Sức sống mới trên quê hương Trực Thuận

06:10, 27/10/2017

Đã có thời kỳ các phong trào của xã Trực Thuận (Trực Ninh) gặp khó khăn do vụ việc một số cán bộ xã bị kỷ luật, truy tố trước pháp luật vì để xảy ra vi phạm chế độ, chính sách người có công trên địa bàn, làm giảm lòng tin của người dân với cấp ủy, chính quyền. Sau đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy xã được kiện toàn gồm những người năng động, nhiệt tình, biết hy sinh lợi ích cá nhân, đóng góp công sức cho tập thể, niềm tin của nhân dân đã được khôi phục. Đây là sức mạnh nội lực để Đảng ủy, UBND xã tập trung lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM ở địa phương.

Đường giao thông xã Trực Thuận (Trực Ninh) được bê tông hóa thuận lợi cho việc đi lại.
Đường giao thông xã Trực Thuận (Trực Ninh) được bê tông hóa thuận lợi cho việc đi lại.

Ngay sau đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy, HĐND, UBND xã được kiện toàn, tập trung lãnh đạo nhân dân thực hiện công cuộc xây dựng NTM. Đảng ủy, UBND xã đã nhiều lần tổ chức hội nghị quân, dân, chính, Đảng bàn các giải pháp xây dựng NTM với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân đóng góp, dân hưởng thụ” để người dân thấu hiểu, chia sẻ, đồng thuận cùng với cấp ủy chính quyền địa phương thực hiện các tiêu chí NTM. Xã ưu tiên thực hiện trước các tiêu chí dễ để tạo động lực khích lệ nhân dân thực hiện các tiêu chí khó. Đến đầu năm 2017, xã đã đạt 14/19 tiêu chí, các tiêu chí chưa đạt đều là tiêu chí trọng điểm: giao thông, giáo dục, môi trường… Đồng chí Đặng Văn Kha, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết, từ tháng 2-2017 công cuộc xây dựng NTM của xã được triển khai rầm rộ. Đồng loạt 12 thôn trong xã triển khai làm đường trục thôn xóm với tổng chiều dài 14,3km, rộng từ 2,5-3,5m trở lên. UBND xã hỗ trợ 100% lượng xi măng đổ bê tông đối với các thôn làm đường rộng trên 3m và hỗ trợ 50% lượng xi măng đối với các thôn làm đường 2,5m; tổng lượng xi măng là 1.800 tấn, kinh phí khoảng 2 tỷ đồng. Đường ngõ xóm dài 13,2km cũng được nhân dân “cứng hóa” sạch sẽ. Đường trục chính nội đồng của xã đến nay cũng được “cứng hóa” 8,15km, trong đó xã hỗ trợ 100% lượng xi măng đối với các thôn đã thực hiện. Điểm nhấn trong thực hiện tiêu chí giao thông của xã là đã tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành để xây dựng và hoàn thành Cầu Sắt 2 nối với Thị trấn Liễu Đề, tạo thuận lợi cho thông thương. Để hoàn thành cây cầu, xã đã vận động 360 hộ của  thôn 11 và thôn 12 hiến đất từ 4,5-6m mỗi khẩu để làm 1km đường Hưng - Mỹ dẫn đến cầu. Về tiêu chí cơ sở vật chất giáo dục, xã đã đầu tư kinh phí nâng cấp trường tiểu học để đón Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 vào đầu năm học 2017-2018. Trường THCS xã được đầu tư xây dựng mới 8 phòng học với tổng giá trị đầu tư 3,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách xã, dự kiến đến hết học kỳ I năm học 2017-2018 sẽ hoàn thành để đón Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Trong năm học 2017-2018, xã sẽ đầu tư xây dựng các phòng học còn thiếu của trường mầm non xã để sớm đón Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II. Cơ sở vật chất về văn hóa cũng được các thôn triển khai xây dựng. Đến nay khi có 11/12 thôn trong xã đã xây dựng mới nhà văn hóa đáp ứng đủ yêu cầu về diện tích, sân chơi thể thao, trang thiết bị hội họp… với mức đầu tư mỗi NVH từ 450-500 triệu đồng, trong đó UBND xã hỗ trợ 30-40 triệu đồng, còn lại do nhân dân đóng góp. Bên cạnh việc đầu tư hoàn thiện thiết chế văn hóa, xã đẩy mạnh phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Đến nay, toàn xã có 11/12 thôn được công nhận làng văn hóa, số gia đình văn hóa của xã đạt 85%. Về tiêu chí y tế, UBND xã phối hợp với BHXH huyện tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHYT, đến nay đã đạt 77,04% số dân tham gia BHYT. Thực hiện tiêu chí môi trường, xã đã san lấp mặt bằng khu xử lý rác và đang đầu tư lắp đặt hệ thống lò đốt rác hiện đại với tổng kinh phí khoảng 3 tỷ đồng. Trong lãnh đạo phát triển kinh tế, Đảng ủy xã đã ra nghị quyết, UBND xã chỉ đạo Ban nông nghiệp, HTX nông nghiệp tập trung chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đưa cơ giới hóa vào sản xuất; đã triển khai được 2 mô hình sản xuất, 2 cánh đồng mẫu lớn, tổ chức 15 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc lúa. Đến nay, năng suất lúa của xã đạt gần 120 tạ/ha, giá trị thu nhập đạt 107 triệu đồng/ha/năm. Chăn nuôi tiếp tục phát triển theo mô hình trang trại. Tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề nông thôn trên địa bàn xã tiếp tục được duy trì, phát triển, trong đó có 3 doanh nghiệp: may Phạm Dũng ở thôn 5, may Quy Vinh ở thôn 4 và xây dựng Minh Tư ở thôn 11 có tổng doanh thu hằng năm khoảng 9 tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 150-200 lao động. Đến nay thu nhập của người dân trong xã đạt 47 triệu đồng/người. Với việc triển khai các biện pháp đồng bộ, đến tháng 5-2017, xã đã hoàn thành 19 tiêu chí NTM và được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM vào tháng 8-2017. Trong thành tích chung của xã về xây dựng NTM, nhiều thôn đã có cách làm sáng tạo, hiệu quả. Thôn 5 do ông Trần Văn Trọng làm bí thư chi bộ đã huy động các đoàn thể chính trị và nhân dân hoàn thành xây dựng xong nhà văn hóa vào tháng 4-2017 và làm 1,2km đường giao thông xóm với tổng mức đầu tư khoảng 900 triệu đồng. Thôn 4 đã huy động gần 500 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa và đã vận động nhân dân đóng góp kinh phí, công sức hoàn thiện 1,4km đường thôn với mức đầu tư 450 triệu đồng. Thôn 12 huy động gần 1 tỷ đồng làm nhà văn hóa, đường giao thông và vận động nhân dân hiến 2.800m2 làm đường Hưng - Mỹ…

Niềm vui mừng phấn khởi ánh lên trên gương mặt của cán bộ, nhân dân Trực Thuận đã khẳng định niềm tin yêu đối với cấp ủy Đảng, chính quyền trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội xây dựng NTM. Thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã sẽ tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Trong đó vận động nhân dân hiến đất, bỏ cổng, tường bao quanh để phục vụ việc xây dựng đường trục xã dài 7,2km; huy động các nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng, nhất là đường nội đồng; nâng tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 80% vào cuối năm 2017; hoàn thành lò đốt rác thải..., xây dựng quê hương ngày càng phát triển./.

Bài và ảnh: Đức Thiện

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com