Thời gian qua, mô hình chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng đã được triển khai ở 10 xã của huyện Xuân Trường với mong muốn đem lại cho bản thân những người có HIV và gia đình cuộc sống ổn định hơn, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Đồng chí Mai Ngọc Vinh, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện cho biết: Mô hình đã đa dạng các hình thức hoạt động như: thành lập và tổ chức sinh hoạt mạng lưới đồng đẳng định kỳ hằng tháng, tư vấn trực tiếp tại gia đình có thành viên nhiễm HIV; chăm sóc tại nhà cho các bệnh nhân; cấp phát các nhu yếu phẩm cần thiết…, tạo môi trường gần gũi, thân thiện giúp người có HIV hòa nhập với cộng đồng. Chị Phạm Thị Tựu, cán bộ chuyên trách dân số - KHHGĐ xã Xuân Thành kiêm tổ trưởng tổ chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS của xã đã nhiều năm gắn bó với những người nhiễm HIV tâm sự: Tâm lý mặc cảm của những người nhiễm HIV đã thúc đẩy chúng tôi - những người thực hiện mô hình chăm sóc hỗ trợ người nhiễm HIV phải tích cực tuyên truyền hơn nữa nhằm giảm sự kỳ thị và mặc cảm để những người có HIV sớm hòa nhập cộng đồng. Tiêu biểu như chị Nguyễn Thị N, xã Xuân Thượng, có hai cháu gái, cháu lớn tên T.A, sinh năm 2005. Do không biết mình bị nhiễm HIV nên chị Nhung không điều trị dự phòng, vì thế cháu T.A bị dương tính với HIV. Cháu thứ hai tên A.T sinh năm 2007, lúc này chị N đã biết bệnh của mình nên được các bác sĩ tư vấn điều trị dự phòng. Cháu AT may mắn âm tính với HIV. Được sự động viên, quan tâm chia sẻ của đội ngũ cán bộ chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng, giờ đây tâm lý của chị N ổn định, tự tin, tích cực tham gia vào các phong trào thực hiện mô hình tư vấn hỗ trợ người có HIV tại gia đình và cộng đồng.
Tư vấn về sức khoẻ cho người nhiễm HIV tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. |
Theo số liệu thống kê, dịch HIV xuất hiện tại 10/10 huyện, thành phố, 224/229 xã, phường, thị trấn trong tỉnh; trong đó có 5.575 người nhiễm HIV; có 3.253 người bị bệnh AIDS. Tỉnh ta là một trong 15 địa phương triển khai Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS. Mục tiêu của Dự án đề xuất là cung cấp dịch vụ dự phòng HIV cho người tiêm chích ma túy (PWID), nam quan hệ đồng tính (MSM), phụ nữ hoạt động mại dâm (FSW) và người chuyển giới (TGW); củng cố hệ thống cộng đồng bền vững và thích ứng trong phòng, chống HIV/AIDS; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các khách hàng tiếp cận với các dịch vụ y tế. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 4 nhóm, gồm: Nắng mới, Ngô Đồng, Hành trình mới, Gió biển với 46 tiếp cận viên (TCV) hoạt động tại 10 huyện, thành phố, thực hiện các mục tiêu của Dự án là: Cung cấp các gói dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV cho những người TCMT, PNMD, MSM; Củng cố hệ thống cộng đồng nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia một cách hiệu quả và bền vững vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS... Trong 9 tháng đầu năm 2017, về công tác tiếp cận, chăm sóc và chuyển gửi khách hàng đến dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, tất cả các nhóm đều đã được triển khai mô hình xét nghiệm nhanh ngoài cộng đồng. Trong đó, nhóm Ngô Đồng đã chuyển hoàn toàn sang làm laytest với số lượng 300 khách hàng được làm; nhóm Hành trình mới đã làm được 200 khách hàng, nhóm Gió biển làm được 150 khách hàng và nhóm Nắng mới đã làm được 150 khách hàng. Tổng số lượng khách hàng làm laytest của tất cả các nhóm là 800 khách hàng, chiếm 90% các ca được chuyển gửi làm xét nghiệm HIV. Anh Lê Văn Qua, phụ trách Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Giai đoạn 2018-2020, mục tiêu chung mà Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS hướng tới là tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và tổ chức dựa vào cộng đồng vào phòng, chống HIV/AIDS để góp phần đạt mục tiêu 90-90-90 và chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.
Đến nay, mạng lưới cơ sở điều trị HIV/AIDS tại tỉnh ta đã được kiện toàn theo mô hình mới với 8 cơ sở, bao gồm: Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện Nhi tỉnh; Phòng khám Chuyên khoa HIV/AIDS và Điều trị nghiện chất, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh; khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Ý Yên. Điều trị ARV đang được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhất trong phòng, chống HIV/AIDS. Các hoạt động chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV bằng ARV đã góp phần giảm tỷ lệ tử vong, kéo dài cuộc sống của người nhiễm, khống chế sự lây truyền của HIV; góp phần khống chế đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Tuy nhiên, hiện nay việc duy trì và mở rộng điều trị ARV cho người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn: Số lượng người nhiễm HIV mặc dù đã giảm, nhưng chưa ổn định. Số lũy tích người nhiễm HIV và AIDS vẫn tiếp tục tăng cao, gây khó khăn cho công tác phòng chống cũng như điều trị đối với người nhiễm HIV/AIDS. Trên địa bàn tỉnh vẫn còn 35,7% số người nhiễm HIV chưa được điều trị hoặc chưa đủ điều kiện điều trị. Đặc biệt, việc duy trì và mở rộng điều trị ARV gặp nhiều khó khăn do các nguồn viện trợ nước ngoài cho phòng, chống HIV/AIDS đang cắt giảm mạnh. Vấn đề kinh phí để mua thuốc ARV, kinh phí cho điều trị, xét nghiệm HIV, xét nghiệm tế bào CD4, tải lượng vi-rút, điều trị nhiễm trùng cơ hội cho bệnh nhân HIV đang là nhu cầu bức thiết nhưng hiện nay, tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh còn thấp, mới chỉ đạt khoảng 44,9%. Nhằm đạt được mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, công tác xét nghiệm phát hiện người nhiễm HIV được triển khai rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Chương trình tư vấn xét nghiệm HIV/AIDS được thực hiện tại các bệnh viện đa khoa, các cơ sở y tế và 10 phòng tư vấn xét nghiệm HIV đặt tại Trung tâm Y tế các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh, Mỹ Lộc, Thành phố Nam Định và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh. Trong 9 tháng đầu năm 2017, đã tư vấn và xét nghiệm cho 4.424 người, phát hiện 99 người có HIV dương tính.
Từ nay đến năm 2020, tỉnh ta đặt ra mục tiêu: Triển khai khám, chữa bệnh HIV/AIDS thông qua BHYT tại 10 huyện, thành phố; 90% người nhiễm HIV trên địa bàn được quản lý tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS và được điều trị ARV; đảm bảo cho bệnh nhân được tiếp cận với cơ sở khám, chữa bệnh HIV/AIDS phù hợp theo quy định. Hiện tại Sở Y tế đang nỗ lực đẩy nhanh việc thanh toán thuốc ARV qua BHYT, chỉ đạo các đơn vị thực hiện mở rộng tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia BHYT, đồng thời tích cực huy động các nguồn viện trợ quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS qua các giải pháp: Tăng cường tiếp cận với chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. Mở rộng cải thiện chất lượng chăm sóc điều trị HIV/AIDS. Tăng cường năng lực của các cơ sở điều trị HIV/AIDS. Tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về quyền lợi, trách nhiệm, cách thức tham gia BHYT. Bởi khi nguồn viện trợ cho công tác điều trị ARV bị cắt giảm thì BHYT là nguồn tài chính cơ bản và bền vững để điều trị ARV cho người bệnh HIV/AIDS trong thời gian tới. Do vậy, cùng với ngành Y tế, các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị các điều kiện cần thiết sớm thực hiện chi trả điều trị HIV/AIDS qua BHYT./.
Bài và ảnh: Việt Thắng