Những năm qua, cùng với các thành phần kinh tế khác, kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và ổn định an sinh xã hội ở nông thôn. Sau 5 năm triển khai thực hiện Luật HTX, đến nay toàn tỉnh có 298 HTX đang hoạt động, trong đó: 219 HTX đã đăng ký lại hoạt động theo luật, 35 HTXNN thành lập mới hoạt động theo Luật và 44 HTX đang hoạt động cầm chừng.
Nông dân xã Hải Tân (Hải Hậu) thu hoạch lúa mùa. |
Hải Tân (Hải Hậu) là một xã thuần nông, có diện tích đất đai thuộc vùng úng trũng, cốt đất thấp của huyện Hải Hậu. Những năm trước đây, HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp (SXKD DVNN) Hải Tân được giao quản lý 307ha đất nông nghiệp. Để hỗ trợ xã viên, HTX tập trung tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây giống, cơ cấu mùa vụ, đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất để phấn đấu hằng năm có thu nhập cao và ổn định cho người nông dân cũng như thu nhập của HTX. Các dịch vụ của HTX được tổ chức và điều hành chặt chẽ, tập trung vào các dịch vụ chủ yếu như: dịch vụ thuỷ nông; dịch vụ kinh doanh vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất… Trong công tác dịch vụ thuỷ nông, đội ngũ cán bộ thuỷ nông được củng cố từ HTX đến các xóm, đội. Hằng năm, HTX đầu tư hàng trăm triệu đồng cho nạo vét thường xuyên hệ thống sông cấp 2, kênh mương cấp 3, xây lắp cống cừ, bờ vùng được tôn tạo giữ nước, thường xuyên giải toả vật cản, khơi thông dòng chảy dẫn nước phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, HTX phối hợp các đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tổ chức các lớp tập huấn để chuyển giao KHKT thâm canh cây lúa, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ diệt chuột, chăn nuôi cho nông dân. Thông qua những dịch vụ trên, HTX đã thường xuyên quan tâm hỗ trợ thành viên về mô hình trồng khảo nghiệm giống lúa mới, thí nghiệm phân bón. Hàng vụ, HTX còn cho xã viên mua vật tư nông nghiệp theo phương thức trả chậm, cuối mùa mới phải thanh toán. Thực hiện đúng nguyên tắc tài chính kế toán, các dịch vụ của HTX hằng năm có lãi trên 80 triệu đồng. Còn ở HTX SXKD DVNN An Cư, xã Xuân Vinh (Xuân Trường) những năm qua cũng tích cực chuyển đổi theo Luật HTX… HTX đã đầu tư và triển khai 5 dịch vụ phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp cho các thành viên trên địa bàn. Trong đó, ngoài 3 dịch vụ thiết yếu bắt buộc, 2 dịch vụ thỏa thuận là gặt lúa bằng máy và phun thuốc trừ sâu bằng máy của HTX đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp cho các thành viên HTX yên tâm, tiết kiệm được công lao động, chi phí trong sản xuất nông nghiệp. HTX đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực sản xuất giống, thuốc BVTV để cung ứng cho nông dân. Khi cung ứng các sản phẩm giống, thuốc BVTV…, HTX đều tổ chức chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn nông dân sử dụng đảm bảo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách). Tổng doanh thu bình quân mỗi vụ đạt trên 450 triệu đồng.
Hiện nay, sau khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012, toàn tỉnh vẫn còn 1/3 số HTX hoạt động kém hiệu quả, thậm chí đã ngừng hoạt động. Hầu hết các HTXNN hiện nay chỉ mới dừng lại ở khâu cung ứng dịch vụ đầu vào cho xã viên, còn hoạt động bao tiêu sản phẩm gần như bỏ ngỏ. Các HTXNN cũng đang gặp khó khăn về đất đai, nhà xưởng, trụ sở làm việc; quy mô của các HTX còn nhỏ. Một số HTXNN vẫn còn lúng túng trong định hướng hoạt động, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; chưa có sản phẩm dịch vụ tốt để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa và thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa HTX với các thành viên. Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, các tổ chức của nông dân, doanh nghiệp cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Đáng chú ý là đa số cán bộ chủ chốt HTXNN với trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế; tư duy phát triển sản xuất, kinh doanh cũng chưa theo kịp sự phát triển của thị trường; thiếu tính nhạy bén, năng động trong tổ chức điều hành sản xuất, kinh doanh. Vấn đề nữa là phần lớn HTX chưa tiếp cận được với cơ chế, chính sách, nhất là những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Hoạt động của HTX cũng còn gặp nhiều khó khăn nhất là việc tiếp cận nguồn vốn vay, nguồn nhân lực, công tác xúc tiến thương mại, giải quyết đầu ra cho sản phẩm…
Để hỗ trợ các HTX phát triển bền vững, thời gian qua Liên minh HTX tỉnh đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn, các HTX thường xuyên rà soát, đánh giá, phân loại HTX chỉ đạo các HTX mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tăng cường thực hiện liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong cung ứng, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên. Tạo mọi điều kiện để các HTXNN tham gia thực hiện các dịch vụ công như: nước sạch, thu gom xử lý chất thải, vệ sinh môi trường nông thôn, tham gia chương trình xây dựng NTM. Phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, phương án hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX sau chuyển đổi, tổ chức lại phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Đối với các HTX có từ 8-12 dịch vụ, Liên minh HTX tỉnh tư vấn, hỗ trợ các HTX nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng thị phần để nâng cao quy mô, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết giữa các HTX với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn đối với kinh tế hộ thành viên tăng thêm thu nhập cho cán bộ và thành viên HTX. Đối với các HTX có từ 4-7 dịch vụ, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng các dịch vụ hiện có, phục vụ tốt nhu cầu của thành viên trong HTX, đồng thời từng bước phát triển thêm các dịch vụ ngành nghề nông thôn và các dịch vụ khác. Đối với các HTX có 3 dịch vụ trở xuống, thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo, tạo điều kiện cho các HTX tham quan, chia sẻ kinh nghiệm và học tập cách làm của các HTX hoạt động hiệu quả hơn, từng bước bổ sung thêm các dịch vụ vào phương án sản xuất, kinh doanh để mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố tìm kiếm, giới thiệu, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác liên kết với các doanh nghiệp làm dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất của nông dân trong HTX, từng bước tổ chức sản xuất theo mô hình VietGAP và làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở có hợp đồng liên kết. Tập trung xây dựng các mô hình HTX, tổ hợp tác kiểu mới hoạt động có hiệu quả, tuyên truyền và hướng dẫn các hộ nông dân, nhất là các chủ trang trại, gia trại ở các xã, thị trấn trên địa bàn các huyện, thành phố để thành lập HTX chuyên ngành mới theo luật nhằm xây dựng và điều phối kế hoạch sản xuất chung; Cung ứng giống, vật tư đầu vào cho quá trình sản xuất của các hộ thành viên, tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên; xây dựng và quản lý các quỹ, nhất là quỹ dự phòng tài chính; hỗ trợ các hộ trong việc tìm kiếm, khai thác và sử dụng các nguồn vốn; phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức các lớp đào tạo nghề, các hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ… Hằng năm tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm từ các mô hình HTX chuyên ngành có hiệu quả, từ đó thành lập mới các HTX tham gia trong các chuỗi liên kết với doanh nghiệp trong cung ứng, sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có ít nhất 100 đến 110 HTX chuyên ngành./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn