Huyện Trực Ninh hiện có gần 53 nghìn trẻ em, trong đó có trên 700 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt gồm: 45 trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi không nơi nương tựa; 238 trẻ khuyết tật; 11 trẻ em có bố, mẹ đang thi hành án, 64 trẻ em sống trong gia đình có vấn đề về xã hội (ly hôn, có người nghiện rượu, nghiện ma túy, cờ bạc…), 350 trẻ em có cha mẹ đi làm ăn xa và gần 2.900 trẻ em thuộc hộ nghèo. Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện quan tâm chỉ đạo, huy động sự “vào cuộc” của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em phát triển toàn diện.
Để thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, Huyện uỷ, UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền các quyền cơ bản của trẻ em, các quy định của Nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em… với nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Trong đó, tuyên truyền đến từng gia đình những kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ, nhằm phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm quyền trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, nhất là phòng chống đuối nước cho trẻ em trong dịp hè. UBND huyện xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em; hướng dẫn các địa phương xây dựng xã, thị trấn phù hợp với trẻ em, từng bước xây dựng môi trường an toàn và lành mạnh cho trẻ em phát triển toàn diện. Cuối năm 2016, qua kiểm tra, cả 21 xã, thị trấn đều đạt tiêu chuẩn xã, thị trấn phù hợp với trẻ em. Hằng năm, các ngành chức năng của huyện triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước đối với trẻ em; trẻ sinh ra được đăng ký khai sinh đúng thời hạn; 100% trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT khám, chữa bệnh miễn phí. Công tác tiêm chủng cho trẻ em đạt 100%; hầu hết trẻ trong độ tuổi đều được uống vitamin A. Để bảo đảm quyền học tập của trẻ em, huyện chỉ đạo Phòng GD và ĐT, các xã, thị trấn triển khai đề án phổ cập giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, huy động sức mạnh toàn dân tham gia chăm lo sự nghiệp giáo dục. Mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em. Trẻ em được đi học đúng độ tuổi và tham gia các hoạt động Đoàn, Đội, góp phần giáo dục trẻ phát triển toàn diện. Đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ngoài chế độ chính sách của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong huyện luôn quan tâm, hỗ trợ, giúp các em vơi bớt khó khăn, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Các trường hợp trong diện được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng đều được ngành LĐ-TB và XH giải quyết kịp thời. Hiện nay, 41 trẻ em mồ côi và 179 trẻ em khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên, góp phần động viên và giảm bớt khó khăn cho gia đình. Cùng với việc thực hiện chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước, huyện tích cực vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em, tạo nguồn lực để tổ chức các hoạt động chăm lo, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc các hộ nghèo. Hằng năm, Quỹ Bảo trợ trẻ em huyện nhận được hàng trăm triệu đồng của các tổ chức, cá nhân ủng hộ. Năm 2017, Quỹ Bảo trợ trẻ em huyện nhận được 340 triệu đồng. Từ nguồn quỹ, huyện đã tặng học bổng cho 50 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt vươn lên học khá, giỏi, mỗi suất 500 nghìn đồng; tặng đồ chơi cho 5 trường mầm non, tổng trị giá trên 100 triệu đồng; thăm, tặng quà các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6), Tết Trung thu… Tại các xã, thị trấn, nhiều tổ chức, cá nhân đã ủng hộ, trao học bổng, tặng quà, đồ dùng học tập trực tiếp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tổ chức các hoạt động cắm trại, vui chơi cho trẻ em, với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng, giúp các em giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, các địa phương trong huyện đã quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp trường lớp, khu vui chơi dành cho trẻ em. 100% xã, thị trấn đều có nhà văn hóa, có điểm vui chơi, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí sinh động, lành mạnh cho trẻ em, nhất là các dịp Tết Trung thu, Ngày Quốc tế thiếu nhi; sinh hoạt hè…; 100% trẻ em trong độ tuổi được kết nạp vào Đội Thiếu niên tiền phong, góp phần giáo dục nhân cách và ý thức tập thể, thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thư viện, hội diễn, hội thi cho trẻ em được quan tâm tổ chức. Ngoài ra, huyện triển khai mô hình tuyên truyền, giáo dục pháp luật bảo vệ, chăm sóc cho trẻ em, tổ chức tập huấn kiến thức bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho 1.470 cha mẹ và người chăm sóc trẻ em, mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng sống cho trẻ em...
Với những hoạt động hiệu quả, thiết thực, huyện Trực Ninh đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các đơn vị, cá nhân, từng gia đình và cộng đồng trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, với nhiều nguồn lực vật chất chăm lo cải thiện đời sống cho trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức của cán bộ, nhân dân trong việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Cùng với việc thực hiện tốt các chế độ chính sách của Nhà nước đối với trẻ em, các xã, thị trấn trong huyện tiếp tục phấn đấu đạt các chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe trẻ em, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tiếp tục xây dựng và duy trì môi trường an toàn và lành mạnh để trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và phát triển toàn diện./.
Minh Tân