Làng nghề thôn Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực) có 105 hộ chuyên sản xuất các mặt hàng xoong, nồi, chảo, mâm… từ nhôm. Ngoài ra một số hộ chuyên làm công việc nhúng rửa và đúc thỏi nhôm (gồm 56 hộ đúc thỏi, 110 hộ nhúng rửa có sử dụng hóa chất). Việc xử lý chất thải (nước thải, khí thải, rác thải), vệ sinh môi trường làng nghề từ nhiều năm qua luôn là vấn đề nan giải. Gần đây, một số cơ quan thông tin đại chúng phản ánh về thực trạng các cơ sở sản xuất mặt hàng xoong, nồi từ nhôm phế thải tại thôn Bình Yên trong quá trình sản xuất có sử dụng các hóa chất không rõ nguồn gốc để tẩy trắng, làm bóng sản phẩm; sản phẩm sau khi sản xuất sử dụng tem nhãn của các cơ sở khác… Các sản phẩm này có nguy cơ gây thôi nhiễm chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời vi phạm về nhãn hàng hóa.
Ngay sau khi có thông tin trên, Chi cục ATVSTP tỉnh đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường tỉnh và chính quyền địa phương thống nhất triển khai các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn đối với bao bì, dụng cụ bằng kim loại chứa đựng thực phẩm và hoạt động thương mại tại làng nghề. Sở Y tế cũng ban hành Công văn 1219/2017 gửi UBND huyện Nam Trực để chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương và UBND xã Nam Thanh rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất mặt hàng trên tại địa bàn; phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tiến hành triển khai, hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở ký cam kết trách nhiệm để thực hiện các quy định của pháp luật; phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tổ chức buổi làm việc với UBND xã Nam Thanh để nắm tình hình các cơ sở sản xuất mặt hàng trên tại địa bàn và bàn các giải pháp để triển khai thực hiện. Các ngành chức năng cũng phối hợp với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức cho người sản xuất về đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, từng bước giảm thiểu nguy cơ thôi nhiễm từ dụng cụ vào thực phẩm. Hiện tại, đã có hơn 200 hộ gia đình của thôn Bình Yên liên quan tới việc sản xuất các mặt hàng gia dụng trên được tiếp cận tuyên truyền. Cùng với tuyên truyền, các ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra, hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở ký cam kết trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về công tác đảm bảo ATTP đối với dụng cụ chế biến thực phẩm và trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa. Đầu tháng 11-2017, UBND xã Nam Thanh đã phối hợp với Chi cục ATVSTP và Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tổ chức lớp tập huấn phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), về hoạt động thương mại cho 105 chủ cơ sở sản xuất các mặt hàng xoong, nồi, ấm, chảo, mâm… và các hộ cô đúc nhôm, nhúng tẩy rửa qua hóa chất, cán nhôm để làm ra các loại sản phẩm trên. Tại lớp tập huấn, chủ các cơ sở được phổ biến các quy định an toàn đối với bao bì, dụng cụ chứa đựng thực phẩm như: Hồ sơ pháp lý về ATTP; giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, quy định về điều kiện VSATTP đối với cơ sở sản xuất và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về ATTP. Đặc biệt, chủ các cơ sở được nâng cao nhận thức về việc tuân thủ các quy định của pháp luật và sự cần thiết phải cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật trong sản xuất hàng hóa liên quan tới thực phẩm như: Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định; Đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Chi cục ATVSTP tỉnh) trước khi lưu thông ra thị trường; Sản xuất từ nguyên vật liệu an toàn, bảo đảm không thôi nhiễm các chất độc hại, mùi vị lạ vào thực phẩm, bảo đảm chất lượng thực phẩm trong thời hạn sử dụng; Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, tuân thủ quy định đối với dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm do Bộ Y tế ban hành (QCVN 12-3: 2011/BYT). Trong thời gian tập huấn, chủ các cơ sở sản xuất trực tiếp thảo luận, trao đổi với các nhà quản lý để nâng cao nhận thức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sau khi được tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong sản xuất hàng hóa, địa phương đã tổ chức cho 130 cơ sở sản xuất ký cam kết trách nhiệm với các cơ quan chức năng thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về VSATTP trong sản xuất các mặt hàng chứa đựng thực phẩm và các hoạt động thương mại liên quan.
Các giải pháp tích cực trên bước đầu đã góp phần nâng cao nhận thức cho người sản xuất sản phẩm gia dụng của xã Nam Thanh về đảm bảo ATTP, từng bước giảm thiểu nguy cơ thôi nhiễm từ dụng cụ vào thực phẩm qua việc cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật trong sản xuất hàng hóa. Đây cũng là hoạt động thiết thực nhằm thực hiện Thông tư 15/2012/TT-BYT; Thông tư 16/2012/TT-BYT của Bộ Y tế, quy định về điều kiện chung đảm bảo ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng liên quan đến thực phẩm như: “Trang thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm phải được thiết kế chế tạo bảo đảm an toàn; được làm bằng vật liệu không gây ô nhiễm thực phẩm; phù hợp với yêu cầu công nghệ sản xuất, dễ làm sạch, khử trùng, bảo dưỡng”; “được chế tạo bằng vật liệu không độc, ít bị mài mòn, không bị han gỉ, không thôi nhiễm các chất độc hại vào thực phẩm, không gây mùi lạ hay làm biến đổi thực phẩm”; “Chỉ sử dụng các hoá chất tẩy rửa, sát trùng theo quy định của Bộ Y tế”, góp phần nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ sở sản xuất trong việc đảm bảo ATTP đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc quản lý của ngành Y tế./.
Minh Thuận