàn thanh tra, kiểm tra tập trung trọng tâm, trọng điểm vào những mặt hàng người dân sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội như thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, phụ gia thực phẩm, các cơ sở dịch vụ ăn uống. Trong đó các đoàn của tỉnh tập trung thanh tra, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do các đoàn thanh tra kiểm tra của cấp huyện và cấp xã thực hiện… Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn của tuyến trên làm việc với BCĐ liên ngành VSATTP của tuyến dưới để nắm bắt tình hình công tác bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội xuân năm 2018 tại địa phương; việc triển khai các biện pháp quản lý ATTP và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra. Quá trình kiểm tra tại các cơ sở kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục các kiến thức, các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP nhằm nâng cao nhận thức và ý thức bảo đảm ATTP trong cộng đồng. Hiện tại, toàn tỉnh đã thành lập 242 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP, trong đó tuyến tỉnh thành lập 3 đoàn (do Sở Y tế chủ trì, Sở NN và PTNT chủ trì, Sở Công thương chủ trì mỗi đoàn); tuyến huyện, thành phố thành lập 10 đoàn và tuyến xã, phường, thị trấn thành lập 229 đoàn. Dự kiến các đoàn thanh tra, kiểm tra sẽ kiểm tra hơn 3.000 cơ sở/tổng số 11.957 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm để phát hiện, xử lý các cơ sở vi phạm. Riêng 3 đoàn thanh tra, kiểm tra cấp tỉnh sẽ kiểm tra hơn 90 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống tại 6 huyện, thành phố gồm: Thành phố Nam Định và các huyện: Mỹ Lộc, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Giao Thủy, Vụ Bản, trong đó, đặc biệt chú trọng vào các loại thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết như rượu, bia, bánh kẹo, thuốc lá, các loại hạt nhuộm màu, sản phẩm chế biến từ thịt như giò, chả… Tại các cơ sở, đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đã nghe báo cáo việc chấp hành các quy định bảo đảm ATTP của cơ sở và kiểm tra thực tế cơ sở, sản phẩm thực phẩm, kiểm tra việc thực hiện các văn bản pháp luật, các quy định, quy chế ATTP từ khâu sản xuất, lưu thông phân phối, nhập khẩu, đến tiêu dùng… Đến thời điểm hiện tại, các đoàn đã thanh tra, kiểm tra được 50% trong tổng số hơn 90 cơ sở, gồm các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu bia, bánh kẹo, nhà hàng, cửa hàng đại lý bán rượu bia, bánh kẹo phục vụ Tết… Theo đánh giá bước đầu của 3 đoàn thanh tra, kiểm tra, năm nay công tác ATTP khá hơn so với những năm trước do nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo đảm ATTP của người dân được nâng lên. Điều kiện vệ sinh nhà xưởng, nơi sản xuất của các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm đã có tiến bộ nhiều so với những năm trước. Đặc biệt, các cơ sở lớn đã có ý thức chấp hành tốt ATTP như vệ sinh cơ sở sản xuất, dụng cụ, nguyên liệu, phụ gia chế biến thực phẩm có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; sản phẩm cũng được kiểm tra chất lượng định kỳ. Tuy vậy, qua đợt tranh tra, kiểm tra, vẫn còn một số tồn tại như: Nhiều cơ sở chưa có hóa đơn chứng từ, giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc thực phẩm, đặc biệt là nguồn nguyên liệu phụ gia thực phẩm. Vẫn còn một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về tem nhãn sản phẩm (như thiếu ngày sản xuất, thiếu thành phần chất lượng…). Tại các nhà hàng nhỏ, các cửa hàng ăn uống tuyến huyện, ý thức vệ sinh nhà xưởng, nơi kinh doanh chưa tốt. Đặc biệt, nhiều cửa hàng tuyến huyện chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh, không tập huấn cho nhân viên chế biến thực phẩm và khám sức khỏe cho người lao động. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, sản phẩm nào nghi ngờ chất lượng và độ an toàn, đoàn thanh tra, kiểm tra chỉ định lấy mẫu để thực hiện test nhanh hoặc mẫu nào cần kiểm nghiệm thì lấy mẫu gửi về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh kiểm nghiệm.

Từ nay đến Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2018, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành các tuyến trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn liên ngành các cấp sẽ tập trung xem xét các nội dung: giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, giấy chứng nhận sức khỏe đối với người lao động, giấy chứng nhận tập huấn kiến thức ATTP, hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm đối với những sản phẩm bắt buộc phải công bố tiêu chuẩn, nhãn sản phẩm hàng hóa, tài liệu quảng cáo, hồ sơ đăng ký quảng cáo; hồ sơ nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, hồ sơ theo dõi về chất lượng sản phẩm, điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, điều kiện về con người, các quy định khác của pháp luật có liên quan và lấy mẫu kiểm nghiệm khi cần thiết. Cùng với tăng cường các hoạt động thanh kiểm tra, các ngành chức năng, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông lưu động vào những ngày sát Tết Nguyên đán và lễ hội, tập trung vào việc phổ biến các quy định, tiêu chuẩn và phổ biến hướng dẫn các kỹ thuật, kiến thức cho người sản xuất, người kinh doanh dịch vụ và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Chi cục ATVSTP tỉnh thành lập 2 đội thường trực để phục vụ công tác điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm. Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện tuyến tỉnh, hệ thống trung tâm y tế các huyện thành lập các đội cấp cứu cơ động khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra; chỉ đạo tuyến y tế cơ sở tích cực triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP cho người dân đón Tết Nguyên đán vui tươi, an toàn./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com