Tiếp tục thực hiện hỗ trợ về nhà ở cho người có công

07:10, 19/10/2017

Thực hiện hỗ trợ nhà ở cho các hộ gia đình chính sách trong những năm qua là một chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ về nhà ở, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này tại các địa phương vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn khiến tiến độ triển khai rất chậm.

Ông Đặng Văn Tuy, ở thôn 6, xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) thuộc diện hỗ trợ theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg đã tìm kiếm, huy động các nguồn ứng 150 triệu đồng để sửa chữa nhà ở.
Ông Đặng Văn Tuy, ở thôn 6, xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) thuộc diện hỗ trợ theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg đã tìm kiếm, huy động các nguồn ứng 150 triệu đồng để sửa chữa nhà ở.

Theo Phòng Công thương huyện Mỹ Lộc, giai đoạn 1 huyện đã hoàn thành hỗ trợ và phân bổ kinh phí cho 71 hộ người có công (NCC); trong đó có 56 hộ xây mới và 15 hộ sửa chữa đảm bảo an toàn về nhà ở. Ngoài ra, huyện còn huy động các nguồn vốn từ các chương trình hỗ trợ khác từ các đoàn thể chính trị xã hội cải tạo, sửa chữa cho thêm 10 hộ NCC. Đặc biệt, trong thời gian chờ đợi nguồn kinh phí từ Trung ương phân bổ đợt 2, toàn huyện đã vận động các hộ có tên trong danh sách chủ động tìm kiếm nguồn kinh phí để xây mới, cải tạo sửa chữa nhà ở. Theo đó, đã có 33 nhà được xây mới và sửa chữa 100 nhà. Cán bộ xã Mỹ Hưng đưa chúng tôi đến thăm nhà cụ Đặng Văn Tuy ở thôn 6 thuộc diện gia đình chính sách NCC của xã. Ở tuổi 79, cụ phấn khởi cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ cùng với các cấp, ngành địa phương kết hợp với vốn từ gia đình, tháng 6-2017, tôi đã sửa chữa được căn nhà mái bằng thay cho căn nhà cấp 4 dột nát trước đây. Với căn nhà mới, gia đình chúng tôi bớt phải lo nghĩ nhiều mỗi khi bão gió”. Tương tự, bà Đặng Thị Dự ở thôn 2 cũng tự chủ động vay mượn bà con, gia đình họ hàng để sửa chữa căn nhà cấp 4 đã hư hỏng nặng bằng căn nhà mái bằng rộng 30m2 với tổng giá trị gần 80 triệu đồng được hoàn thành trong tháng 6 vừa qua. Theo thống kê mới nhất của Sở Xây dựng, đến nay, tại 9 huyện, thành phố (Trực Ninh chưa báo cáo) các địa phương vận động, giúp đỡ các hộ tự ứng kinh phí xây mới 778 căn nhà và sửa chữa 1.387 căn nhà cho các hộ NCC hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, góp phần giải quyết kịp thời nỗi lo “an cư” cho các gia đình. Như vậy, thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ NCC với cách mạng cải thiện nhà ở giai đoạn 1, đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 1.522 hộ gia đình với tổng số tiền 51 tỷ 740 triệu đồng (tương đương 20% đề án). Trong đó, ngân sách Trung ương cấp là 49 tỷ 153 triệu đồng, ngân sách tỉnh là 2 tỷ 587 triệu đồng. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh số hộ chưa được hỗ trợ, đang chờ chỉ đạo về nguồn vốn của Chính phủ là 7.669 hộ; trong đó, xây mới nhà ở là 2.495 hộ, sửa chữa nhà ở là 5.174 hộ với tổng số tiền hỗ trợ 203 tỷ 280 triệu đồng (bao gồm vốn Trung ương cấp là 193 tỷ 116 triệu đồng (95%), vốn đối ứng của địa phương là 10 tỷ 164 triệu đồng (5%). Trong lúc chờ đợi nguồn vốn kinh phí hỗ trợ đợt 2 từ Trung ương, 2 năm qua các hộ đã tự ứng kinh phí xây mới 778 căn nhà và sửa chữa 1.387 căn nhà theo đúng danh sách đề án đã được phê duyệt.

Mới đây, ngày 25-7-2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với NCC với cách mạng giai đoạn 2 theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg tiếp tục bổ sung phân bổ thêm 840 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương để triển khai hỗ trợ giai đoạn 2 cho 313.707 hộ trên cả nước. Đồng thời, cho chủ trương tháo gỡ một số vướng mắc về phân bổ kinh phí của một số địa phương như: đối với các hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ nhưng chưa được Nhà nước cấp kinh phí mà đã tự ứng trước kinh phí để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở thì sẽ hoàn trả ngay cho các hộ gia đình này sau khi có kinh phí phân bổ từ ngân sách Trung ương trong năm 2017. Đối với trường hợp thuộc diện được hỗ trợ nhưng đã chết mà vợ (hoặc chồng) còn sống, có hộ khẩu thường trú và đang ở tại nhà ở đó thì được hỗ trợ theo mức quy định để xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở. Đối với trường hợp thuộc diện được hỗ trợ mà cả NCC và vợ (chồng) của người đó đều đã chết, hiện nay con của họ đang sinh sống tại nhà ở đó thì các địa phương rà soát cụ thể từng trường hợp, nếu con của họ thực sự có khó khăn về nhà ở thì UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương và các nguồn khác để thực hiện hỗ trợ; đồng thời báo cáo kết quả hỗ trợ về Bộ Xây dựng. Đối với các trường hợp NCC thuộc diện được hỗ trợ nhà ở phát sinh thêm ngoài số liệu đã được Bộ LĐ-TB và XH thẩm tra tính đến thời điểm 31-5-2017 thì các địa phương có trách nhiệm chủ động bố trí từ nguồn ngân sách hằng năm của địa phương và các nguồn kinh phí hỗ trợ khác từ các cá nhân, tổ chức, đoàn thể để thực hiện hỗ trợ theo quy định của Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đối với trường hợp thuộc diện được hỗ trợ nhưng chuyển đổi hình thức hỗ trợ từ xây mới sang sửa chữa hoặc ngược lại mà không làm phát sinh thêm kinh phí từ ngân sách Trung ương đã duyệt cấp cho địa phương thì cho phép tiếp tục thực hiện; các trường hợp khác thì địa phương cân đối kinh phí từ nguồn ngân sách hằng năm của địa phương hoặc huy động từ nguồn đóng góp của các tổ chức, đoàn thể, cá nhân khác để thực hiện. Thực hiện Nghị quyết 63 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 14-9-2017 chỉ đạo các ban ngành địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương thực hiện hỗ trợ về nhà ở cho NCC đảm bảo việc thực hiện đúng đối tượng, đúng chế độ, thủ tục đơn giản, thuận tiện nhất với người được hỗ trợ. Các địa phương rà soát kiểm tra, xác định hỗ trợ đến từng hộ NCC với cách mạng đang ở nhà tạm hoặc nhà bị hư hỏng nặng đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích; công khai, minh bạch, chống thất thoát, tạo sự đồng thuận xã hội, hạn chế khiếu nại, tố cáo, xử lý nghiêm các hành vi trục lợi. Thực hiện có thứ tự ưu tiên hỗ trợ, trong đó chú ý việc cấp kinh phí cho những hộ có tên trong Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt, đã tự ứng kinh phí để xây mới hoặc cải tạo nhà ở được địa phương chấp thuận trong thời gian qua. Kết hợp toàn diện, có hiệu quả nhiều nguồn lực, phát huy vai trò của địa phương để việc thực hiện chính sách theo đúng tinh thần phù hợp với khả năng của Nhà nước và địa phương; huy động sự tham gia của xã hội, gia đình, đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội tham gia thực hiện có hiệu quả chính sách. Bảo đảm chất lượng và yêu cầu kỹ thuật công trình nhà ở phù hợp với điều kiện, đặc điểm cụ thể của tỉnh.

Năm 2017, theo nguồn kinh phí từ Trung ương cấp, toàn tỉnh phấn đấu thực hiện hỗ trợ khoảng 3.500 hộ gia đình NCC với cách mạng, kinh phí tương đương 103 tỷ đồng. Trong đó bao gồm những gia đình đã tự ứng trước kinh phí để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở (khoảng 2.500 hộ); gia đình có nhà nguy cơ sập đổ, không an toàn khi sử dụng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên (khoảng 1.000 hộ). Năm 2018, tỉnh thực hiện hỗ trợ 4.169 hộ và cơ bản hoàn thành theo Đề án đã được phê duyệt./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com