Giải quyết khó khăn, vướng mắc trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

05:10, 07/10/2017

Đến nay toàn tỉnh có 27 cơ sở y tế tuyến tỉnh và 10 cơ sở y tế tuyến huyện đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh (KCB) BHYT, đồng thời triển khai KCB BHYT ban đầu đến 229 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tất cả các cơ sở KCB BHYT trong tỉnh đều đã triển khai hạ tầng CNTT, phần mềm kết nối liên thông dữ liệu KCB thanh toán BHYT và đã cập nhật dữ liệu KCB thanh toán BHYT lên cổng tiếp nhận của cơ quan BHXH tỉnh. Chính sách BHYT thời gian qua đã góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ tại cơ sở y tế, nâng cao ý thức của cán bộ, nhân viên y tế trong thực hiện các quy chế chuyên môn. Tỷ lệ người dân được tiếp cận dịch vụ y tế ngày càng tăng, quyền lợi của người tham gia BHYT được giải quyết đầy đủ, kịp thời. Tuy nhiên, việc KCB BHYT vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc. Hiện nay việc cập nhật dữ liệu của một số cơ sở còn thiếu hoặc nhầm lẫn, chủ yếu ở trạm y tế tuyến xã. Bên cạnh đó, các khâu trong thủ tục hành chính KCB BHYT còn gây phiền hà. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân làm cho người dân chưa mặn mà tham gia BHYT. Một số vướng mắc khác liên quan đến vấn đề thanh toán chi phí KCB BHYT như: thanh toán dịch vụ X quang, xét nghiệm, điện tim, siêu âm, nội soi chẩn đoán; thanh toán kê thuốc tân dược đối với bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền; thanh toán dịch vụ kỹ thuật ký kết quả cận lâm sàng; thủ tục tạm ứng, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT... do hướng dẫn thanh toán vật tư y tế không thống nhất… Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa ngành Y tế và BHXH tỉnh chưa nhịp nhàng do các chính sách BHYT thường xuyên thay đổi, chưa sát thực tiễn, gây khó khăn cho cơ quan tổ chức thực hiện và đơn vị thực hiện.

Bệnh nhân tập luyện phục hồi chức năng tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.
Bệnh nhân tập luyện phục hồi chức năng tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.

Trước thực trạng trên, BHXH tỉnh tiếp tục phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở KCB triển khai thực hiện đúng hướng dẫn liên ngành về thực hiện biểu giá viện phí mới, tổng hợp những vướng mắc phát sinh khác, thống nhất phương thức thanh toán đảm bảo đúng quy định; tăng cường công tác kiểm tra tại các cơ sở KCB, đặc biệt là các cơ sở có biểu hiện gia tăng chi phí hoặc có dấu hiệu bội chi quỹ… nhằm hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng quỹ BHYT từ nhiều phía và việc giảm bội chi quỹ KCB tại các đơn vị. Tuyên truyền sâu rộng chính sách pháp luật BHYT trong nhân dân; tăng cường giám sát việc kê đơn thuốc tại cơ sở KCB cho người có thẻ BHYT; đối với những bệnh mãn tính, bệnh điều trị dài ngày thực hiện theo đúng các văn bản hướng dẫn đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả, góp phần đẩy nhanh lộ trình tiến tới BHYT toàn dân. Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở KCB tiếp tục nâng cao chất lượng khám, điều trị. Các bệnh viện cải tiến quy trình KCB, giảm tỷ lệ người bệnh nằm ghép, quan tâm đào tạo cán bộ để cập nhật kiến thức chuyên khoa sâu. Hầu hết các bệnh viện đều thực hiện các giải pháp kê thêm giường bệnh để giảm tỷ lệ người bệnh nằm ghép; tuân thủ các quy chế trong KCB và sử dụng thuốc an toàn, hợp lý cho người bệnh; thực hiện nghiêm túc quy chế lưu trữ hồ sơ bệnh án. Các bệnh viện tuyến huyện được đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế từng bước đưa các dịch vụ cận lâm sàng tiên tiến đến gần người dân như: chụp X quang cắt lớp, cộng hưởng từ... Các bệnh viện: Đa khoa tỉnh, Phụ sản tỉnh được đầu tư và khai thác hiệu quả các trang thiết bị y tế phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh. Một số bệnh viện tuyến huyện đã đưa kỹ thuật mới vào chẩn đoán, điều trị; tiêu biểu như Bệnh viện Hải Hậu đã mổ nội soi cho người bệnh; các bệnh viện Ý Yên, Mỹ Lộc đưa đơn nguyên chạy thận nhân tạo vào hoạt động… Các bệnh viện đều bố trí các phòng xét nghiệm liên hoàn, tách biệt với các khoa lâm sàng và thuận lợi cho người bệnh đến làm các dịch vụ xét nghiệm, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tăng cường truyền thông - giáo dục sức khoẻ, giải thích cho người bệnh để họ yên tâm điều trị. Các bệnh viện đều đã thực hiện công khai thuốc và vật tư sử dụng hằng ngày để bệnh nhân biết. Hằng tuần tất cả các bệnh viện đều tổ chức sinh hoạt hội đồng người bệnh lấy ý kiến đóng góp và giải đáp kịp thời những thắc mắc, khắc phục được những tồn tại trong quá trình KCB. Tại các cơ sở y tế có hợp đồng KCB BHYT, cơ quan BHXH tỉnh đều phân công các giám định viên thường trực hằng ngày để trực tiếp tư vấn, giải thích, giám định về chi phí KCB của người có thẻ BHYT khi đi khám bệnh. Hằng tháng, hằng quý, giám định viên và cơ sở KCB đều thống nhất về chi phí KCB của đơn vị và quyết toán hằng quý theo phân cấp của BHXH. Sở Y tế phối hợp với BHXH tỉnh định kỳ giao ban, thường xuyên trao đổi để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Với việc triển khai đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng KCB BHYT, người dân trong tỉnh đã quan tâm nhiều hơn đến việc tham gia BHYT. Đến hết ngày 30-8-2017, toàn tỉnh đã có 1.431.019 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 77,24%. Thời gian tới, Sở Y tế và BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT, đặc biệt trong các nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, hộ sản xuất nông, ngư, diêm nghiệp… Tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng công tác KCB. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác y tế, đa dạng các hình thức tổ chức KCB, đáp ứng nhu cầu và chất lượng KCB BHYT ngày càng cao của nhân dân./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com