Để đẩy mạnh thực hiện các văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm, thời gian qua, các ngành tham gia quản lý Nhà nước về thực phẩm như: Sở Y tế, Sở NN và PTNT, Sở Công thương đã làm tốt công tác tham mưu với UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản và cơ chế, chính sách, giải pháp trong quản lý ATTP, triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về ATTP; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh như tuyên truyền, giáo dục kiến thức về ATTP; ý thức tuân thủ pháp luật về ATTP cho các nhóm đối tượng.
Đoàn thanh tra liên ngành VSATTP tỉnh kiểm tra các mặt hàng bánh kẹo tại một trung tâm thương mại trên địa bàn Thành phố Nam Định. |
Các ngành: Y tế, Công thương, NN và PTNT đã phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP bằng nhiều hình thức phong phú qua các buổi nói chuyện, tập huấn, hội thảo, phát thanh truyền hình, viết bài tuyên truyền, truyền thông lưu động, băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, tờ gấp, băng đĩa hình, băng đĩa âm, pa-nô... Nội dung tuyên truyền tập trung vào Luật An toàn thực phẩm, các nghị định của Chính phủ, các thông tư của Bộ Y tế, Bộ NN và PTNT, Bộ Công thương và của liên bộ về bảo đảm ATTP theo từng lĩnh vực cụ thể. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thông tin chính xác, kịp thời các vấn đề liên quan đến ATTP; biểu dương kịp thời những điển hình tiên tiến; tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin vi phạm pháp luật về ATTP trên cổng thông tin điện tử của ngành… Trong 9 tháng đầu năm 2017, các ngành đã tổ chức được trên 100 buổi tập huấn, 45 buổi nói chuyện, 70 hội nghị, hội thảo cho hàng chục nghìn lượt người; treo trên 3.000 lượt băng rôn, khẩu hiệu, hơn 1.000 tranh, áp phích, phát hơn 20 nghìn tờ rơi, tờ gấp… tuyên truyền phổ biến kiến thức về ATTP, phổ biến Luật ATTP. Sở Y tế với vai trò thường trực BCĐ liên ngành VSATTP của tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường các biện pháp giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm. Trong quá trình giám sát, các cơ quan chức năng kết hợp lấy mẫu để kiểm tra, phân tích thực phẩm. Việc kiểm soát các nguy cơ gây mất ATTP được triển khai bài bản từ khâu kiểm nghiệm thực phẩm, phân tích nguy cơ đối với ATTP, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo ATTP từ đó có biện pháp cụ thể để phòng ngừa NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm. Trong 9 tháng đầu năm 2017, các ngành chức năng của tỉnh đã xét nghiệm 1.579 mẫu thực phẩm; phát hiện 1.374 mẫu đạt (87%), 205 mẫu không đạt (13%). Qua đó thông tin kịp thời để người dân phòng tránh NĐTP, đảm bảo ATTP. Công tác phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, tập trung vào những điểm có nguy cơ cao về mất ATTP; đồng thời kiên quyết xử lý những cơ sở có vi phạm nhằm răn đe kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý về ATTP. Trong 9 tháng năm 2017, toàn tỉnh đã thành lập 496 đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành ATTP, kiểm tra 7.855 cơ sở, trong đó có 5.554 cơ sở (70,7%), 2.301 cơ sở vi phạm (29,3%), 476 cơ sở vi phạm bị xử lý (20,7%). Trong số các cơ sở vi phạm bị xử lý có 186 cơ sở bị cảnh cáo (8,1%), 258 cơ sở bị phạt tiền (11,2%) với tổng số tiền phạt là 426 triệu đồng.
Việc đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về ATTP đã góp phần phổ biến kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước trong các tầng lớp nhân dân; thông tin kịp thời cho người dân về vấn đề phòng chống NĐTP, đảm bảo ATTP, góp phần nâng cao ý thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Từ đó, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đã đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo đúng quy định. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh không để xảy ra tình trạng NĐTP, số cơ sở đạt điều kiện ATTP là 70,7%. Ngoài ra qua thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành cho thấy đa số các cơ sở đều chấp hành các quy định pháp luật về ATTP, cơ sở vi phạm đã sửa chữa khắc phục các lỗi vi phạm. Tuy nhiên việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại: Sự vào cuộc của chính quyền cấp cơ sở chưa quyết liệt, mức xử lý chưa đủ sức răn đe; việc xử lý vi phạm còn nương nhẹ ở tuyến huyện, xã. Sự phối kết hợp giữa các cấp chính quyền chưa chặt chẽ; nguy cơ NĐTP và các sự cố liên quan đến ATTP vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tại các bếp ăn tập thể và những bữa ăn đông người như đám cưới, đám giỗ. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn nhỏ lẻ, không tập trung, chưa bảo đảm các điều kiện về ATTP. Thời gian tới, các ngành quản lý Nhà nước về ATTP trong tỉnh tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật; nâng cao năng lực, điều kiện làm việc cho đội ngũ cán bộ quản lý ATTP ở các cấp. Hoàn thiện chính sách về đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm đồng bộ với quy hoạch vùng, cơ sở sản xuất an toàn. Đẩy mạnh quản lý ATTP sang kiểm soát theo quá trình sản xuất, dựa trên phân tích nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm; tăng cường hoạt động truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Tuyên truyền, vận động các địa phương phát triển, nhân rộng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn và kiểm soát chặt chẽ ATTP đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Tăng cường năng lực hoạt động của hệ thống giám sát, phòng ngừa NĐTP./.
Bài và ảnh: Minh Thuận