Để mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, thời gian qua các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả “Ngày Pháp luật”, qua đó các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được triển khai kịp thời; trình độ nhận thức, khả năng thực thi pháp luật của cán bộ, công chức, các cơ quan, đơn vị, địa phương được nâng lên rõ rệt, góp phần tạo chuyển biến về chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong cuộc sống.
Học sinh Trường THPT Giao Thủy tham gia tìm hiểu pháp luật về biển, đảo trong giờ học ngoại khóa. |
Để triển khai thực hiện hiệu quả “Ngày pháp luật” năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh. Theo đó, thời gian triển khai “Ngày Pháp luật” là 2 tháng, từ ngày 1-10 đến ngày 30-11-2017. Chủ đề của “Ngày Pháp luật” năm nay là “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp”. Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và các huyện, thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện “Ngày Pháp luật” tại đơn vị, ngành mình với hình thức phù hợp. Nội dung tuyên truyền tập trung, phổ biến các luật, pháp lệnh mới; chủ trương, chính sách lớn của tỉnh, của các địa phương về phát triển kinh tế - xã hội; các Điều ước, Công ước quốc tế mới được ký kết; các quy định về chính sách pháp luật mà dư luận xã hội quan tâm. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp năm 2013 và các văn bản cụ thể hóa Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật gắn liền với các vấn đề mới trong quản lý Nhà nước, nhất là các lĩnh vực như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng, đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật… với nhiều hình thức phong phú như: tổ chức Lễ hưởng ứng “Ngày Pháp luật”; tăng thời lượng, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, toạ đàm, phóng sự chuyên sâu, tin, bài, ảnh, phỏng vấn về “Ngày Pháp luật” trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền cổ động trực quan qua hệ thống áp phích, băng rôn, cờ phướn trên các tuyến đường phố chính, các khu trung tâm, các cơ quan, đơn vị hành chính, các trường học, địa điểm công cộng; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về pháp luật, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; tổ chức chương trình đối thoại chính sách trực tiếp giữa cơ quan Nhà nước và công dân; tăng cường các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở… Tiêu biểu như: Sở Tư pháp đã tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, ban hành văn bản và kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật tỉnh; phối hợp với các huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Trực Ninh, Hải Hậu, Ý Yên, Thành phố Nam Định và các Hội LHPN, Hội Nông dân tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên các tổ hòa giải ở cơ sở; biên soạn và phát hành 1.225 tập tài liệu; 1.000 tập đề cương tuyên truyền các văn bản pháp luật mới cấp phát cho Phòng Tư pháp các huyện, thành phố và 229 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Công an tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền các luật, pháp lệnh và các văn bản pháp luật mới được ban hành có liên quan trực tiếp đến công tác bảo đảm an ninh trật tự và nhiệm vụ của ngành như: Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Bộ luật Hình sự và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Cảnh vệ; Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước… Phối hợp với MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể các cấp triển khai thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội ở khu dân cư; tổ chức tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở; tuyên truyền lưu động; thông qua các cuộc họp tổ dân cư hằng quý; tuyên truyền tập trung tại các trường học, cơ quan, doanh nghiệp. Vận động hàng chục nghìn lượt người dân và các cơ quan, đơn vị tham gia ký kết chấp hành Luật Giao thông đường bộ; Luật Giao thông đường thủy nội địa; Pháp lệnh Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn về an ninh, trật tự; phòng cháy, chữa cháy… Các cơ quan thông tin đại chúng như Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự chuyên sâu, tin, bài, ảnh để bình luận, đối thoại chính sách, pháp luật gắn với vấn đề dư luận xã hội quan tâm.
Tại các huyện, thành phố, các hoạt động tổ chức thực hiện “Ngày Pháp luật” một cách đồng bộ, tuyên truyền mạnh mẽ và sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường, thị trấn đã chủ động, sáng tạo tổ chức “Ngày Pháp luật” như: Lồng ghép các nội dung giáo dục pháp luật thông qua các buổi sinh hoạt của tổ chức đoàn, hội, tổ hòa giải... nhằm thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia, lồng ghép với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng NTM”, “Xây dựng tuyến phố văn minh đô thị”. Đặc biệt, nhiều địa phương đã gắn thực hiện “Ngày Pháp luật” với việc thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong đó, tiến hành xây dựng, ban hành các văn bản triển khai thực hiện; quán triệt, phổ biến để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, cộng đồng về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn, đề ra giải pháp thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật theo trách nhiệm và phạm vi quản lý của các cơ quan, đơn vị, địa phương… Qua đó góp phần tích cực giúp các xã, phường, thị trấn hoàn thiện 5 tiêu chí có liên quan đến pháp luật trong xây dựng NTM và đô thị văn minh.
Với những hoạt động tích cực hưởng ứng “Ngày Pháp luật” năm 2017 đã góp phần nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Qua hơn một tháng thực hiện, các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong tỉnh đã tổ chức 370 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho gần 55 nghìn lượt người; trợ giúp pháp lý miễn phí cho gần 1.000 lượt người; phát miễn phí trên 40 nghìn tài liệu; chăng treo hàng nghìn khẩu hiệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới cán bộ và nhân dân. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện “Ngày Pháp luật”, thời gian tới cần tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp và phát huy chức năng, vai trò của các đoàn thể trong công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó, cần tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền pháp luật theo hướng đơn giản, dễ hiểu phù hợp với nhu cầu thực tế của cán bộ, đảng viên và nhân dân./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng