Trực Ninh đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

05:10, 14/10/2017

Huyện Trực Ninh hiện có gần 18 vạn dân, trong đó 9,75 vạn người trong độ tuổi lao động. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Xưởng thiết bị thực phẩm Thế Chiều, xã Liêm Hải tạo việc làm cho trên 30 lao động, thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng.
Xưởng thiết bị thực phẩm Thế Chiều, xã Liêm Hải tạo việc làm cho trên 30 lao động, thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng.

Công tác dạy nghề và tạo việc làm trên địa bàn huyện trong những năm qua gặp khó khăn do các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sản xuất đình trệ, sản phẩm tiêu thụ chậm. Để thu hút người lao động tham gia học nghề, được trang bị kiến thức, kỹ năng nghề để tạo ra những sản phẩm chất lượng, góp phần củng cố thị trường, tăng thu nhập cho gia đình và cho xã hội, Phòng LĐ-TB và XH huyện phối hợp với các ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đào tạo nghề, về vai trò của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội, chính sách ưu đãi đối với lao động học nghề và các diện đối tượng học nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các mô hình dạy nghề có hiệu quả… để nhân dân hiểu, đăng ký học. Trước khi triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề, khả năng của người dân và trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất của các xã, thị trấn cũng như nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo theo ngành, nghề phù hợp. Bên cạnh đó, huyện khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp có nhiều hình thức linh hoạt trong đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã mở 17 lớp dạy nghề cho 575 lao động; trong đó 400 lao động học nghề may công nghiệp; 175 lao động học nghề nông nghiệp, với 3 lớp chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thịt (105 người); 2 lớp chăn nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng (70 người). Ngoài ra, các đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và các xã, thị trấn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) và các trường trung cấp nghề trong tỉnh tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hàng nghìn hội viên và nhân dân địa phương. Các doanh nghiệp, các làng nghề trên địa bàn cũng tổ chức truyền nghề cho hàng nghìn lao động. Sau khi được đào tạo nghề, truyền nghề, người lao động đều nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản, có khả năng làm việc tại các doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm. Theo khảo sát của Phòng LĐ-TB và XH huyện, hầu hết lao động học nghề nông nghiệp sau khóa học đã mở rộng quy mô sản xuất chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hàng hoá, có năng suất, thu nhập cao. Tỷ lệ lao động học nghề phi nông nghiệp sau khóa học có việc làm phù hợp chiếm trên 80%. Cùng với công tác đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn, huyện huy động các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ người lao động đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động. Hiện nay trên địa bàn huyện có hơn 250 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có trên 70 doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN; 40 doanh nghiệp xây dựng; 140 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ - vận tải; 11 HTX tín dụng, sự nghiệp và trên 12 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ ở địa bàn dân cư. Đặc biệt là sự phát triển của các làng nghề truyền thống như: Dệt lụa ở xã Phương Định, mây tre đan xuất khẩu ở xã Trực Tuấn... đã góp phần tích cực trong việc truyền nghề, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Mỗi năm, huyện tạo thêm việc làm mới cho từ 3.200 đến 4.000 lao động, trong đó chủ yếu là các nghề đan mây tre, bẹ chuối, dệt, may. Đến nay toàn huyện có trên 56.100 lao động đã qua đào tạo, đạt tỷ lệ 57,5%. Thông qua các hoạt động đào tạo nghề, truyền nghề và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều lao động trong huyện đã có việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện còn một số tồn tại, vướng mắc. Một số địa phương chưa xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn hoặc có kế hoạch nhưng biện pháp và tính khả thi chưa cao, hiệu quả thấp. Số lao động đăng ký học nghề không tập trung, nên việc tuyển sinh, lựa chọn địa điểm mở lớp của các đơn vị tham gia đào tạo nghề rất khó khăn, nhất là đối với các nghề phi nông nghiệp. Số lao động sau học nghề được các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở địa phương tạo việc làm ngay nhưng tiền công thấp… Thời gian tới, huyện Trực Ninh chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động về việc học nghề là điều kiện để tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM. Tăng cường phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ sở dạy nghề về tuyển sinh, tổ chức dạy nghề trên địa bàn các xã, thị trấn. Lồng ghép kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào chương trình công tác của địa phương. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy nghề, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề; vận động các cơ sở dạy nghề tư thục, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tham gia hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn. Phối hợp với các doanh nghiệp đào tạo theo địa chỉ, để cung cấp nhân lực; phấn đấu năm 2017 đào tạo nghề cho 600 lao động, sau đào tạo nghề có việc làm và có thu nhập ổn định./.

Bài và ảnh: Minh Tân

 



Cập nhập tin tuyển dụng nhanh chóng

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com