Tính đến ngày 30-9-2017, toàn tỉnh có lũy tích 5.575 người nhiễm HIV; trong đó có 3.253 người bị bệnh AIDS; 1.423 bệnh nhân AIDS đã tử vong. Dịch HIV xuất hiện tại 10/10 huyện, thành phố, 224/229 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Riêng trong 9 tháng năm 2017, đã phát hiện 112 trường hợp nhiễm HIV, 23 trường hợp tử vong vì bệnh AIDS. Qua giám sát phát hiện cho thấy nguy cơ lây nhiễm HIV cao qua đường tình dục là 47,1% và đường máu là 45,8%. Trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện, có 38,8% là người nghiện chích ma túy (NCMT); 44% trường hợp nhiễm trong độ tuổi từ 30-39 tuổi và nam giới chiếm 62,3% trong số người nhiễm HIV được phát hiện. Mặc dù dịch HIV/AIDS tại tỉnh ta không tăng nhanh như những năm trước song vẫn tiềm ẩn các yếu tố nguy cơ bùng phát trở lại trong khi nguồn kinh phí quốc tế tài trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đã và đang trong giai đoạn bị cắt giảm mạnh; nguồn ngân sách địa phương cho các hoạt động chuyên môn còn thấp.
Trước thực trạng trên, Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm từ tỉnh đến các huyện, thành phố đã tăng cường các giải pháp phòng chống HIV/AIDS. Công tác truyền thông huy động cộng đồng được đẩy mạnh; đặc biệt trong các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao như NCMT, phụ nữ bán dâm (PNBD), người di biến động… bằng nhiều hình thức truyền thông với nội dung phong phú. Trong 9 tháng đầu năm 2017, đã có 240 cuốn tạp chí “AIDS và cộng đồng” được cấp phát tới các sở, ban, ngành và Trung tâm Y tế 10 huyện, thành phố; 25 nghìn tờ rơi về BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS được phân phát tới các cơ sở dự phòng, chăm sóc điều trị HIV/AIDS, các xã, phường trên toàn tỉnh; 408.782 lượt người trên địa bàn tỉnh được truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh phối hợp với Trung tâm Truyền thông - GDSK tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Sở GD và ĐT tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về HIV/AIDS cho cán bộ các đơn vị.
Tư vấn cách dùng thuốc và chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tại Phòng khám Chuyên khoa HIV/AIDS và Điều trị nghiện chất Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. |
Công tác giám sát HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV được tiếp tục triển khai với Chương trình phân phát bơm kim tiêm (BKT), bao cao su (BCS) cho nhóm có nguy cơ cao tại các huyện Giao Thủy, Hải Hậu với các hoạt động như phân phát BKT miễn phí cho nhóm NCMT và thu gom BKT đã qua sử dụng thông qua đội ngũ CTV đồng đẳng và cán bộ trạm y tế xã, phường. Từ đầu năm đến hết tháng 9-2017, đã có khoảng 474.750 BKT được phát cho 1.441 người NCMT và giới thiệu cho 672 người tiếp cận dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã tổ chức 1 lớp tập huấn về lấy máu xét nghiệm sàng lọc HIV cho nhóm CTV đồng đẳng để triển khai chương trình xét nghiệm HIV cho nhóm NCMT thông qua đội ngũ này. Chương trình phân phát BCS được thực hiện trong các nhóm NCMT tại các huyện Giao Thủy, Hải Hậu; nhóm phụ nữ mại dâm tại huyện Giao Thủy và nhóm nam có quan hệ tình dục với nam (MSM) tại Thành phố Nam Định thông qua đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng. Đến ngày 30-9-2017, có 93.351 BCS được phân phát cho 2.432 lượt người và giới thiệu cho 489 người tiếp cận với dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV. Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được triển khai với 8 cơ sở Methadone hoạt động, điều trị cho 1.909 bệnh nhân, gồm cơ sở Methadone đặt tại Trung tâm y tế các huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh, Hải Hậu; cơ sở Methadone Thành phố Nam Định đặt tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh; cơ sở Methadone đặt tại Trung tâm cai nghiện huyện Nam Trực, Phòng khám Đại Đồng và Trung tâm bảo trợ và phòng, chống tệ nạn xã hội huyện Giao Thủy; 1 cơ sở cấp phát thuốc Methadone tại Trung tâm Y tế Thành phố Nam Định. Qua đó giúp bệnh nhân không còn lệ thuộc và sử dụng ma túy, nâng cao sức khỏe, ổn định tâm lý, tái hòa nhập cộng đồng. Chương trình tư vấn xét nghiệm HIV/AIDS được thực hiện tại các bệnh viện, các cơ sở y tế và 10 phòng tư vấn xét nghiệm HIV đặt tại Trung tâm y tế các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh, Mỹ Lộc, Thành phố Nam Định và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. Đến ngày 30-9-2017, đã tư vấn và xét nghiệm cho 4.424 người; trong đó phát hiện 99 người có HIV dương tính. Ngoài ra, đã triển khai công tác chuyển gửi khách hàng có HIV dương tính từ các phòng tư vấn xét nghiệm HIV sang các cơ sở điều trị HIV/AIDS để bệnh nhân HIV được chăm sóc điều trị ARV. Kết quả tỷ lệ chuyển gửi khách hàng HIV dương tính thành công là 81,5%.
Chương trình chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS tích cực được thực hiện. Toàn tỉnh có 8 cơ sở điều trị HIV/AIDS, trong đó 6 cơ sở của dự án Quỹ toàn cầu đặt tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Bệnh viện Đa khoa các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Xuân Trường, Ý Yên, Nghĩa Hưng và 2 cơ sở của dự án VAAC-US.CDC đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Nhi tỉnh. Các cơ sở điều trị HIV/AIDS thực hiện khám, tư vấn và điều trị HIV/AIDS, các bệnh nhiễm trùng cơ hội cho bệnh nhân HIV/AIDS. Đến ngày 30-9-2017 toàn tỉnh đã có 1.310 bệnh nhân đang điều trị ARV trong đó có 1.241 người lớn và 69 trẻ em, tỷ lệ tham gia BHYT của bệnh nhân điều trị ARV đạt 84,7%. Đến nay đã có 6/8 cơ sở tại các huyện và trung tâm phòng, chống HIV/AIDS thực hiện điều trị HIV/AIDS thanh toán qua BHYT. Năm 2017 bắt đầu triển khai cấp phát thuốc ARV tại tuyến xã ở các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Ý Yên với 64 bệnh nhân được cấp phát thuốc; thành lập 2 cơ sở cấp phát thuốc ARV tại bệnh viện huyện. Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai tại 3 cơ sở: Bệnh viện Phụ sản tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện Giao Thủy, Hải Hậu với các hoạt động như tư vấn và xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai (PNMT), điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho PNMT nhiễm HIV. Đến ngày 30-9-2017 có 20.391 PNMT được xét nghiệm HIV và phát hiện 24 PNMT nhiễm HIV (gồm 19 PNMT được phát hiện nhiễm HIV và 5 PNMT đang được điều trị ARV trước khi có thai). 23 trẻ đẻ sống từ mẹ nhiễm HIV và 100% được điều trị dự phòng lây truyền mẹ con.
Với các giải pháp tích cực, công tác phòng chống HIV/AIDS đã đạt được kết quả đáng ghi nhận: Dịch HIV/AIDS giảm cả ba tiêu chí: Số người nhiễm mới HIV được phát hiện, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong do AIDS. Tỉnh ta đã triển khai toàn diện, hiệu quả các dịch vụ can thiệp về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống HIV ở tỉnh ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Tình trạng lây nhiễm HIV vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, độ bao phủ của các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế: 4/10 huyện chưa có phòng khám ngoại trú, 4/10 huyện chưa có cơ sở điều trị Methadone, chương trình phân phát BKT hiện chỉ còn triển khai tại huyện Giao Thủy và huyện Hải Hậu. Việc tiếp cận các nhóm có hành vi nguy cơ cao như NCMT, PNBD, MSM còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh số lượng tuyên truyền viên đồng đẳng cho các nhóm này đang bị cắt giảm do thiếu hụt kinh phí… Các dự án như: Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Chương trình tiếp cận cộng đồng, chương trình Lao - HIV bị ngừng viện trợ; Chương trình tư vấn xét nghiệm HIV bị cắt giảm kinh phí. Nguồn ngân sách địa phương cho các hoạt động chuyên môn còn thấp.
Hưởng ứng Chiến dịch phòng chống AIDS toàn cầu, Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1-12) và Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2017 với chủ đề “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020” (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác). Để thực hiện mục tiêu công tác phòng chống HIV/AIDS trong năm 2018 là: Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh cần tiếp tục nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS bằng nguồn ngân sách địa phương, bảo đảm ngân sách hằng năm cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là cung cấp các dịch vụ điều trị bằng thuốc kháng vi-rút cho người nhiễm HIV/AIDS, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc chi trả dịch vụ điều trị HIV/AIDS từ quỹ BHYT. Các nhà quản lý, mỗi tổ chức xã hội, mỗi gia đình, cộng đồng cần tăng cường sự hỗ trợ cho người nhiễm HIV/AIDS, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIVAIDS; tạo điều kiện cho họ chủ động tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm nâng cao ý thức phòng lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng./.
Bài và ảnh: Minh Thuận