Đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm (ATTP) tuyến cơ sở đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các kiến thức ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm (NĐTP) tại cộng đồng… Hiện toàn tỉnh có 3.547 cán bộ làm công tác ATTP tuyến cơ sở, trong đó có hơn 30 cán bộ phụ trách lĩnh vực ATTP của 10 phòng y tế, trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố; 229 cán bộ phụ trách công tác ATTP xã, phường, thị trấn; 3.288/3.687 thôn, xóm, tổ dân phố có cộng tác viên y tế kiêm nhiệm công tác ATTP.
Trước thực trạng công tác ATTP còn nhiều thách thức, đặc biệt, công tác quản lý Nhà nước về ATTP tuyến cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, hằng năm, ngành Y tế tổ chức hàng trăm lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác ATTP tuyến cơ sở về kỹ năng tuyên truyền vận động, kỹ năng kiểm tra, giám sát ATTP, năng lực kiểm nghiệm ATTP… nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý ATTP trên địa bàn. Từ đầu năm 2017 đến nay, Chi cục ATVSTP tỉnh đã tổ chức gần 50 lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở về công tác ATTP thu hút hàng nghìn học viên tham dự. Tiêu biểu là 10 lớp tập huấn ở 10 huyện, thành phố với sự tham gia của 1.200 học viên là thành viên Ban chỉ đạo của 3 ngành (Y tế, NN và PTNT, Công thương) về nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về ATTP; 10 lớp tập huấn cho 600 học viên là cán bộ y tế tuyến xã, phường, thị trấn về công tác đảm bảo ATTP tuyến cơ sở; 10 lớp tập huấn cho 1.500 cán bộ tuyến cơ sở về công tác giám sát, tuyên truyền, vận động các hộ nông dân về sử dụng hợp lý hóa chất BVTV trong trồng trọt, chăn nuôi… Ngoài ra, Chi cục ATVSTP tỉnh phối hợp với Viện Kiểm nghiệm ATTP quốc gia tổ chức 1 lớp tập huấn cho 30 học viên là cán bộ y tế cơ sở về các chỉ tiêu xét nghiệm cơ bản; 1 lớp tập huấn cho 40 học viên là cán bộ phụ trách ATTP của phòng y tế, trung tâm y tế các huyện, thành phố về kỹ năng giám sát mối nguy ATTP... Tại các lớp tập huấn, các học viên được nghiên cứu 4 chuyên đề về thực trạng và các giải pháp đảm bảo ATTP của quốc gia và của tỉnh; công tác quản lý Nhà nước về ATTP của các ngành Y tế, Nông nghiệp, Công thương. Cũng tại lớp tập huấn, các học viên đã được giải đáp thắc mắc về việc phân công, phân cấp trách nhiệm của các ngành, các địa phương trong công tác đảm bảo ATTP, Luật ATTP, các nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của 3 bộ về công tác ATTP. Bên cạnh đó, các học viên được tập huấn về kỹ năng trong công tác truyền thông đảm bảo ATTP; kỹ năng giám sát đảm bảo ATTP tại các lễ hội, bữa ăn đông người, đám hiếu, hỷ; các nội dung hoạt động đảm bảo ATTP tại tuyến xã, phường, thị trấn… Các lớp tập huấn đều dành thời gian để các học viên thảo luận các biện pháp, các kinh nghiệm triển khai công tác đảm bảo ATTP tại tuyến cơ sở đạt hiệu quả.
Sản xuất bánh kẹo tại Cty TNHH Minh Dương, KCN Hòa Xá (TP Nam Định). |
Việc tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn đã nâng cao năng lực cán bộ làm công tác ATTP tuyến cơ sở để đội ngũ này chủ động, tích cực hơn trong việc cập nhật và phổ biến kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước tới mọi người dân; thông tin kịp thời cho người dân về vấn đề đảm bảo ATTP để nâng cao ý thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm để có thể tự phòng chống NĐTP cho bản thân, cho gia đình và xã hội. Ngoài công tác tuyên truyền, phổ biến, đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP tuyến cơ sở còn tham gia công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện những vi phạm về ATTP và giám sát ATTP tại cơ sở để phòng chống NĐTP và cảnh báo cho người dân biết, sử dụng những sản phẩm an toàn, chất lượng. Đơn cử, trong 8 tháng đầu năm 2017, cán bộ làm công tác ATTP tuyến cơ sở đã tham gia 350 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP tuyến huyện, thành phố, kiểm tra trên 7.100 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý cấp huyện, thành phố. Riêng trong Tháng hành động vì ATTP năm 2017, cán bộ làm công tác ATTP cơ sở đã tham gia 242 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tuyến huyện, xã kiểm tra trên 4.100/12.261 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể. Tại các buổi kiểm tra, đội ngũ này cũng trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm thực phẩm để làm căn cứ xử lý vi phạm. Qua đó phát hiện 1.342 cơ sở vi phạm (chiếm 32% số cơ sở được thanh tra, kiểm tra), trong đó có khoảng 250 trường hợp bị xử lý. Hình thức xử lý chủ yếu là cảnh cáo, phạt tiền, nhắc nhở các cơ sở khắc phục, sửa chữa các sai phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, chưa khám sức khỏe, chưa được học tập kiến thức về ATTP, chất lượng thực phẩm chưa đảm bảo; không có giấy chứng nhận kiểm dịch… Cũng trong đợt kiểm tra này, đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến cơ sở đã phạt 35 cơ sở với số tiền 58.500 nghìn đồng. Đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP tuyến cơ sở còn tích cực tham gia giám sát, điều tra xử lý NĐTP. Đặc biệt trong quá trình giám sát đã kết hợp lấy mẫu để kiểm tra, phân tích thực phẩm; qua đó đưa ra những cảnh báo tới người dân về các sản phẩm không đảm bảo an toàn.
Thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP tuyến cơ sở. Cung cấp trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác chuyên môn cho các tuyến đảm bảo thuận lợi cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm việc thực hiện các quy định đảm bảo ATTP. Nâng cao năng lực thanh tra chuyên ngành cho cán bộ làm công tác ATTP, khắc phục các thiếu sót trong công tác thanh tra, kiểm tra tuyến cơ sở. Triển khai đồng bộ các hoạt động thông tin, giáo dục truyền thông thay đổi hành vi về an toàn thực phẩm, xây dựng và phát triển kỹ năng truyền thông cho cán bộ làm công tác ATTP cơ sở, nâng cao số lượng và chất lượng các tài liệu và thông điệp truyền thông về ATTP tuyến cơ sở, góp phần phổ biến các quy định, các kiến thức về lĩnh vực ATTP trong nhân dân./.
Bài và ảnh: Minh Thuận