Nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, thời gian qua, Hội LHTN tỉnh đã triển khai sâu rộng phong trào “Thanh niên lập thân lập nghiệp, làm giàu chính đáng”. Qua phong trào, nhiều thanh niên đã khởi nghiệp thành công, vươn lên làm giàu, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Sinh viên khối các trường đại học, cao đẳng tìm hiểu thông tin nghề nghiệp, việc làm tại Ngày hội việc làm, hướng nghiệp, khởi nghiệp cho thanh niên Nam Định năm 2017. |
Sinh năm 1993, mới 24 tuổi nhưng Bùi Đức Quý, Thượng Thôn, xã Yên Tiến (Ý Yên) đã có “thâm niên” 7 năm nuôi gà Đông Tảo. Sau 7 năm gắn bó với giống gà quý, có giá trị kinh tế, Quý trở thành triệu phú từ nghề nuôi gà, trang trại gà Đông Tảo Đức Quý được đông đảo người chơi gà trong nước biết tới. Tốt nghiệp THPT, không giống nhiều bạn trẻ khác, Bùi Đức Quý không thi đại học mà đi làm ngay. Quý đã từng thử sức ở lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong khoảng 2 năm tại Hà Nội. Trong một lần lên mạng vô tình đọc được thông tin về gà Đông Tảo, Quý nghĩ ngay tới việc nuôi và gây đàn. Để nuôi được gà, Quý lên tận “thủ phủ” của gà Đông Tảo, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên mua gà giống và học nghề. “Khi đó, gà giống 1 tháng tuổi được bán với giá 250 nghìn đồng/con, em mua luôn 30 con về nuôi. Khi đó, nhiều người trong và ngoài huyện biết đã tìm đến thăm, hỏi mua. Thấy có thể phát triển được giống gà quý, năm 2012, em quyết tâm lập trại nuôi gà Đông Tảo”, Quý chia sẻ. Bước đầu xây dựng trang trại, Quý gặp nhiều khó khăn về vốn. Để giải quyết bài toán về vốn, Quý đã tìm đến các nguồn vay như anh em, bạn bè. Quý còn được tổ chức Đoàn, Hội trong xã hỗ trợ để vay vốn ngân hàng. Có vốn, Quý bắt tay ngay vào xây dựng chuồng trại. Quý “cải tạo” khu vườn 250m2 của gia đình để xây dựng trang trại nuôi gà. Chuồng nuôi gà Đông Tảo của Quý được thiết kế với chiều cao từ 2,5-3,5m nhằm đảm bảo giữ ấm vào mùa đông và thoáng mát về mùa hè. Trên diện tích đó, Quý chia thành các khu chuồng khác nhau cho từng loại gà theo lứa tuổi. Quý dành một khu để nhân giống, một khu nuôi gà hậu bị (từ 1 đến 6 tháng tuổi) và một chuồng để úm gà (nuôi gà thịt). Quý còn mua thêm 200 gà một tháng tuổi để “lên đàn”, tổng kinh phí đầu tư trang trại là 250 triệu đồng. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi, phòng dịch chưa đúng cách nên gà giống rồi gà thịt của Quý bị chết nhiều, ước tính thiệt hại lên đến trên 150 triệu đồng. Không nản chí, Bùi Đức Quý xác định, muốn thành công, trước hết phải có nền tảng kiến thức, hiểu biết vững chắc về giống vật nuôi. Không có cách nào khác là phải học hỏi, nâng cao kiến thức, Quý lại lặn lội tìm đến các hộ nuôi gà lâu năm ở Đông Tảo quyết tâm học nghề từ đầu. Ngoài ra, Quý còn đọc, tìm hiểu thêm về kỹ thuật nuôi gà qua sách báo, ti vi, mạng internet, tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT trong chăn nuôi do tổ chức Đoàn, Hội phối hợp tổ chức. Thấy mô hình nào hay, hiệu quả kinh tế cao, không quản đường sá xa xôi, chàng thanh niên trẻ “lân la” tìm đến học hỏi thêm kinh nghiệm. Thực hiện nghiêm ngặt quy trình cho ăn và phòng dịch cho gà, đến nay trại gà Đông Tảo của Quý có khoảng trên 100 con gà ở đủ các lứa tuổi. Với mức giá dao động từ 200-300 nghìn đồng/con gà giống; gà thịt có mức giá trung bình 200-500 nghìn đồng/kg; gà trưởng thành từ 7 tháng tuổi trở lên dao động từ trên 1-10 triệu đồng/con, hằng năm trại gà của Quý cho thu nhập từ 200-250 triệu đồng.
Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp, Hội LHTN các cấp đã tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế thông qua các hoạt động như: chuyển giao tiến bộ KHKT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, làm thuỷ lợi nội đồng, đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên; xây dựng các công trình phúc lợi, đường giao thông nông thôn… Nét nổi bật trong thời gian qua là thanh niên toàn tỉnh tích cực thực hiện các phong trào: “4 mới” và cuộc vận động “Thanh niên làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia xoá đói giảm nghèo” và “Thanh niên nông thôn thi đua sản xuất, kinh doanh”. Theo đó, trong 5 năm trở lại đây, có 12.159 hộ gia đình thanh niên đăng ký đi đầu trong việc ứng dụng KHKT vào sản xuất; thành lập mới 15 CLB thanh niên sản xuất giỏi áp dụng mô hình HTX sản xuất. Toàn tỉnh có 354 câu lạc bộ phát triển kinh tế do Đoàn, Hội xã, phường, thị trấn thành lập thu hút 3.521 thành viên tham gia. Phong trào "4 mới" (kỹ thuật mới, ngành nghề mới, thị trường mới, mô hình mới) tiếp tục được các tầng lớp thanh niên trong tỉnh tích cực hưởng ứng và cụ thể hoá, tập trung vào việc nâng cao trình độ, khả năng tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi giải quyết việc làm và nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Thực hiện cuộc vận động “Thanh niên làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia xoá đói giảm nghèo”, các cấp Hội đã tích cực tham gia giải quyết việc làm và dạy nghề cho thanh niên bằng nhiều hình thức. Hội LHTN các huyện và thành phố đã chủ động phối hợp các ban, ngành liên quan, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn đẩy mạnh phát triển các nghề truyền thống để tạo việc làm tại chỗ cho thanh niên. Ngoài ra, các cơ sở Hội còn động viên thanh niên đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên, tranh thủ sự hỗ trợ của các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo dạy nghề trên địa bàn, phát triển các làng nghề truyền thống như dệt may, cơ khí, đúc đồng... Đối với thanh niên khối trường học, thanh niên công chức, các cấp bộ Hội cũng tổ chức nhiều phong trào thi đua khác nhau nhằm giúp thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Theo đó, trong các trường THPT, các hoạt động "Tư vấn mùa thi”, diễn đàn thanh niên "Chọn nghề cho tương lai", “Sáng tạo trẻ”… được định kỳ tổ chức. 5 năm trở lại đây, Tỉnh Đoàn, Hội LHTN tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề thanh niên khu vực sông Hồng tổ chức được trên 120 buổi tư vấn, hướng nghiệp, thu hút gần 30 nghìn ĐVTN trong các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh có 53.455 thanh niên được tư vấn hướng nghiệp, 14.503 thanh niên được giới thiệu việc làm, 3.990 thanh niên được tổ chức Đoàn, Hội tư vấn xuất khẩu lao động và 670 bộ đội xuất ngũ được giải quyết việc làm... Đặc biệt, thông qua việc thành lập các chi hội nghề nghiệp, CLB sản xuất, kinh doanh trẻ, CLB Sáng tạo khởi nghiệp đã giới thiệu và tạo việc làm tại chỗ cho trên 9.000 thanh niên có việc và thu nhập ổn định. Từ trong phong trào “Thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng” đã xây dựng được một lớp thanh niên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Từ năm 2012 đến nay, tổ chức Hội đã tổ chức tuyên dương 95 mô hình; 725 gương thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi…
Có thể nói, những hoạt động trong phong trào “Thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng” do Hội LHTN tỉnh triển khai thời gian qua không chỉ có tác dụng trong việc khuyến khích, cổ vũ và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp mà còn khẳng định vai trò “bà đỡ” của tổ chức Đoàn, Hội với thanh niên. Thông qua phong trào còn thu hút, tập hợp được đông đảo các tầng lớp thanh niên tham gia vào tổ chức Hội, góp phần xây dựng tổ chức Hội LHTN các cấp ngày càng vững mạnh./.
Bài và ảnh: Hoa Quyên