Thành phố Nam Định xử lý vi phạm đê điều, công trình thủy lợi

05:11, 04/11/2017

Thành phố Nam Định có 2 sông lớn chảy qua địa bàn gồm sông Hồng qua địa bàn xã Nam Phong và phường Lộc Hạ với chiều dài 1,5km; sông Đào qua 3 xã và 8 phường nội thành với chiều dài 6,5km. Có hơn 13km đê cấp I, gồm đê sông Hồng và đê sông Đào; có 4 cống qua đê gồm: cống tự tiêu Kênh Gia, cống trạm bơm Kênh Gia, cống Ngô Xá, cống Vạn Diệp. Về kè có 4 đoạn gồm: kè Vạn Hà đê hữu sông Hồng dài 1.152m thuộc phường Lộc Hạ; kè Tam Phủ - Ngô Xá đê hữu sông Hồng dài 2.424m thuộc địa phận xã Nam Phong và kè đê hữu sông Đào dài 350m. Là khu vực dân cư đông đúc nên tình trạng vi phạm công trình đê điều, thủy lợi diễn ra phức tạp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tuyến đê, ảnh hưởng đến công tác phòng chống lụt bão, làm ách tắc, thu hẹp dòng chảy, khó khăn cho việc tiêu thoát nước, gây ô nhiễm môi trường đối với các tuyến kênh.

Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 25-6-2014 của UBND tỉnh về việc “Tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi”, UBND Thành phố Nam Định đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố; xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Tổ chức tuyên truyền những nội dung cơ bản của Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Đất đai và Chỉ thị số 14 của UBND tỉnh. Ban chỉ đạo xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi đã tiến hành thống kê, rà soát phân loại vi phạm, trên cơ sở đó vận động các gia đình, tổ chức vi phạm ký cam kết, nhận thức rõ vi phạm và tự tháo dỡ, giải tỏa. Tổ chức các cuộc thanh tra, các đoàn kiểm tra liên ngành để phát hiện, kiểm tra, chấn chỉnh, lập biên bản xử lý vi phạm. Xây dựng phương án, tổ chức lực lượng giải tỏa, tháo dỡ, xử lý các vi phạm theo quy định. Trong thời gian qua, thành phố đã xử lý 47/58 vụ vi phạm đê điều; 64 nhà, lều, quán vi phạm tại kênh CT2 xã Nam Phong; giải tỏa được 42 nghìn m3 bèo rác, 24 đăng, đó, bè… Tuy nhiên, việc tổ chức xử lý vi phạm trên địa bàn thành phố chưa được triệt để, còn phát sinh vi phạm mới, còn tồn tại 11 vụ vi phạm đê điều, trong đó có 4 vụ vi phạm sau khi có Chỉ thị số 14. Đáng chú ý, có 2 vụ việc vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều là trường hợp hộ gia đình bà Dương Thị Loan ở xã Nam Phong đầu tháng 12-2016 đã phá vỡ tường chắn sóng đê tả sông Đào tại Km2+180 dài khoảng 4,5m từ đỉnh tường kè chắn sóng xuống mặt đê bằng bê tông chiều cao 0,8m và tường đá xây rộng 0,4m; san lấp lòng hồ bằng cát, đắp cao hơn mặt đất tự nhiên vùng bãi với diện tích khoảng 2.900m2 dọc theo đê 70m, rộng từ cách chân đê 3m ra 50m phía lòng sông; dựng 2 chòi diện tích khoảng 10m2 trên diện tích đất công ích được UBND xã Nam Phong ký hợp đồng giao thầu với thời hạn 2 năm, với mục đích làm nông nghiệp và trồng cây cảnh. Mặc dù thành phố có rất nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc song đến nay bà Dương Thị Loan mới xây lại phần tường chắn sóng đê tả sông Đào đã phá dỡ; việc san lấp lòng hồ, xây dựng trái phép chòi canh chưa được khắc phục trả lại nguyên trạng ban đầu. Trong thời gian tới, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để yêu cầu bà Loan khôi phục tình trạng ban đầu và xem xét chỉ đạo chấm dứt hợp đồng giao đất công ích. Vụ việc thứ hai là việc san lấp ao cao hơn mặt đê, lấn chiếm hành lang bảo vệ của HTX rau cá Tiền Phong - phường Trần Quang Khải. Khu đất HTX rau cá Tiền Phong xin san lấp (chưa có trích lục bản đồ) có diện tích 11.986,7m2, qua khảo sát hiện trạng sử dụng đất ngày 3-1-2017 thì ranh giới khu đất đã được xây dựng tường bao xung quanh bằng gạch bi, diện tích mặt hồ khoảng 7.000m2, diện tích còn lại khoảng 5.000m2 là đường bê tông đi quanh hồ và khu đất đang đổ phế liệu, phế thải. Diện tích san lấp lấn chiếm toàn bộ diện tích mái đê, cơ đê, phạm vi hành lang bảo vệ đê. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, UBND thành phố đã chỉ đạo UBND phường Trần Quang Khải và các phòng chức năng tiến hành kiểm tra hiện trạng, lập biên bản vi phạm; yêu cầu HTX dừng ngay việc san lấp, xây dựng trái phép; khôi phục trả lại nguyên hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên HTX rau cá Tiền Phong vẫn cố tình cho san lấp, xây dựng trái phép. Quan điểm của UBND thành phố là tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu HTX rau cá Tiền Phong khôi phục lại nguyên trạng ban đầu, nếu HTX cố tình không thực hiện, thành phố sẽ tiến hành cưỡng chế xử lý vi phạm và chuyển hồ sơ cho cơ quan công an vào cuộc xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đồng chí Nguyễn Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch UBND phường Trần Quang Khải cho biết: Vừa qua, phường đã đôn đốc, hỗ trợ và giám sát HTX tháo dỡ phần xây dựng vi phạm; bốc hốt phần vượt quá cao trình của đê; tháo dỡ hàng rào bằng tôn ra khỏi hành lang đê. Hiện phường đôn đốc HTX sớm hoàn thành kho bãi để di chuyển hết hàng hóa ra khỏi khu vi phạm. Hai vụ vi phạm trên cho thấy trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã Nam Phong và Chủ tịch UBND phường Trần Quang Khải đã chậm trong công tác phát hiện, không cương quyết, kịp thời trong công tác xử lý, để vụ việc kéo dài. Không chỉ vậy, công tác xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi của Thành phố Nam Định vẫn còn những tồn tại. Việc vận động nhân dân thực hiện và giám sát việc chấp hành pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi của các đoàn thể và chính quyền các địa phương chưa thường xuyên, liên tục. Các vi phạm mới vẫn phát sinh không được xử lý kịp thời và triệt để. Thanh tra, kiểm tra các trường hợp giao đất, cho thuê đất trong phạm vi bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi, thu hồi giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến công trình đê điều, thủy lợi, thoát lũ của thành phố ít được thực hiện, các vụ việc đã thanh tra nhưng không được xử lý ráo riết theo quy định của pháp luật. Vẫn còn tình trạng xe quá khổ, quá tải hoạt động trên các tuyến đê làm mặt đê bị xuống cấp. Hằng năm, thành phố vẫn lập kế hoạch để thanh tra các vụ việc liên quan đến pháp luật đê điều, công trình thủy lợi nhưng từ khi có Chỉ thị 14 đến nay vẫn chưa xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ công chức có liên quan vi phạm hoặc đùn đẩy, né tránh trong việc xử lý vi phạm…

Để thực hiện nghiêm các quy định pháp luật nói chung về công tác quản lý công trình thủy lợi, đê điều và Chỉ thị 14 nói riêng, thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm về đê điều và công trình thủy lợi. Đồng thời, tổ chức xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm mới phát sinh. Tổ chức kiểm tra, rà soát, thống kê, phân loại, xây dựng kế hoạch giải tỏa các vi phạm tồn tại từ năm 2007 đến nay. Phấn đấu hoàn thành giải tỏa vi phạm trước năm 2020. Đối với trường hợp các đơn vị tỉnh cho thuê sử dụng diện tích đất bến bãi nhưng đã hết hợp đồng, hết hạn cấp giấy phép, UBND thành phố đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng xem xét xử lý theo quy định. Đề nghị Sở NN và PTNT cắm mốc chỉ giới đê và lập ba-ri-e cấm xe quá tải chạy trên tuyến đê thuộc phường Trần Quang Khải và Lộc Hạ…

Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com