Trên địa bàn tỉnh có 22 bệnh viện, trong đó có 9 bệnh viện tuyến tỉnh, 11 bệnh viện tuyến huyện, 1 bệnh viện ngành và 1 bệnh viện ngoài công lập với trên 3.000 giường bệnh. Tại các bệnh viện, công tác xã hội (CTXH) đang được quan tâm triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Tại Bệnh viện Đa khoa Mỹ Lộc, tổ CTXH của bệnh viện được thành lập từ năm 2015 gồm 16 thành viên do Trưởng Khoa khám bệnh làm tổ trưởng có nhiệm vụ hướng dẫn bệnh nhân làm thủ tục khám, chữa bệnh, tiếp sức cho các bệnh nhân nặng, bệnh nhân neo đơn, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân già yếu trong quá trình điều trị. Tại Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Hưng, đội CTXH được bố trí ở Khoa khám bệnh, vị trí người dân dễ nhận biết và dễ tiếp cận, do Đoàn Thanh niên bệnh viện quản lý, giúp đỡ người bệnh đến khám, chữa bệnh, hướng dẫn bệnh nhân làm các thủ tục khám, chữa bệnh… Tại Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu, hằng ngày bệnh viện cử 2 đoàn viên tiếp đón, hướng dẫn, giúp đỡ người bệnh khi đến làm các thủ tục khám, chữa bệnh. Bệnh nhân vào các khoa được giải thích quy chế, quyền lợi, nghĩa vụ, mức độ bệnh tật ngay từ đầu. Bệnh viện còn xây dựng “Quỹ vì người bệnh nghèo” với gần 500 triệu đồng, hỗ trợ người bệnh nghèo bữa ăn sáng, hỗ trợ tiền thuốc, tiền máu, tiền ăn… Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thành lập đội hướng dẫn bệnh nhân tại Khoa khám bệnh gồm 4 nhân viên thay nhau làm nhiệm vụ…
Bộ phận chăm sóc khách hàng và tiếp sức người bệnh của Bệnh viện Đa khoa Mỹ Lộc đang hướng dẫn bệnh nhân làm thủ tục khám, chữa bệnh. |
Thực hiện Quyết định 32 phê duyệt “Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020” ngày 23-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Quyết định số 2514/2011 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển nghề CTXH trong ngành Y tế giai đoạn 2011-2020”. Năm 2015, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Thông tư 43/2015/TT-BYT quy định nhiệm vụ CTXH của bệnh viện và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ CTXH của bệnh viện bao gồm: Hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về CTXH cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: Đón tiếp, chỉ dẫn, cung cấp thông tin, giới thiệu về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện cho người bệnh ngay từ khi người bệnh vào khoa khám bệnh hoặc phòng khám bệnh. Tổ chức thăm hỏi người bệnh và người nhà người bệnh để nắm bắt thông tin về tình hình sức khỏe, hoàn cảnh khó khăn của người bệnh, xác định mức độ và có phương án hỗ trợ về tâm lý, xã hội và tổ chức thực hiện. Hỗ trợ khẩn cấp các hoạt động CTXH cho người bệnh là nạn nhân của bạo hành, bạo lực gia đình, bạo lực giới, tai nạn, thảm họa nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh như: hỗ trợ về tâm lý, xã hội, tư vấn về pháp lý, giám định pháp y, pháp y tâm thần và các dịch vụ phù hợp khác. Hỗ trợ, tư vấn cho người bệnh về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người bệnh, các chương trình, chính sách xã hội về BHYT, trợ cấp xã hội trong khám bệnh, chữa bệnh. Cung cấp thông tin, tư vấn cho người bệnh có chỉ định chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc xuất viện. Hỗ trợ thủ tục xuất viện và giới thiệu người bệnh đến các địa điểm hỗ trợ tại cộng đồng. Phối hợp, hướng dẫn các tổ chức, tình nguyện viên có nhu cầu thực hiện, hỗ trợ về CTXH của bệnh viện. Thông tin, truyền thông và phổ biến, giáo dục pháp luật. Thực hiện công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Xây dựng kế hoạch truyền thông giáo dục sức khỏe cho người bệnh và tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt. Xây dựng nội dung, tài liệu để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, các dịch vụ và hoạt động của bệnh viện đến người bệnh và cộng đồng thông qua tổ chức các hoạt động, chương trình, sự kiện, hội nghị, hội thảo. Cập nhật và tổ chức phổ biến các chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác khám bệnh, chữa bệnh, hoạt động của bệnh viện cho nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh. Tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử, hòm thư góp ý của bệnh viện. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phù hợp cho nhân viên y tế và người bệnh. Ngoài ra, nhiệm vụ CTXH còn bao gồm thực hiện hoạt động từ thiện và vận động, tiếp nhận tài trợ về kinh phí, vật chất để hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn; cung cấp thông tin về người bệnh cho nhân viên y tế trong trường hợp cần thiết để hỗ trợ công tác điều trị, động viên, chia sẻ với nhân viên y tế khi có vướng mắc với người bệnh trong quá trình điều trị; tổ chức các hoạt động từ thiện, CTXH của bệnh viện tại cộng đồng...
Thực hiện, chỉ đạo của Bộ Y tế về mô hình CTXH, từ năm 2015, các bệnh viện trong tỉnh đã thành lập các mô hình CTXH trong bệnh viện dưới các hình thức như: Phòng CTXH, Phòng Chăm sóc khách hàng, Tổ từ thiện xã hội… để hỗ trợ người bệnh với sự tham gia của đông đảo đội ngũ nhân viên y tế kiêm nhiệm và tình nguyện viên với các hoạt động nhằm hỗ trợ thầy thuốc trong phân loại bệnh nhân, tư vấn, giới thiệu dịch vụ chuyển tiếp; hỗ trợ chăm sóc người bệnh, góp phần làm giảm bớt khó khăn trong quá trình tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh. Căn cứ quy mô giường bệnh, điều kiện về nhân lực và phạm vi hoạt động, các phòng, tổ CTXH phối hợp với các khoa, phòng, đơn vị trong bệnh viện thực hiện nhiệm vụ được giao. Các khoa, phòng giới thiệu người bệnh đến phòng, tổ CTXH hoặc đề nghị phòng, tổ CTXH cử nhân viên đến để trợ giúp, tư vấn cho người bệnh, đồng thời cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời về sức khỏe của người bệnh để phòng, tổ CTXH hỗ trợ, tư vấn cho người bệnh. Bước đầu hoạt động của phòng, tổ CTXH tại các bệnh viện đã góp phần cung cấp các thông tin theo yêu cầu của bệnh nhân và thân nhân người bệnh; kết nối bệnh nhân với các dịch vụ trong và ngoài bệnh viện; hỗ trợ sinh hoạt vận động đối với những bệnh nhân khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em; kêu gọi cộng đồng giúp đỡ cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn; đón tiếp, chỉ dẫn, cung cấp thông tin, giới thiệu về dịch vụ khám, chữa bệnh tại bệnh viện ngay từ khi người bệnh vào khu khám bệnh hoặc phòng khám; thực hiện hoạt động từ thiện để hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, vận động tài trợ, hỗ trợ nhân viên y tế về đào tạo, bồi dưỡng, giúp bệnh nhân sớm phục hồi và ra viện… Với hoạt động trên, các bệnh viện đang từng bước hoàn thiện, góp phần đổi mới công tác khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Tuy nhiên, hoạt động CTXH tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh vẫn còn mang tính tự phát. Ngoài việc hướng dẫn người dân làm các thủ tục khám chữa bệnh, rất ít tổ CTXH của các bệnh viện có duy trì hoạt động xã hội mang tính từ thiện để trợ giúp bệnh nhân; hoạt động còn thiếu tính chuyên nghiệp, chưa giúp bệnh nhân giải quyết được nhiều nhu cầu bức thiết như: bếp ăn từ thiện, bữa ăn từ thiện, gây quỹ từ thiện… Chưa giải quyết triệt để nhu cầu bức xúc của bệnh nhân như: cung cấp thông tin về giá cả, chất lượng, địa điểm của các loại dịch vụ, tư vấn về phác đồ điều trị, tư vấn cách phòng ngừa, trấn an tinh thần cho người bệnh, dẫn tới nảy sinh không ít vấn đề tại các bệnh viện như: sự thiếu hụt thông tin khi tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh, sự không hài lòng của bệnh nhân đối với các cơ sở y tế… Để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ CTXH, góp phần giải quyết những nhu cầu bức thiết trong chăm sóc sức khỏe, cần có lộ trình phát triển lâu dài, phù hợp song song với việc nâng cao nhận thức và cam kết thực hiện của lãnh đạo các cơ sở khám, chữa bệnh, cán bộ trong toàn ngành Y tế về vị trí, vai trò và việc hình thành, phát triển mô hình CTXH. Đào tạo và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng CTXH cho đội ngũ nhân viên làm CTXH. Xây dựng chương trình nhằm cụ thể hóa việc phát triển mô hình CTXH tại các bệnh viện./.
Bài và ảnh: Minh Thuận